Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh cho Việt Nam
Kỳ Thành - 07/05/2020 18:26
 
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 20 - 75 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh của Việt Nam mới chỉ mang tính sơ khai, khởi động.
TIN LIÊN QUAN

Ngày 7/5, Hội thảo “Phát triển hệ thống tài chính xanh thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam” đã diễn ra theo hình thức online trên hệ thống Zoom meeting.

Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng tổ chức, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam”, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, do PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm Chủ nhiệm đề tài.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức online trên hệ thống Zoom meeting
Hội thảo được tổ chức theo hình thức online trên hệ thống Zoom meeting

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đang là vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Đây không phải là vấn đề riêng của một quốc gia nào mà mang tính chất toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và đã có chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững.

“Để có thể đạt được những mục tiêu đó, cần có những mô hình, chính sách cụ thể để mỗi doanh nghiệp hướng tới”, bà Thu đánh giá.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu
PGS.TS Nguyễn Anh Thu

Làm rõ khái niệm về tài chính xanh, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, đây là chương tình, khoản tài trợ đặc biệt liên quan đến tài chính, tín dụng hỗ trợ các dự án, sáng kiến phát triển bền vững, cung cấp các sản phẩm giúp bảo vệ môi trường, khuyến khích xã hội phát triển bền vững.

Giống thị trường tài chính thông thường, thị trường tài chính xanh gồm Thị trường trái phiếu xanh, Thị trường cổ phiếu bền vững và Thị trường tín dụng xanh.

Theo báo cáo của Viện Tài chính quốc tế (IIF), thị trường trái phiếu xanh toàn cầu hiện nay có quy mô nhỏ nhưng tốc độ tăng trưởng cao. Tính đến tháng 2/2020, quy mô thị trường xanh đạt hơn 661 tỷ USD, chiếm khoảng 70% tổng trái phiếu phục vụ phát triển bền vững trên toàn cầu.

Định hướng phát triển thị trường cổ phiếu bền vững bắt nguồn từ sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán phát triển bền vững (SSE Initiative).

Tín dụng xanh là chủ lực trong tài chính xanh hiện nay. Trong năm 2018, tổng khối lượng phát hành đạt 60 tỷ USD (tăng hơn 30% so với 2017). Trong đó, khối lượng dư nợ tín dụng xanh gia tăng mạnh trong quý IV/2018 với hơn 20 tỷ USD. Hơn 75% tín dụng xanh là các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công ty năng lượng, với các khoản vay có thời hạn trên 15 năm.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh của nền kinh tế để đạt các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21) trong giai đoạn 2021-2030 cần tối thiểu là 20 tỷ USD, mức đầu tư tối đa có thể cần đến là hơn 75 tỷ USD.

Về khung pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số nghị định triển khai, Bộ Tài chính và NHNN có một số thông tư khuyến khích.

Tuy nhiên, ông Lực nhìn nhận, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển rất sơ khai. Các hoạt động của thị trường chủ yếu mới ở bước khởi động, đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển.

Từ thực tiễn của các quốc gia có thị trường tài chính xanh đang tăng trưởng nhanh trên thế giới, TS. Cấn Văn Lực đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực này tại Việt Nam.

Về phía Chính phủ, ông Lực cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa tài chính xanh vào Chiến lược phát triển chung của đất nước theo hướng chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh ít carbon và được thống nhất triển khai từ Trung ương tới địa phương. Trong giai đoạn đầu phát triển thị trường tài chính xanh, Chính phủ cần thực thi các biện pháp hỗ trợ thu hút nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế.

Đối với Bộ Tài chính, UBCKNN, ngành tài chính sớm hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho mọi đối tượng liên quan trong xã hội một cách thiết thực, hiệu quả và rộng rãi. Đồng thời nỗ lực thu hút nguồn vốn xã hội cho việc phát triển xanh thông qua thị trường tài chính xanh.

Đối với Ngân hàng nhà nước, ông Lực kiến nghị NHNN cần đóng vai trò chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách cụ thể đối với chính sách tín dụng xanh dành cho các TCTD. Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ, NHNN có thể nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển tín dụng xanh như: chính sách tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, lãi suất, thời hạn cho vay hay thành lập Quỹ tài chính - tín dụng xanh...

Nghiên cứu từ những kinh nghiệm quốc tế và kết quả khảo sát, TS. Nguyễn Hồng Thúy, Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đề xuất phát triển bộ chỉ số đánh giá phát triển hệ thống tài chính xanh.

Để áp dụng được bộ chỉ số này, TS. Nguyễn Hồng Thúy cho rằng Chính phủ cần hoàn thiện các thành phần hỗ trợ thị trường tài chính xanh, như Hệ thống chỉ số xếp hạng xanh, mạng lưới đầu tư xanh, và cơ sở dữ liệu xanh.

Đồng thời, kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư, ban hành tiêu chí đánh giá và kiểm soát báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, những ý kiến đóng góp tại Hội thảo là rất có giá trị, hữu ích đối với đề tài trong việc đánh giá thực trạng, đáp ứng các yêu cầu cơ bản để vận hành hệ thống tài chính xanh, từ đó đưa ra các quan điểm, định hướng, giải pháp khả thi cho Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư