Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chất vấn tại Quốc hội: Tranh luận đến cùng để gỡ rối
Nguyễn Lê - 08/11/2023 08:28
 
Hiếm có vấn đề nào đích thân Chủ tịch Quốc hội, từ vị trí điều hành chất vấn, hơn một lần phải lên tiếng để góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân, từ đó có giải pháp gỡ vướng, như việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản có tính chất đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Quốc hội

“Trình 3 lần, tôi mệt quá rồi, nên không nói nữa, chứ không phải là đồng ý”

Nhiều đại biểu không nén được tiếng cười khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói như thế, ngay phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội vào sáng 6/11.

Đó là khi nghị trường đã nóng lên từ chất vấn của đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) dành cho Bộ trưởng Phớc.

Vấn đề đại biểu nêu là quy định như tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công dẫn tới cách hiểu cho rằng, toàn bộ dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, tạo sự chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

Nhấn mạnh vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp trước, ông Cường đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp.

Thừa nhận đây là một vướng mắc, Bộ trưởng Phớc cho rằng, “cần có sự giải thích luật của Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện một cách chính xác nhất, hay nói cách khác là yên tâm nhất”.

Ông Hồ Đức Phớc cũng khẳng định đã nghiên cứu kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, Luật Đầu tư công 2014 "trói" tất cả dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công, không phân biệt giá trị dự án bao nhiêu tiền. Ngoài ra, theo Luật Đầu tư công, nếu dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, thì không được chi.

“Chẳng hạn, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đang thiếu hàng rào, nhưng Luật Đầu tư công không bố trí vào kế hoạch trung hạn, không làm được hàng rào. Đấy là sự thật”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Trả lời thêm nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: “Có lẽ cũng không hẳn là do Luật Đầu tư công, mà do cả ở Luật Ngân sách nhà nước”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rõ, việc sửa chữa, nâng cấp hiện nay vẫn được triển khai bình thường, không vướng mắc gì, chỉ có đầu tư mới thì phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công. Chính phủ cũng đang trình với Quốc hội cho phép dự án dưới 15 tỷ đồng thì được thực hiện từ chi thường xuyên.

Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã có văn bản trả lời Chính phủ là không có một văn bản nào quy định mức chi phí thường xuyên và chi đầu tư căn cứ vào giá trị số tiền, không phải là 15 tỷ đồng trở lên thì đầu tư công và dưới 15 tỷ đồng thì lại là chi thường xuyên.

Chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ, qua rà soát pháp luật, các cơ quan Quốc hội nói rằng, không có vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công và sau khi rà soát cũng kết luận không có vướng mắc về Luật Ngân sách nhà nước. Thế nên, Quốc hội đưa việc giải quyết Nghị quyết đặc thù chi thường xuyên, đầu tư ra khỏi chương trình, dù Chính phủ trình 3 lần.

“Nếu như các bộ và Chính phủ thấy rằng, trách nhiệm giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như thế nào thì phải có đề xuất, Thường vụ Quốc hội không giải thích những gì mà đã rõ hoặc những nội dung mà không có ai yêu cầu giải thích”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Vương Đình Huệ cho biết thêm, vấn đề này đã tranh luận rất nhiều. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính từng nói: “Từ nay không nêu lại vấn đề này”, nhưng hôm nay, Bộ trưởng nói lại. “Đã 3 lần, chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ. Có liên quan gì đến Luật Ngân sách hay không trong lần rà soát này, Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề gì phải rà soát”, ông Huệ nói rõ.

“Khi tôi nói từ nay tôi không nói vấn đề này nữa là vì tôi trình 3 lần, tôi mệt quá rồi, nên tôi không nói nữa, chứ không phải là đồng ý”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm trước khi kết thúc trả lời.

Sai thì sửa, chưa rõ thì giải thích

Nói rõ hơn về quá trình rà soát văn bản, ông Huệ cho biết, Tổ rà soát của Chính phủ và Quốc hội làm việc độc lập, tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương từ 500 văn bản, thông tư, nghị định, đến Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công. “Nhưng không hề có một bộ nào nói gì về vấn đề này”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh và khẳng định nếu có vướng mắc sẽ sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Còn nếu chưa rõ, sẵn sàng có giải thích vấn đề, nguyên nhân nằm ở đâu.

Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn

Khép lại hoạt động chất vấn, từ 9h50 đến 11h sáng nay (8/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Như vậy, người đứng đầu Chính phủ sẽ có thời gian khoảng 70 phút để vừa trình bày báo cáo, vừa trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Ở các kỳ họp trước, ông thường không có đủ thời gian để trả lời hết các câu hỏi của các vị đại biểu, nên sau đó, ông trả lời bằng văn bản.

Trong nhiều phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn có mặt ở hàng ghế đầu, lắng nghe và ghi chép ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Để tường minh, Chủ tịch Quốc hội mời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thêm.

Ông Mạnh nói, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Ngân sách nhà nước 2014 có hiệu lực, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, để cho các bộ, ngành và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện việc sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.

Vấn đề chỉ phát sinh từ ngày 15/9/2021, khi bộ này ban hành Thông tư 65/2021/TT-BTC, không điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nguồn chi thường xuyên cho các nội dung chi đầu tư. Nên, từ năm 2022 đến nay, các địa phương, bộ, ngành đều vướng mắc, không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho hạng mục có tính chất đầu tư.

Trước Quốc hội, ông Mạnh đọc nguyên văn khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công - quy định mà Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vướng mắc khiến đại biểu “phàn nàn”.

"Điều 6. Phân loại dự án đầu tư công.

1. Căn cứ vào tính chất dự án đầu tư công được phân loại như sau:

a. Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án.

b. Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc".

Ông Mạnh giải thích, quy định này dựa vào tính chất để phân loại dự án đầu tư công, chứ không phải là định nghĩa dự án là gì. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, không có quy định cấm sử dụng khoản chi thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư”, ông Mạnh cho biết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh ký văn bản gửi cho các cơ quan có liên quan và trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà có yêu cầu giải thích, thì lúc đó, Thường vụ Quốc hội mới giải thích pháp luật.

“Còn nếu nghị định, thông tư không phù hợp với luật, thì phải sửa nghị định và thông tư”, ông Huệ yêu cầu.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành rà soát các luật, các văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tế, từ đó có đề xuất tổng thể để giải quyết dứt điểm việc này.

Nên sửa ba luật

Trước đây, Luật Ngân sách nhà nước có nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư và Luật Ngân sách nhà nước năm 2014 bỏ đi nội dung này. Nếu như trong Luật Ngân sách nhà nước quay trở lại có nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư, thì mọi việc không còn vấn đề gì phải bàn. Cho nên, tôi đề nghị, ngoài giải thích pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm văn bản như Chủ tịch nói. Để chặt chẽ thì nên sửa luật theo hướng có thêm nội dung đưa chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào trong luật và muốn như thế, chúng ta phải sửa một lúc 3 luật, gồm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công và Luật Đầu tư công.

- Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)
 
Đổi mới chất vấn tại Quốc hội: Không giới hạn bộ ngành, ưu tiên vấn đề nóng
Các Đoàn đại biểu Quốc hội nêu nhiều ý kiến đánh giá, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư