Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng: Thủ tục rườm rà, công chức sợ trách nhiệm làm tăng chi phí cho doanh nghiệp
Khánh Linh - 08/11/2023 12:58
 
Thủ tục hành chính rườm ra, thái độ sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đang làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn thừa nhận khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ sáng nay, 8/11, có 62 đại biểu đăng kỳ, tuy nhiên, thời gian chỉ đủ cho 9 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 1 đại biểu tranh luận.

Liên quan đến tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) về các thủ tục hành chính, quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp, cho dù Chính phủ quyết tâm cắt giảm, Thủ tướng thẳng thắn, thủ tục hành chính rườm rà, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm đang làm tăng chi phí trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phiên chất vấn sáng 8/11

“Chúng ta đã nhận diện, đã có các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, các kết luận của Bộ Chính trị... Bây giờ  phải cụ thể hóa, tổ chức thực hiện cho tốt và trên tinh thần là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ”, người đứng đầu Chính phủ làm rõ các giải pháp trước Quốc hội.

Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, bên cạnh giải pháp về giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, Thủ tướng nhắc đến yêu cầu đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất để họ thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao tốt hơn.

“Yêu cầu các bộ, ngành rà soát thủ tục, trên cơ sở đó cắt giảm. Đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục vào cuộc, đặc biệt là huy động cả hệ thống chính trị để vừa thúc đẩy, vừa giám sát, đánh giá”, Thủ tướng giải trình rõ.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, theo Thủ tướng, là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ, cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý.

Việc tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo Thủ tướng còn là giải pháp cho tình trạng lao động phi chính thức còn cao mà đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) đặt ra khi gửi câu hỏi chất vấn tới Thủ tướng.

Lời giải cho bài toán này, theo Thủ tướng, là phải tạo ra công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân. “Muốn có công ăn việc làm thì phải thúc đẩy sản xuất - kinh doanh”, Thủ tướng nói.

Tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế 

Đặc biệt, Thủ tướng đã nhắc đến các kế hoạch đang triển khai về chính sách tiền lương, dù có chậm trễ do nguồn lực còn khó khăn, tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19 và những biến động khó lường từ tình hình trong nước, ngoài nước.

“Chúng ta đã cố gắng tăng thu, giảm chi, tiết kiệm các khoản. Hiện nay đang có khoảng 560.000 tỷ đồng để chi cho cải cách tiền lương, bắt đầu từ 1/7/2024 cho đến hết năm 2026. Song song với cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp để tiệm cận với nhau”, Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.

Trước mắt, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế gắn; tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo lương cho người lao động.  Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước cho phù hợp.

Cơ chế đặc thù: Sẽ lắng nghe để điều chỉnh phù hợp

Liên quan đến lo ngại của đại biểu về việc có quá nhiều cơ chế đặc thù, có thể ảnh hưởng tới tính động bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho, Thủ tướng giải trình sự cần thiết của các cơ chế đặc thù. Trong bối cảnh của nền kinh tế đang phát triển, đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, hội nhập cao, độ mở cao, khả năng chống chịu với những biến động bên ngoài còn hạn chế, tình hình thế giới, thực tiễn của đất nước cũng thay đổi rất nhanh; nhiều văn bản chưa theo sát thực tế.

“Về cơ sở chính trị, Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khoá này đều xác định nguyên tắc những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả thì có thể luật hóa; nhưng cái gì chưa rõ, chưa chín hoặc là có quy định nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép, tại điểm a, khoản 2, Điều 15…”, Thủ tướng làm rõ.

Về cơ sở thực tiễn, ông nhắc đến Nghị quyết 30 của Quốc hội hay một số nghị quyết thí điểm cho các bộ, cho các địa phương đang có hiệu quả

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan cũng như các vị đại biểu Quốc hội và người dân, để điều chỉnh phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm xuyên suốt và thống nhất”.

Chiều qua, trả lời đại biểu Nguyễn Phương Thủy về tác động bất lợi có thể có từ các cơ chế đặc thù, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã nói, "pháp luật là đại lượng chung quân bình của xã hội nên khi ra một văn bản quy phạm pháp luật thì không bao giờ bao quát được hết địa phương, ngành nghề, giai tầng xã hội", nên chính sách đặc thù là cách "buộc phải làm để đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng sau này không nên làm đại chúng".

Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn
Từ 9h50 đến 11h là thời gian dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư