Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu và đường từ Năm Căn xuống Đất Mũi, Cà Mau
Anh Minh - 16/01/2016 10:28
 
Cụm công trình cầu Hòa Trung vượt sông Gành Hào và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau vừa được thông xe đã nối thông toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó tới tận Đất Mũi, Cà Mau.
Thủ tướng cắt băng thông xe cầu Hòa Trung, vượt sông Gành Hào
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng thông xe cầu Hòa Trung, vượt sông Gành Hào

Cách đây ít giờ, tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe Dự án đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.

"Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi và cầu Hòa Trung hoàn thành tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh Cà Mau và miền Tây Nam Bộ, giao thông đã thuận lợi hơn, người dân đi lại không phải qua đò, qua phà như trước đây; xóa thế “ốc đảo” biệt lập của huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển (Cà Mau) - điểm cuối cùng của đất nước chưa có đường ô tô đến", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ biểu dương Bộ GTVT, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu chỉ trong một thời gian rất ngắn đã thu xếp, thi công xong cầu Hòa Trung, đồng thòi đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại của đường Hồ Chí Minh về Đát Mũi, đảm bảo khai thác đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cùng một loạt công trình hạ tầng lớn được đưa vào khai thác trong thời gian qua, hai dự án còn tạo tiền đề phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, du lịch; tăng cường củng cố an ninh quốc phòng và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Theo chủ đầu tư 2 công trình là Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cầu Hòa Trung dài 1,28 km, rộng 10 m, bắc qua sông Gành Hào, kết nối với tuyến đường Cà Mau – Đầm Dơi để nối thông từ TP. Cà Mau đến huyện Đầm Dơi, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiếp nhận thực hiện từ Sở Giao thông vận tải Cà Mau tháng 2 năm 2015. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 383 tỷ đồng này sau đó được giao cho 2 đơn vị mạnh nhất của Bộ GTVT là Cienco1, Cienco4 thi công.

“Sau hơn 6 tháng triển khai thi công, đến nay dự án cầu Hòa Trung đã cơ bản hoàn thành. Đây là dự án có thời gian lập dự án và thi công ngắn nhất mà Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện và do các Nhà thầu tự ứng vốn để xây dựng”, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Là phân đoạn cuối cùng Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi, thuộc tỉnh Cà Mau tổng mức đầu tư khoảng 3.932 tỷ đồng được huy động từ vốn trái phiếu Chính phủ. Theo đó, chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải, trực tiếp quản lý dự án; đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh; tổ chức tư vấn lập dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (TEDI South) và nhà thầu thi công là các đơn vị có năng lực của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và một số doanh nghiệp địa phương.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi có tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 58,7km, đi qua địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Điểm đầu dự án tại khoảng Km2297-QL1A (cách bùng binh Bưu điện khoảng 4km) thuộc địa phận thị trấn Năm Căn và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Giai đoạn trước mắt, dự án được đầu tư xây dựng từ điểm đầu tuyến đến Km51 với tổng mức đầu tư là 3.540 tỷ đồng. 

Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩ đường cấp III đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN4054-2005. Do đặc điểm địa hình bị chia cắt nhiều, khu vực tuyến đi qua có lớp đất yếu dày, cho phép châm chước bán kính đường cong đứng tại vị trí cầu. Quy mô mặt cắt ngang được chia làm hai đoạn, đoạn từ điểm đầu tuyến đến Nam cầu Xẻo Nạn (Sáu Nạn) và đoạn từ Nam cầu Xẻo Nạn đến cuối tuyến. Tuyến đường có bề rộng nền đường là 7,5m; bề rộng mặt đường là 6m; riêng đoạn qua thị trấn Năm Căn thiết kế theo quy hoạch với bề rộng nền đường là 25m, bề rộng mặt đường 21m; một số đoạn có bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m. Kết cấu mặt đường: mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa. 

Toàn tuyến có 22 cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT dự ứng lực, tải trọng HL93. Đoạn tuyến này còn 1 công trình phà duy nhất phà Năm Căn được xây dựng dạng ponton. Cầu dẫn có mố, trụ cầu dẫn, trụ tựa, đường dẫn, nhà điều hành khai thác xây dựng mới. Sau khi cầu Cần Thơ đưa vào khai thác, ponton, cầu dẫn, phà đang sử dụng tại phà Cần Thơ sẽ chuyển về phà Năm Căn (Cửa Lớn).

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi được khởi công tháng 5 năm 2009 (triển khai từ điểm đầu đến Khai Long (Km51+300), đoạn từ Khai Long đến cuối tuyến tạm đi theo đường địa phương). Do dự án sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ triển khai trong thời điểm kinh tế toàn cầu suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm để ổn định nền kinh tế, nên khi hoàn thành công tác đấu thầu xây lắp, chỉ đoạn qua thị trấn Năm Căn (3 gói thầu) được bố trí vốn để thi công tiếp, các gói thầu còn lại (24/27 gói) phải bảo lưu kết quả đấu thầu, tạmdừng giãn tiến độ từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2014 được triển khai thi công tiếp.

“Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn và điều kiện thi công thực tế, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chủ động rà soát, điều chỉnh lại các yếu tố kỹ thuật và thay đổi kết cấu móng cầu từ cọc khoan nhồi sang cọc đóng vừa tiết kiệm chi phí thi công, không làm tăng TMĐT dự án (do thời gian dừng giãn quá lâu) vừa đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Hoàng cho biết.

Sau gần 2 năm triển khai thi công trở lại và đoạn tuyến từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn (khoảng 8km) đã được thông xe vào đầu năm 2015, đến nay đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi (dài 51,3km) đã cơ bản xong móng đường để nối thông tuyến từ thị trấn Năm Căn tới Đất Mũi.

"Cụm công trình này đã được thi công bởi các nhà thầu chuyên nghiệp trong ngành GTVT, với sự giám sát nghiêm túc của chủ đầu tư, tư vấn giám sát nên chắn chắn sẽ đảm bảo chất lượng, độ bền vững lâu dài", ông Hoàng khẳng định.

Thông xe 663 km đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên
Tuyến đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên dài 663 km được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III 2 làn xe sẽ chính thức thông xe vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư