Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng: Phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để chặn dịch Covid-19
Thanh Huyền - 29/03/2020 11:30
 
Sáng nay, 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương khi mà 15 ngày tới được coi là “giờ vàng” quyết định chúng ta thành công hay thất bại trong chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp với 5 thành phố lớn về phòng chống dịch Covid-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp với 5 thành phố lớn về phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: VGP)

Cùng dự có các Phó Thủ tướng ở điểm cầu truyền hình trụ sở Chính phủ và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức làm việc trực tuyến với 5 thành phố thuộc Trung ương là bởi các địa phương này, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dân cư đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất lớn. Thời qua qua, 5 thành phố đã làm nhiều việc chống dịch Covid-19, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kiên quyết Chỉ thị 15 của Thủ tướng có hiệu lực từ 0h ngày 28/3 và đạt kết quả bước đầu.

Thủ tướng nêu rõ, 15 ngày tới là “giờ vàng” quan trọng quyết định chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh hay không.

Tại cuộc họp hôm nay, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe các địa phương báo cáo tình hình cụ thể trên địa bàn để kiểm tra tình hình cũng như quyết tâm chính trị trong chống dịch, nhất là các biện pháp mới, quyết liệt, cụ thể hơn. “Tôi nói ví dụ như ở Hà Nội, các đồng chí đã chủ động đề xuất Trung ương về ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai”, Thủ tướng nói, “chúng tôi muốn nghe kiến nghị của các đồng chí về việc thực hiện Chỉ thị 15 trên địa bàn mình”.

Thủ tướng đề nghị các địa phương làm rõ hơn, góp ý cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về các biện pháp phòng chống dịch để làm sao giải quyết vấn đề sát hơn với thực tiễn, “chủ trương của Trung ương phải sát cơ sở, sát địa phương, nhất là các thành phố lớn”. Thực tế thì các địa phương đóng vai trò chính trong triển khai chống dịch.

Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế, các địa phương đã tập trung điều trị cho người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, hiện chưa có người tử vong và yêu cầu xử lý việc thông tin thất thiệt về vấn đề này.

 
03/29/2020 11:29
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

Theo báo cáo của Bộ Y tế tính đến 8h sáng nay, 29/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 của Việt Nam lên 179. Thế giới có 662.402 ca nhiễm, gần 31.000 người tử vong.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt tại Hoa Kỳ các nước châu Âu. Tại Hoa Kỳ, từ ngày 23/3/2020 đến nay, số trường hợp mắc gia tăng liên tục với hơn 10.000 trường hợp mắc mỗi ngày, trong đó riêng ngày 27/3 đã ghi nhận gần 19.000 trường hợp mắc mới và Hoa Kỳ trở thành quốc gia có nhiều trước hợp mắc cao nhất thế giới với hơn 100.000 trường hợp mắc. Tại châu Âu, trong một tuần gần đây, số mắc mới dao động từ 5.000-7.000 ca mỗi ngày tại các quốc gia Italia, Đức và Tây Ban Nha. Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận sự chững lại về gia tăng số trường hợp mắc mới tại Trung Quốc và Hàn Quốc với lần lượt khoảng 30-50 và khoảng 100 trường hợp mắc mới mỗi ngày trong một tuần gần đây.

Báo cáo cho biết, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới đây do các trường họp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Báo cáo thống kê cho thấy có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng chống. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm Covid-19 ở cộng đồng sẽ khá cao.

Tính đến nay đã tổ chức cách ly an toàn cho 34.776 người tại các khu cách ly tập trung, 943 người tại cơ sở y tế, 39.519 người tại nhà, nơi lưu trú chưa kể các ổ dịch mới phát sinh.

Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Từ ngày 26/3 đến nay đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm lần lượt cho toàn bộ các nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại bệnh viện, số mẫu đã lấy sàng lọc SARS-CoV-2 tính đến 8 giờ ngày 27/3 là 5.419 mẫu.

Hiện nay cả nước có 24 phòng xét nghiệm được phép công bố các trường hợp dương tính và các phòng xét nghiệm sàng lọc. Bộ Y tế đã ban hành tiêu chuẩn phòng xét nghiệm; công suất hiện đạt 8.250 mẫu/ngày, số sinh phẩm xét nghiệm hiện còn 10.600 test; đã mua thêm 100.000 test phân phối trong đầu tuần tới và đã mua 200.000 sinh phẩm chẩn đoán nhanh của Hàn Quốc vào đầu tháng 4. Đã tập huấn và phân bổ 20 máy xét nghiệm nhanh cho các đơn vị, tới đây sẽ về tiếp 20 máy xét nghiệm trong tổng số 100 máy xét nghiệm nhanh xin từ nguồn các đơn vị tài trợ. Các thành phố lớn đang tập trung đầu tư thêm hệ thống xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm như Hà Nội đạt 2.000 mẫu/ngày. Như vậy, Bộ Y tế khẳng định, về cơ bản hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm trong thời gian tới.

 
03/29/2020 11:32
Ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai: Có thể đã để lỡ thời gian vàng
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố khẳng định, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày 19/3 khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai và bị Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin có 2 trường hợp là điều dưỡng tại Bệnh viện Nhiệt đới của BV Bạch Mai dương tính với Covid-19, Thành phố đã khẩn trương phối hợp với bệnh viện để xác định thân nhân, lai lịch và tiến hành tổ chức xác minh tất cả những người tiếp xúc gần F1, F2.
Sau đó, Thành phố đã tiến hành xét nghiệm và có kết quả đối với trường hợp con của bệnh nhân 86 dương tính với Covid -19; F1,F2 được tổ chức đi cách ly, các địa điểm liên quan đều được khử khuẩn. Cho đến nay liên quan đến trường hợp này chưa phát hiện thêm trường hợp nào dương tính…
Trước diễn biến đó, tối ngày 19/3 thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã có trao đổi trực tiếp với đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và trực tiếp đồng chí Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế có kiến nghị xem xét có thể đóng và phong toả một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai; giảm tải đến nhận và đóng băng toàn bộ các bệnh nhân đang điều trị trong này.
"Tuy nhiên đề xuất này của Hà Nội không được chấp nhận mà Bộ Y tế chỉ triển khai “đóng băng” một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính. Sau đó bệnh viện đã chuyển 5.113 trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai về các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp. Điều này có thể đã để lỡ thời gian vàng để phòng lây lan", Chủ tịch Hà Nội nói.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo tại điểm cầu Hà Nội. Cùng tham dự tại điểm cầu còn có Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ (Ảnh: Xuân Hải)
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo tại điểm cầu Hà Nội. Cùng tham dự tại điểm cầu còn có Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ (Ảnh: Xuân Hải)
Chỉ trong 2 ngày vừa qua, Hà Nội đã xác minh được toàn bộ nhân thân lai lịch của 1.592 trường hợp bệnh nhân và đã ra quyết định cách ly; đang triển khai đi mẫu trong hai ngày; rà soát tất cả những người đi cùng những bệnh nhân này vào thăm thân trong bệnh viện.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, chiều 28/3, Hà Nội đã triển khai rà soát toàn bộ các bệnh nhân chạy thận xung quanh Bệnh viện Bạch Mai; bệnh nhân từ các tỉnh thành đang điều trị nội trú và khoảng gần 358 trường hợp thường xuyên hiến máu cho Bệnh viện Bạch Mai. Thành phố đang lên danh sách và ra quyết định cách ly, với trường hợp khó khăn sẽ có chế độ hỗ trợ...
 
03/29/2020 11:44
2 nguy cơ lớn tiếp tục lây nhiễm Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố cho đến nay tiềm ẩn nguy cơ từ ổ dịch lớn nhất và phức tạp nhất là Bệnh viện Bạch Mai. “Bệnh viện Bạch Mai hiện nay theo ghi nhận của Hà Nội hiện có 20 trường hợp dương tính với Covid-19 (Bộ Y tế công bố là 12). Có trường hợp đi theo đoàn công tác xuống Bệnh viện Bạch Mai 2 ở Hà Nam hay đi về Nam Định, Ninh Bình cũng dương tính. Báo cáo Thủ tướng là rất có thể sẽ có nguy cơ trong một vài ngày nữa sẽ có những “đốm cháy nhỏ” dịch Covid-19 ở một số tỉnh phía bắc và Hà Nội”.
Bên cạnh đó, theo ông Chung, Bệnh viện Bạch Mai có đầy đủ yếu tố phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao khi: có rất nhiều bệnh nhân nặng; hàng ngày có từ 5.000-7.000 người khám chữa bệnh. Nhưng đáng lo ngại nhất đó là sau ngày 20/3, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân về khắp các tỉnh; đã có lây nhiễm ra ngoài. Nguy cơ lây nhiễm đến từ gần 3.000 bệnh nhân HIV được bệnh nhân dương tính với Covid-19 số 86 phát thuốc từ 9/3 đến 14/3 là rất lớn.
Nguy cơ tiếp theo đến từ Công ty Trường Sinh với 23 người phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 57, hàng ngày đưa phích nước cho tất cả các khoa của bệnh viện. Bộ phận nấu cháo phở cung cấp theo yêu cầu cho bệnh nhân. Bộ phận nấu ăn hàng ngày cung cấp cho khoảng 5.000-6.000 nhân viên trong bệnh viện Bạch Mai ăn tại tòa nhà tầng 2.
Ngoài ra bệnh viện có khoảng 2.000-3.000 học sinh, sinh viên thực tập của Hà Nội và các tỉnh thành ăn uống và học tập tại đây, nhưng đã được bệnh viện trả về từ ngày 20/3…
“Đáng lo ngại nhất hiện nay là khu vực nhà ăn cho tất cả mọi người ngoài xã hội vào ăn. Thông tin từ bệnh viện cho biết đã nắm được từ ngày 15 đến 25/3 ngày đều có 600-700 người. Riêng ngày cuối tuần có khoảng 250 người. Nếu đúng là bệnh nhân 170 vào đây ăn 5 lần và bị nhiễm với mức độ như thế thì tôi tin số này lây nhiễm còn nhiều hơn..”
 
03/29/2020 11:50
Đề xuất Hà Nội được công bố các trường hợp dương tính với Covid-19

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, việc Bộ Tư lệnh hóa học phun thuốc khử trùng Bệnh viện Bạch Mai tối qua (ngày 29/3) làm người dân, cũng như nhân viên trong bệnh viện yên tâm hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ đây ra cộng đồng vẫn rất lớn.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, qua phân tích từ một số chuyên gia về phòng chống bệnh tật trên thế giới phân tích lại nhưng số liệu liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra ngoài cộng đồng. Các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai còn phức tạp hơn 3 bệnh viện nằm ở Daegu (Hàn Quốc), Lombardy (Ý) và New York (Mỹ). Do số người ra vào quá nhiều và số bệnh nhân ra vào quá đông. Trường hợp này cũng như Vũ Hán dịp gần tết, sau khi nhiễm bệnh nhiều người đã di chuyển khắp các nơi.

Cũng tại phiên họp, Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội máy thở; đề xuất cung cấp cho Hà Nội bộ test nhanh để Hà Nội xét nghiệm nhanh trên diện rộng, ưu tiên khu vực xung quanh bệnh viện Bạch Mai...

Về thông tin các trường hợp dương tính, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho phép CDC Hà Nội khẳng định dương tính, vậy đề nghị cho phép Hà Nội công bố, để thuận lợi cho cơ sở ra quyết định cách ly cho các trường hợp F1, F2 một cách kịp thời.

Bởi như hiện nay, khi Bộ chưa công bố, người dân chưa hợp tác cách ly vì nhiều người cho rằng “chỉ khi nào tivi phát chúng tôi mới bị bệnh”. Trong khi đó, nếu các ca dương tính được cách ly sớm sẽ giảm lây lan hơn.

Đề xuất Thủ tướng có quyết định về 1 số lao động, nhân viên làm việc trong khách sạn, nhà hàng, phục vụ cửa hành bán lẻ... không về quê, tạm trú tại chỗ. Tránh trường hợp có bệnh lây lan về quê.

 
03/29/2020 14:07

Xử lý bệnh nhân 178 để răn đe, giáo dục

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta, đặc biệt là triển khai nghiêm túc Chỉ thị 15 như cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch kịp thời. Việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm, đã dự trữ nhiều hơn 4-5 lần so với bình thường. Đánh giá cao việc xử lý nghiêm vi phạm, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp ở Hà Nội, một cá nhân bị xử phạt 200 nghìn đồng vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe giáo dục.

Nhắc lại quan điểm đây đang là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”. Việt Nam có 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. “Đây là trách nhiệm nặng nề, vinh dự của tất cả hệ thống của chúng ta”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Tinh thần này cần được vận dụng công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta.

Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị, cần xác định cụ thể các giải pháp phù hợp, riêng cho từng thành phố, từng địa bàn, khu dân cư. Ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải…

 
29/03/2020 14:07

Nhất trí tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết

Tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể. Phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với cùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.

Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch đã được thảo luận tại cuộc họp, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và quán bar Buddha ở TP. Hồ Chí Minh. Phải tìm được những người (khoảng 40.000 người) vào ra Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp.

Vì vậy, phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu.

Cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến phòng chống dịch và điều trị bệnh. Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn.

Tăng cường huy động thêm các bệnh viện khác để điều trị bệnh nhân Covid-19 ở một số  địa phương.

“Các đồng chí phải tiếp tục rà lại, bổ sung năng lực y tế của thành phố về nhân lực, trang thiết bị, về con người, khả năng cung ứng dịch vụ và khả năng huy động tại chỗ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến đến và đi từ Hà Nội, TP. HCM đến các sân bay tỉnh trong 2 tuần tới.

Ngoài cơ sở vật chất, ngành y tế và các địa phương cần quan tâm hơn đến sự an toàn của các cán bộ đang trên tuyến đầu chống dịch; các lực lượng này đều phải đề phòng lây nhiễm trong nội bộ. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình, huy động lực lượng y bác sĩ đã về hưu để chia sẻ gánh vác khi cần thiết.

Các thành phố lớn là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất có nhiều lao động, nhất là các khu công nghiệp, cần có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động như một số thành phố đã làm.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính, theo tinh thần Chỉ thị 15, là tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày, bắt đầu từ  đầu tháng tới.

Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh.

Các địa phương, các thành phố lớn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Chỉ thị 15 của Thủ tướng, phải làm cho nhân dân hiểu được, dự báo được những tình huống xấu nhất để chuẩn bị phương án tốt nhất và hạn chế thấp nhất hậu quả, tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc, gây hoang mang tâm lý trong nhân dân. Làm sao từng người dân hiểu rõ, đồng tâm ủng hộ lãnh đạo chính quyền các cấp và Chính phủ trong đợt cao điểm này.

Thủ tướng nhắc lại, với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này.

Nhắc lại câu “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”, Thủ tướng cho rằng, trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tất công giặc, lần này, dịch đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn, đến từ nhiều hướng và vì vậy, cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận. Điều hệ trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn thành phố. “Có như vậy, chúng ta có niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 ở các thành phố lớn của Việt Nam và thành công của các thành phố lớn chính là thành công cho cả nước”, Thủ tướng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư