Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thừa nhận khoảng trống, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xin quản lý phân bón về một mối
Hà Tâm - 15/11/2016 12:12
 
Trả lời bổ sung chất vấn của đại biểu Quốc hội về chất lượng phân bón sáng nay (15/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, giữa Bộ này và Bộ Công thương có khoảng trống trong quản lý phân bón.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: Đức Thanh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.  Ảnh: Đức Thanh

Một trong những nội dung được đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sáng nay là chất lượng phân bón. Trả lời thêm cho đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, quản lý và sử dụng phân bón hiện nay đang “có vấn đề”.

Nhóm vấn đề thứ nhất là về định hướng sử dụng phân bón. Hiện mỗi năm, cả nước sử dụng 10 -11 triệu tấn phân bón, trong đó sản xuất trong nước là 8 - 9 triệu tấn và nhập khẩu 2 - 3 triệu tấn. Bất cập lớn nhất trong sử dụng phân bón là hơn 90% sử dụng phân bón vô cơ (9 -10 triệu tấn), chỉ có 1 triệu tấn phân bón hữu cơ được sử dụng.

“Đây là bất cập làm cho nông sản của chúng ta không sạch, chất lượng không cao, làm ô nhiễm môi trường và giảm độ phì của đất. Nếu để tình trạng này lâu dài, giá trị nông nghiệp không thể tăng lên. Cho nên, vấn đề lớn nhất hiện nay là chúng ta phải định hướng lại sản xuất phân bón, đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có nhiều tiềm năng sản xuất phân bón vô cơ như: có lượng phân bùn lớn, mỗi năm có 50 triệu tấn phụ phẩm (rơm, thân cây ngô…), 100 triệu tấn phế thải động vật… đủ cho nền công nghiệp phân hữu cơ phát triển.  Định hướng sản xuất từ phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ cũng là đúng với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của Đảng và Chính phủ, đúng với định hướng tái cơ cấu nền noogn nghiệp nông nghiệp.

Nhóm vấn đề thứ hai là bất cập trong quản lý phân bón. Cụ thể, trước năm 2014, phân bón được quản lý theo danh mục. Theo đó, mỗi loại phân bón trước khi được đưa vào danh mục được phép lưu thông sẽ phải thông qua hội đồng kiểm nghiệm, thẩm định. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, quản lý phân bón được chuyển sang tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do việc ra đời các quy chuẩn, tiêu chuẩn đòi hỏi có thời gian nên đến nay việc quản lý phân bón theo hình thức này vẫn còn một số vướng mắc.

Đặc biệt, theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón vô cơ, Bộ Công thương quản lý phân bón hữu cơ. Còn đối với cơ sở sản xuất cả hai loại, Bộ Công thương chủ trì quản lý, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Đây là nguyên nhân gây ra kẽ hở, khoảng trống, nếu hai bộ phối hợp không tốt sẽ dẫn tới nảy sinh gian dối. Hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu sửa đổi Nghị định 202. Nếu giao phân bón cho Bộ Công thương quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao toàn bộ con người, bộ máy, cơ sở vật chất cho Bộ Công thương. Còn nếu giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chúng tôi sẽ tổ chức lại để quản lý theo nguyên tắc một mối thống nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Để nâng cao chất lượng quản lý phân bón, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát lại thông tư về quản lý phân bón và đã chuyển sang Bộ Khoa học và Công nghệ 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn phân bón để Bộ này thẩm định.

Phần đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá là “rất rõ ràng” và yêu cầu hai bộ phối hợp để tránh những khoảng trống, tránh những chồng chéo trong quản lý phân bón.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể bán, tuyên bố phá sản các dự án ngàn tỷ thua lỗ
Sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là vị Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư