Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 15 tháng 02 năm 2025,
Thúc trụ cột tăng trưởng đầu tư công
Hà Nguyễn - 14/02/2025 15:16
 
Để tăng trưởng GDP đạt trên 8%, nguồn lực đầu tư công được bố trí trong năm 2025 lên tới gần 875.000 tỷ đồng. Khi nguồn lực lớn này được đưa vào giải ngân, trụ cột tăng trưởng đầu tư công sẽ phát huy hiệu quả. Nhưng quan trọng là, làm sao tiêu được hết số tiền này.
Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị là một trong 2 dự án mà  Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 

Đầu năm lo chuyện tiêu tiền

Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Trong đó, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng được đề cập là vốn đầu tư công năm 2025 sẽ khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025).

“Tiền có rồi, địa chỉ có rồi, hơn 84.300 tỷ đồng này là mới so với nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch năm 2025 (790.700 tỷ đồng - PV)”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy hôm Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về Đề án và cho biết, khi đầu tư công cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng, thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 0,64 điểm phần trăm.

Đầu tư công lâu nay vẫn được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Một phép tính do Tổng cục Thống kê thực hiện được nhắc tới lâu nay, đó là cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước; cứ giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước, thì sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm.

Bởi thế, thúc giải ngân đầu tư công trong bối cảnh Chính phủ muốn đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 lên trên 8%, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới là vô cùng quan trọng.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đầu tư công là một trong những trụ cột để tăng trưởng, do đó, với số vốn được phân bổ lớn như vậy, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công.

“Chính phủ cần đảm bảo giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung trong bối cảnh giải ngân đầu tư công là khâu yếu kéo dài nhiều năm và đặc thù của năm 2025 là vốn đầu tư công bố trí ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Thách thức giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 quả thực rất lớn, bởi nguồn vốn cao. Năm 2024, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dù rất nỗ lực, nhưng tính đến hết ngày 31/1/2025, ước giải ngân vốn đầu tư công gần 635.580 tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 93,12%), chưa đạt kế hoạch giải ngân 95%.

Trong đó, đáng chú ý, ngoài giải ngân các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt 97,38%, giải ngân vốn trong nước đạt 94,38%, thì giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 49,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giải ngân 85,68% kế hoạch.

Hơn thế, trong khi 11 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước (trên 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thì vẫn có 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước (93,06%).

Tức là, dù giải ngân đầu tư công đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần nỗ lực “tiêu tiền” hơn nữa, nhất là khi so với năm ngoái, nguồn lực đầu tư công năm nay cao hơn tới 200.000 tỷ đồng.

Thúc trụ cột tăng trưởng

Các thông tin cho thấy, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công đã được thúc đẩy ngay từ đầu năm. Tính đến hết tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao gần 830.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, mới chỉ có trên 741.000 tỷ đồng đã được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết, còn lại hơn 84.840 tỷ đồng chưa được phân bổ.

“Nhiều dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn; một số dự án đang chờ điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lý giải vì sao vẫn còn một nguồn vốn lớn chưa được phân bổ chi tiết.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, TP.HCM là lo nhất, bởi nguồn lực đầu tư lớn. “TP.HCM sẽ tập trung giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 1/2026 đạt 95%”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

Chưa kể, có tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đề nghị trả vốn (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) do không có nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, một số dự án mới sử dụng vốn ODA còn chưa ký kết hiệp định vay nước ngoài…

Phân bổ vốn đã vậy, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1/2025 chưa có nhiều cải thiện. Ước tính đến cuối tháng, giải ngân vốn đầu tư công hơn 10.382 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 2,58% của cùng kỳ năm 2024.

“Trong tháng 1/2025, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn, nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lý giải.

Tuy vậy, thời gian sẽ không chờ đợi. Khi nguồn lực đầu tư công dự kiến được tăng tới 875.000 tỷ đồng, thì không còn cách nào khác, phải gấp rút thực hiện và giải ngân, ngay từ những tháng đầu năm.

Để thúc đẩy giải ngân, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát hiện trường 2 dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và chỉ đạo tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy hai dự án cao tốc này. Trước đó, Thủ tướng cũng đến công trường các dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đường vành đai 3 TP.HCM, Nhà ga T3 (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM) để đốc thúc tiến độ…

Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị nỗ lực tăng tốc, bứt phá, thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tất cả vì sự phát triển đất nước…

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt với các dự án trọng điểm, là cách để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa nguồn vốn vào nền kinh tế.

Một lần nữa, mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã được đặt ra trong năm 2025 - năm cuối của kỳ đầu tư công trung hạn 2021-2025. Các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu này.

Đơn cử, xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025 với mức 12%, tỉnh Hải Dương rất nỗ lực để giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Kịch bản giải ngân đầu tư công đã được vạch ra, với mục tiêu tháng 1 đạt khoảng 3%; tháng 2 đạt 8% và tháng 3 đạt 19%, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, phấn đấu cả năm đạt 99,7% kế hoạch được giao.

Ưu tiên vốn đầu tư công cho đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị
Vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 sẽ ưu tiên dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư