Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thúc đẩy tài chính toàn diện qua tạo lập thói quen tiết kiệm cho người trẻ
H.T - 31/10/2022 16:54
 
Tạo dựng thói quen tiết kiệm, nâng cao ý thức tích lũy từ mỗi cá nhân, hướng tới thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững là một trong các mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 31/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Sparkassenstiftung Đức (DSIK) tổ chức chương trình Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và Giao lưu “Tiết kiệm thông minh - Tương lai bền vững”. Với sự đồng hành của Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tọa đàm hướng tới nâng cao ý thức tiết kiệm của thế hệ trẻ.     

Ở Việt Nam, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 với mục tiêu tổng quát để mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

 Với vai trò là đơn vị chủ trì và điều phối xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, NHNN đã chủ động, tích cực thúc đẩy nhiều chương trình nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chương trình như “Tiền khéo - Tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, "Đồng tiền thông thái", cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”... có sức lan tỏa cao.

Mỗi một lứa tuổi sẽ có những nhìn nhận, tư duy về tài chính khác nhau và cần có phương pháp hướng những kiến thức về tài chính ngân hàng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào cho hiệu quả và tối ưu nhất là vấn đề không đơn giản. Do vậy, việc xây dựng  những chương trình bổ trợ giúp sinh viên được trải nghiệm và áp dụng các nội dung lý thuyết trên giảng đường vào thực tiễn là hết sức cần thiết. Chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày tiết kiệm thế giới sẽ giúp trang bị thêm cho các em những kiến thức bổ ích để nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý ngân sách cá nhân hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc học tập cũng như trang bị tốt cho tương lai.

Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và Giao lưu “Tiết kiệm thông minh - Tương lai bền vững” không chỉ hưởng ứng Ngày Tiết kiệm Thế giới, thúc đẩy phong trào tiết kiệm, mà còn tạo dựng thói quen, ý thức tích lũy của người dân từ những khoản tiết kiệm nhỏ và từ đó học được cách tôn trọng giá trị đồng tiền, qua đó thấy được vai trò của tiết kiệm đối với cá nhân và lợi ích quốc gia. Ngày Tiết kiệm Thế giới được các tổ chức hướng tới các nước đang phát triển, nơi có nhiều người không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

 TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khẳng định, khi có năng lực quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, tài chính cá nhân sẽ luôn duy trì an toàn và chi tiêu hiệu quả hơn, giúp nâng cao khả năng tiết kiệm, thúc đẩy tích lũy tài sản cá nhân, qua đó nâng cao tổng tiết kiệm xã hội, tạo thêm lớp đệm chống sốc cho nền kinh tế cũng như mở rộng vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài ra, khi có tài sản tích lũy hay các khoản tiết kiệm, cá nhân mỗi người sẽ chủ động tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm chính thức từ các tổ chức tài chính để lưu trữ và lấy lãi, tránh lạm phát hằng năm. Điều này một lần nữa lại giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.

Chia sẻ về vấn đề tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, khi bàn đến tài chính cá nhân thì chúng ta thường hay chỉ nghĩ đến vấn đề đầu tư tài chính hay đầu tư chứng khoán, tuy nhiên vấn đề tài chính cá nhân chi phối một phạm trù rộng hơn rất nhiều. Tài chính cá nhân liên quan đến việc tối ưu hóa ba yếu tố, gồm: Tối ưu hóa nguồn thu nhập, kiểm soát chi tiêu hiệu quả và việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Sau khi có tiết kiệm thì chúng ta mới nghĩ đến vấn đề lựa chọn kênh đầu tư nào là hiệu quả để có thể gia tăng tích lũy tài sản

“Việc quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng rất cần thiết, giống như những kỹ năng khác nó cần được hình thành thông qua quá trình rèn luyện. Không hẳn phải đến khi học đại học hoặc khi chúng ta đi làm có tiền thì mới bắt đầu quan tâm đến tài chính cá nhân”, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Ông Christian Grajek, Trưởng đại diện DSIK khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh đến vấn đề tiết kiệm, bởi nếu như chúng ta thu nhập lớn hơn chi tiêu thì cần có khoản tiết tiệm hàng tháng. Vấn đề quan trọng là phải biết được những khoản chi tiêu nào là cần thiết và không cần thiết, cần phân biệt được giữa mong muốn và nhu cầu.   

Phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Phạm vi của Chiến lược hướng tới việc phổ cập các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản do các tổ chức được cấp phép cung ứng, bao gồm:...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư