Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành nông nghiệp là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế
Hồ Hạ - 25/12/2020 07:47
 
Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành NNPTNT, chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong khó khăn, ngành nông nghiệp là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế.
.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2020, Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng 3% GDP, mức cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương (Ảnh: Hồ Hạ).


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Việt Nam đã trải qua một năm đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, với bản lĩnh, sự điều hành linh hoạt, chúng ta đã dành được những thắng lợi toàn diện, trong đó có ngành nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Năm 2020, Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng 3% GDP, mức cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương; xuất khẩu đạt kỷ lục với 541 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều, trong đó nông nghiệp đóng góp xuất siêu trên 10 tỷ USD".

Theo Thủ tướng, nhờ thành công trong phòng chống dịch bệnh, thế giới rất ca ngợi Việt Nam, thương hiệu Việt Nam đang lên rất nhanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Trong khó khăn ngành đã thể hiện vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế. Dịch Covid-19 khiến toàn thế giới lao đao, ở Việt Nam cứ về quê là yên ổn hết".

Năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất. Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các vùng thiên tai lũ lụt, miền núi, vùng sâu vùng xa… luôn được quan tâm, nhất là trong bối cảnh thiên tai khốc liệt.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành, trong khó khăn cho thấy vai trò sống còn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế…

.
Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng với những thành quả của xuất khẩu gạo trong năm 2020 (Ảnh: Hồ Hạ).

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì đảm bảo cho dân số 100 triệu dân, duy trì xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục cao. 5 mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, nhất là xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Thủ tướng bày tỏ: "Tôi rất ấn tượng với những thành quả của xuất khẩu gạo trong năm 2020, giá gạo Việt Nam còn cao hơn Thái Lan, vượt Ấn Độ, gạo ST 25 tiếp tục đoạt giải nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020. Ngành nông nghiệp và các địa phương phải tăng tốc đẩy mạnh thương hiệu loại gạo này".

Theo Thủ tướng, trong một năm bão chồng bão, lũ chồng lũ, ngành nông nghiệp đã vô cùng nỗ lực để giảm thiệt hại về người và tài sản nhờ công tác chỉ đạo điều hành đúng và trúng.

Công nghiệp chế biến nông sản được đẩy mạnh, thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, đầu tư công nghệ cao.

Thủ tướng dẫn dụ: “Trong một nhiệm kỳ qua, đã có 68 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản đã được đầu tư. Riêng năm 2020 đã có 18 nhà máy đầu tư, đi vào hoạt động”.

Theo người đứng đầu Chính phủ: các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp đều hết sức thành công, ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu, nòng cốt trong ngành nông nghiệp… Công tác xây dựng nông thôn mới vượt xa mục tiêu đề ra và ngày càng đi sâu vào chất lượng, chiều sâu.

.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Hồ Hạ).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trước đây, khi nói tới cây ăn quả ở nước ta, thường chỉ nghĩ tới các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều tỉnh miền Bắc cũng đã có diện tích cây ăn quả rất lớn như Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên… Điều này cho thấy tiềm năng, thế mạnh rất lớn về cây ăn quả ở phía Bắc, nhất là cần phải gắn với công nghiệp chế biến…

Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của toàn ngành Nông nghiệp trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, ngành tăng trưởng vẫn chưa đảm bảo bền vững.

Thách thức về thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Một số mục tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra… Cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp vẫn còn yếu. Chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền còn lớn; môi trường nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn vẫn còn thấp so với khu vực thành thị. Năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp vẫn còn thấp…

Công tác dự báo cung cầu thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn còn yếu. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA vẫn còn thấp. Tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra…

Về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, biến nguy cơ thành thời cơ, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP.

Đối với các mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Thủ tướng mong muốn toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD.

Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và tập trung nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có gần 20.00 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5%.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắc lại phát động và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh ở đô thị và nông thôn.

Thủ tướng đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Phải chuyển từ đánh bắt thủy sản là chủ yếu sang chiến lược nuôi trồng, nhất là nuôi trồng biển.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NNPTNT về bố trí vốn trung, dài hạn cho ngành nông nghiệp 2021 - 2025 qua Bộ Nông nghiệp và PTNT đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như đã được định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn kịp thời cho chương trình xây dựng nông thôn mới để triển khai một cách chủ động.

Đề cập đến việc "Tết Tân Sửu này, cả nước ăn gì, giá cả như thế nào?", Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân với giá cả hợp lý.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi cây rừng vào dịp Tết. Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý.

Năm 2020 xuất siêu gỗ và lâm sản ước đạt trên 10 tỷ USD
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, điểm nhấn đặc biệt với ngành lâm nghiệp trong năm 2020 là trong số 13 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư