Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thừa Thiên Huế đón làn sóng đầu tư mới
Ngọc Tân - 30/01/2017 20:28
 
Năm 2016 có thể coi là một năm khá thành công đối với công tác xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế, khi tỉnh tiếp tục trở thành điểm đến của những nhà đầu tư lớn mang tầm chiến lược như Bitexco, BRG, Vingroup, Bavico, Đất Xanh, PSH …
TIN LIÊN QUAN

Điểm nhấn  “Năm doanh nghiệp

Năm 2016 đã được Thừa Thiên Huế chọn là “Năm doanh nghiệp”, với việc chọn doanh nghiệp, nhà đầu tư làm trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế. Mục tiêu căn bản của Kế hoạch “Năm doanh nghiệp Thừa Thiên Huế 2016” được xác định rõ ràng, trước hết là nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp trong cộng đồng, khơi dậy tinh thần doanh nghiệp, tiếp đến là thúc đẩy tăng trưởng mạnh về số lượng, chất lượng và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.

Một mục tiêu quan trọng khác trong “Năm doanh nghiệp 2016” được tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra là phải thay đổi cơ bản cách thức kêu gọi đầu tư và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao 16 giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng và ký 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao 16 giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng và ký 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư.

“Được nhận định là có nhiều tiềm năng lợi thế, Thừa Thiên Huế luôn mong muốn được hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chúng tôi luôn chào đón, đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư các doanh nghiệp đến hợp tác với tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao đã khẳng định như vậy ngay từ đầu năm 2016.

Lời khẳng định đó đã được chứng thực bằng những hành động cụ thể, khi Thừa Thiên Huế đã chủ động “gõ cửa” kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng, tiến hành các hoạt động xúc tiến cả trong và ngoài nước. Cùng với đó, tỉnh cũng đón tiếp nhiều đoàn khách là đại diện của các nhà đầu tư trong nước, cũng như nhiều nước trên thế giới đến khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Trong những lần tiếp xúc ấy, nhiều nhà đầu tư đã quyết định chọn Thừa Thiên Huế làm điểm dừng chân cho những dự án của mình. Cụ thể, vào những ngày cuối năm, một trong những cuộc tiếp xúc trao đổi với nhà đầu tư vào giữa năm 2016 đã mang lại kết quả, khi Thừa Thiên Huế có thêm 1 dự án nghìn tỷ được cấp chủ trương đầu tư. Đó là Dự án Hue Amusement & Beach Park do Tập đoàn PSH Tây Ban Nha làm chủ đầu tư, tổng vốn 1.060 tỷ đồng.

Một thành công khác đối với lĩnh vực xúc tiến đầu tư Thừa Thiên Huế trong năm 2016 không thể không nhắc đến, đó là việc tỉnh tiếp tục đón nhận những làn sóng đầu tư mới từ những nhà đầu tư chiến lược, tiếp nối một năm 2015 thành công. Trong năm 2016, một loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư sừng sỏ trong lĩnh vực bất động sản đã “đổ bộ” vào Huế, làm dậy sóng thị trường bất động sản miền Trung như Vingroup, BRG, Bitexco, Bavico, Đất Xanh… Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao 16 giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng và ký 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư.

Tiếp tục sát cánh cùng nhà đầu tư

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, kết quả có được trong năm vừa qua không chỉ là nỗ lực của một thời điểm, mà là quá trình lâu dài của địa phương trong công tác đổi mới xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tỉnh đã tập trung đổi mới công tác kêu gọi đầu tư và hỗ trợ đầu tư; chỉ đạo các ngành xây dựng cơ sở dữ liệu, tập trung phân tích lợi thế so sánh, định hướng phát triển để xác định những ngành, những thị trường và đối tượng cụ thể cần tập trung kêu gọi đầu tư.

.
.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các nhà đầu tư cụ thể và không xúc tiến đầu tư dàn trải như thời gian trước đây nữa. Cùng với đó, đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chọn tỉnh làm điểm đến, ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn với quan điểm, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật.

Trên cơ sở chính sách trên, thời gian vừa qua, UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (điện thi công, nước, giao thông, nước thải…), để đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng cho các nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất.

“Chúng tôi cho rằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nghiên cứu, quyết định đầu tư và triển khai dự án một cách nhanh chóng chính là nhiệm vụ hỗ trợ quan trọng hàng đầu của công tác xúc tiến đầu tư. Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Định cho biết.

Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Cao, trong năm 2017, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục kiên trì thay đổi tư duy trong hệ thống, lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp. Tạo lập môi trường đầu tư sản xuất - kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Cùng với đó, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung mọi nguồn lực, giải pháp cho doanh nghiệp phát triển về cả số lượng, chất lượng. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp bằng nhiều hình thức, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng thuận lợi, công bằng, an toàn, thân thiện và tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích mọi người dân thành lập doanh nghiệp mới, quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Cũng theo ông Cao, trong năm 2017, Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 17% và số lượng doanh nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 6.400 doanh nghiệp, phấn đấu sẽ có khoảng 3-5 dự án khởi nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ, nhà đầu tư. “Để thực hiện thành công các mục tiêu trong năm, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính”, ông Cao nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ hỗ trợ khai thác các tài nguyên thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ về nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, đầu tư, kinh doanh và cơ sở hạ tầng như rà soát lại quỹ đất, thu hồi các dự án vi phạm để bố trí lại cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu, xúc tiến mở đường bay mới, hỗ trợ đầu tư công trình giao thông đến chân hàng rào dự án…; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng việc xây dựng cơ chế, chính sách thích hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn…

“Lãnh đạo tỉnh luôn luôn sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe, kịp thời giải đáp những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi cam kết luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp khi đến tìm hiểu đầu tư làm ăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư