Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Thực thi chuyển giao vốn nhà nước: Yêu cầu của cải cách kinh tế
H.M - 15/10/2019 17:46
 
Cho đến thời điểm này có thể thấy việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước rất chậm trễ. Tình trạng này, theo các chuyên gia, có thể coi là cố tình vi phạm kỷ luật hành chính.
.
Cần phải xác định rõ, việc chuyển giao DNNN về SCIC phải được nhìn nhận là lợi ích chung của nền kinh tế. Ảnh minh hoạ: Internet

Chỉ thị số 01/CT-TTg ấn định ngày 31/3/2019 là thời điểm cuối cùng để các bộ, ngành, địa phương chuyển giao khoảng 100 doanh nghiệp về SCIC, trong đó có các doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 1232/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 và các doanh nghiệp mà các bộ ngành địa phương chưa thực hiện thoái vốn trong các năm 2017-2018.

Số liệu từ SCIC cho biết, lũy kế đến hết tháng 9/2019, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận 34/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 10.739 tỷ đồng (Năm 2017: 21 doanh nghiệp; năm 2018: 10 doanh nghiệp; năm 2019: 3 doanh nghiệp). Gần đây, SCIC đã tiếp nhận một số doanh nghiệp quy mô lớn, như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Thép Việt Nam… song con số doanh nghiệp cần chuyển giao còn rất hạn chế.

Theo rà soát của SCIC, số doanh nghiệp chưa hoàn thành chuyển giao theo Quyết định số 1232/2017/QĐ-TTg gồm 28 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 328 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 932 tỷ đồng tại 03 Bộ và 07 UBND tỉnh,

Việc chuyển giao vốn nhà nước về đầu mối quản lý tập trung để tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là chủ trương và định hướng lớn của Đảng. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình hoạt động và tiếp nhận doanh nghiệp của SCIC để thấy chủ trương này đang ngày càng bị thách thức.

Cụ thể, trước năm 2009, việc chuyển giao diễn ra bình thường. Năm 2006, có 222 doanh nghiệp được chuyển giao về SCIC, năm 2007 là 622 doanh nghiệp. Nhưng từ năm 2009 đến nay, mỗi năm chỉ khoảng hơn chục doanh nghiệp được chuyển về. Trong 2 năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phải có 3 văn bản chỉ đạo về việc này, nhưng tình hình vẫn chậm.

“Chúng tôi nhận thấy có sự chần chừ, do dự, thậm chí là đình hoãn trong thực hiện nhiệm vụ này từ một số bộ, ngành, địa phương có liên quan”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương nhận xét.

SCIC từng có thời điểm quản lý hơn 1.000 doanh nghiệp nên có điều kiện và đội ngũ cán bộ để quản lý tốt phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta cần phải xác định rõ, việc chuyển giao DNNN về SCIC phải được nhìn nhận là lợi ích chung của nền kinh tế. Đây là bước tách chức năng đại diện quyền chủ sở hữu DNNN ra khỏi chức năng của các bộ, địa phương; thực hiện chuyên trách trong việc đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp. Đây chính là nội dung căn bản của cải cách kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Cùng với sự ra đời và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, càng không thể để một lượng vốn nhà nước được quản lý lửng lơ, phân tán và có thể dẫn tới kém hiệu quả như hiện nay.

Một số ý kiến biện dẫn những vướng mắc về mặt kỹ thuật, chẳng hạn, quyết toán vốn nhà nước lần hai chưa thực hiện, như là nguyên nhân của việc chậm chuyển giao. Tuy nhiên, Bộ Tài chính gần đây đã có văn bản cho phép tháo gỡ nút thắt này, theo đó hướng dẫn khá chi tiết việc chuyển giao vốn về SCIC trong trường hợp chậm quyết toán vốn. Bởi vậy, sự lấn cấn trong chuyển giao được giới chuyên gia cho rằng, chủ yếu thuộc trách nhiệm của người đứng đầu, liên quan đến lợi ích, quyền lợi, khiến doanh nghiệp chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này.

Nói về mức độ sẵn sàng của bên tiếp nhận, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết SCIC sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tiếp nhận toàn bộ doanh nghiệp đúng tiến độ theo các quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

"SCIC từng có thời điểm quản lý hơn 1.000 doanh nghiệp nên có điều kiện và đội ngũ cán bộ để quản lý tốt phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao".

Ông Thành cho biết thêm, SCIC đã chủ động báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, làm việc trực tiếp với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC theo Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

SCIC cũng đã gửi công văn, làm việc trực tiếp với các Bộ và UBND các tỉnh để rà soát danh sách doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn trong giai đoạn 2017 – 2018 và thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 1232/2017/QĐ-TTg, trong đó có danh mục bàn giao về SCIC theo Chỉ thị số 01/CT-TTg.

Tại cuộc họp về việc hoàn thiện Dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đối với các doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành như sau:

“Đối với doanh nghiệp các Bộ, ngành đã làm xong các thủ tục thoái vốn thì các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện thoái vốn; đến 31/12/2019 không hoàn thành việc thoái vốn thì chuyển giao về SCIC".

"Chưa thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đối với các doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong khi đang trình Quốc hội Nghị quyết về sử dụng nguồn tiền từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước”.

Kết luận của Phó Thủ tướng cho thấy Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy nhanh việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC. Để có thể hiện thực hóa việc này, ông Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành quyết định, trong đó có danh sách cụ thể các doanh nghiệp chuyển giao và có mốc thời gian rõ ràng.

“Chúng ta phải quyết liệt dọn dẹp các DNNN, tách bạch quyền đại diện chủ sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước, đây là xu hướng, thông lệ hiện đại trên thế giới, và cũng là mục tiêu đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”, chuyên gia này khẳng định.

Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa muốn chuyển giao doanh nghiệp về SCIC
Ngày 31/3/2019 là thời hạn cuối cùng để các bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao toàn bộ số doanh nghiệp (DN) chưa thoái vốn về Tổng công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư