Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng tham dự, đối thoại chính sách tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM
Trọng Tín - Lê Toàn - 25/09/2024 09:45
 
Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm nay thiết kế phiên đối thoại chính sách trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ, các tư lệnh ngành để làm cụ thể hơn các chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp.

Sáng 25/9, Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM"  chính thức được khai mạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024. Ảnh: Lê Toàn

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận công nghiệp thành phố được xác định giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển các ngành khác.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp của Thành phố đang có dấu hiệu chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, đối mặt nhiều thách thức lớn làm suy yếu vai trò trung tâm công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trong khi đó, chuyển đổi số và các ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0, như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc sản xuất thông minh, kết hợp sản xuất và vận hành thực tế với công nghệ kỹ thuật số, máy học và Dữ liệu lớn (Bigdata) để tạo nên hệ sinh thái giúp các doanh nghiệp kết nối tốt hơn và bao quát hơn trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đặt ra các tiêu chuẩn về hàng hóa và dịch vụ ngày càng cao, mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thành phố nói riêng không thể đứng ngoài cuộc.

Vì vậy, một chiến lược cốt lõi với tư duy đột phá nhằm chuyển đổi công nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, Diễn đàn Kinh tế năm nay là cơ hội để Thành phố hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Sẽ có phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay lần đầu tiên có phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ diễn ra buổi chiều cùng ngày. Thông tin từ Sở Ngoại vụ TP.HCM, phiên đối thoại này nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Phiên khai mạc Diễn đàn diễn ra vào buổi sáng gồm 4 báo cáo chính của các đại biểu xoay quanh các chủ đề như: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh liên kết vùng, khu vực quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP.HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp.

Sau đó, phiên thảo luận song song được chia thành 3 phiên, với các chủ đề khác nhau như: Vai trò C4IR tại TP.HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp, Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp, Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Lê Toàn

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chính thức được ra mắt theo thỏa thuận của Lãnh đạo Thành phố bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos hồi tháng 1/2024 vừa qua. Trung tâm này được đặt tại Khu công nghệ cao Thành phố, được kỳ vọng đóng vai trò đầu mối thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp Thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới.

“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực tối đa, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, đẩy nhanh chuyển đổi số tạo môi trường đầu tư minh bạch, chuyển đổi công năng của 17 khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Để làm được việc đó, Thành phố sẽ có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, phát huy vai trò chức năng của Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành nơi giao thoa giữa ý tưởng và kết quả cụ thể để giải quyết các bài toán chuyển đổi công nghiệp, thúc đẩy hiệu quả tiến trình xây dựng và phát triển thành phố.

Diễn đàn Kinh tế năm nay là cơ hội để Thành phố hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Lê Toàn
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển dần sang tự túc sản xuất được nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất.

Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục. Xác định các vùng sản xuất công nghiệp tập trung gắn với mạng lưới các khu, cụm công nghiệp, các khu vực sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Sắp xếp và tổ chức không gian phát triển công nghiệp gắn với liên kết vùng.
Đối tác quốc tế hiến kế giúp TP.HCM chuyển đổi công nghiệp
Lãnh đạo nhiều địa phương trên thế giới đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm để TP.HCM học hỏi, giúp Thành phố đạt mục tiêu nâng tỷ trọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư