Thứ Tư, Ngày 02 tháng 04 năm 2025,
Thuế quan "có đi có lại" là gì? Nền kinh tế nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
Đông Phong - 31/03/2025 11:47
 
Tổng thống Trump hôm 30/3 tuyên bố rằng thuế quan "có đi có lại" mà ông công bố ngày 2/4 sẽ bao trùm tất cả các quốc gia, không riêng một nhóm nhỏ gồm 10 đến 15 nước có tình trạng mất cân bằng thương mại lớn nhất.

Về cơ bản là áp dụng cho tất cả các nước

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố kế hoạch thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4, một sự kiện mà ông gọi là "ngày giải phóng". Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã áp thuế đối với nhôm, thép và ô tô, cùng với việc tăng gấp đôi thuế quan lên 20% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc.

Kế hoạch thuế quan có đi có lại "sẽ bắt đầu áp dụng với tất cả các quốc gia", Tổng thống Trump hôm 30/3 nói với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One.

"Về cơ bản là tất cả các quốc gia mà chúng tôi đang nói đến", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ áp dụng thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ áp dụng thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Ảnh: AFP

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett mới đây chia sẻ với kênh tin tức Fox Business rằng trọng tâm thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump sẽ là 10 đến 15 quốc gia có tình trạng mất cân bằng thương mại tồi tệ nhất, tuy nhiên, ông không liệt kê danh sách các quốc gia đó.

Ông Trump coi thuế quan là một cách bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi sự cạnh tranh toàn cầu không lành mạnh và là con bài mặc cả để có được các điều khoản tốt hơn cho Mỹ.

Tuy nhiên, những lo ngại về thuế quan và chiến tranh thương mại đang khiến thị trường bất ổn và làm dấy lên nỗi lo suy thoái ở Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp đặt một loạt thuế quan có đi có lại đối với các quốc gia tính phí đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ áp dụng mức thuế tương ứng với từng quốc gia.

Tuần trước, ông Trump đã tiết lộ rằng ông có thể thu hẹp kế hoạch thuế quan có đi có lại và trong một số trường hợp có thể áp dụng mức thuế quan thấp hơn mức các quốc gia đối xử với Mỹ.

Thuế quan có đi có lại là gì?

Thuật ngữ "có đi có lại" được sử dụng trong thương mại, thường đề cập đến các biện pháp mà cả hai bên thực hiện để đảm bảo sự công bằng trong thương mại song phương. Trong phần lớn 90 năm qua, điều đó thường có nghĩa là hạ thấp các rào cản thương mại.

Tại Mỹ, Đạo luật thỏa thuận thương mại có đi có lại (RTAA) năm 1934 đã đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên bảo hộ của Mỹ và cho phép Mỹ và các nước đối tác đàm phán giảm thuế quan đối với hàng hóa của nhau.

Đối với ông Trump, khái niệm "thương mại có đi có lại" đã xuất hiện trong các tài liệu vận động trực tuyến từ năm 2023 và được mô tả là cách tiếp cận "ăn miếng trả miếng" để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại bằng cách tăng thuế quan của Mỹ.

Ông Trump và các cố vấn của mình lập luận rằng hoạt động của nhiều đối tác thương mại của Mỹ đã đặt các nhà xuất khẩu của họ vào lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp Mỹ, gây bất lợi cho ngành sản xuất chế tạo của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc xây dựng một bức tường thuế quan xung quanh nền kinh tế Mỹ sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nước ngoài hoặc các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài xây dựng các cơ sở sản xuất tại Mỹ và thuê công nhân Mỹ, đảo ngược tình trạng suy yếu của tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Chiến lược thuế quan này còn có một mục tiêu khác được nêu ra gần đây: tạo ra doanh thu để bù đắp cho việc cắt giảm thuế trong nước.

Hơn nữa, với việc mô tả ngày 2/4 là "ngày giải phóng" khi ông tung ra "một đòn lớn", Tổng thống Trump dường như muốn định hình lại các quan hệ đối tác thương mại lớn của Mỹ bằng một loạt các công cụ thuế quan có đi có lại.

Mặc dù thời hạn chót đang đến gần, nhưng hiện vẫn chưa rõ ông chủ Nhà Trắng sẽ hành động ra sao để cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu đang vận hành theo các quy tắc hiện tại. Sự bất ổn và khó đoán trong chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã làm rung chuyển thị trường tài chính, thôi thúc các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và buộc các quan chức ngân hàng trung ương phải cân nhắc kỹ lưỡng các tác động lạm phát tiềm ẩn do thuế quan trước khi ra quyết định lãi suất.

Có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump có thể không thực hiện tất cả các lời đe dọa của mình, hoặc ít nhất là không thực hiện tất cả cùng một lúc.

Theo một kịch bản được các quan chức Nhà Trắng báo trước, thay vào đó, ông Trump có thể tiến hành các cuộc điều tra để tìm kiếm cơ sở pháp lý cho một số mức thuế quan sau vài tháng nữa, ngoài các khoản thuế mà ông sẽ áp dụng ngay lập tức theo lệnh khẩn cấp, Bloomberg đưa tin.

Thuế quan có đi có lại được áp dụng ra sao?

Bloomberg dẫn một bản sao của sắc lệnh do Nhà Trắng cung cấp, các loại thuế quan sẽ được tùy chỉnh cho từng đối tác thương mại của Mỹ. Mục tiêu là bù đắp không chỉ thuế quan mà các đối tác thương mại áp lên hàng hóa Mỹ, mà còn cả các "rào cản phi thuế quan" được cho là bất lợi cho các nhà sản xuất Mỹ, chẳng hạn trợ cấp cho các doanh nghiệp bị coi là không công bằng, các quy định như các quy tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT), kiểm soát tỷ giá hối đoái và bảo vệ sở hữu trí tuệ lỏng lẻo.

Những cái gọi là "rào cản phi thuế quan" nêu trên rất khó định lượng và đặt ra thách thức lớn cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại Mỹ, hai cơ quan được giao nhiệm vụ đề xuất các mức thuế mới cho từng quốc gia. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã ví nhiệm vụ của mình như việc chuẩn bị đàm phán lại các thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia, một quá trình có thể mất nhiều năm để đạt được chỉ một thỏa thuận song phương.

Thuế quan có đi có lại có thể được áp dụng theo một số cách. Nó có thể áp dụng cho các sản phẩm cụ thể, cho toàn bộ ngành công nghiệp hoặc dưới dạng thuế quan trung bình đối với hàng hóa đến từ một quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent gần đây đã ám chỉ khả năng rằng có khoảng 15 quốc gia đang trong tầm ngắm và mỗi quốc gia "sẽ nhận được một con số mà chúng tôi tin rằng đại diện cho thuế quan của họ".

Về lý thuyết, Mỹ có thể hạ thuế quan trong một số trường hợp, vì mục đích có đi có lại. Một số quốc gia có thể được miễn trừ hoặc giảm thuế quan, nhưng Tổng thống Trump cho biết ông không muốn có "quá nhiều" loại trừ trong thuế quan có đi có lại.

Những nền kinh tế nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?

Kế hoạch thuế quan có đi có lại của Mỹ được kỳ vọng sẽ phù hợp với các chi tiết cụ thể của từng mối quan hệ với đối tác thương mại. Điều này ngụ ý rằng một số quốc gia - đặc biệt là những quốc gia có ít rào cản đối với các công ty Mỹ - có thể được miễn phần lớn thuế quan.

Mặt khác, nếu Mỹ áp dụng mức thuế cụ thể tương đương với các quốc gia có mức thuế cao nhất đối với hàng hóa Mỹ, các thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Bloomberg Economics, Ấn Độ, Argentina và phần lớn châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đối chiếu mức thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

Khi xây dựng kế hoạch thuế quan có đi có lại, chính quyền Tổng thống Trump
Khi xây dựng kế hoạch thuế quan có đi có lại, chính quyền Tổng thống Trump "đặc biệt quan tâm đến" các đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Ảnh: AFP

Nhìn chung, phần lớn thế giới sẽ bị ảnh hưởng, vì chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét định nghĩa chung hơn về "công bằng" thương mại. Mỹ có thâm hụt thương mại chung, nghĩa là họ nhập khẩu nhiều hơn từ các quốc gia khác so với xuất khẩu và ông Trump coi sự mất cân bằng này về cơ bản là không công bằng.

Ông Trump trước đó đã nhiều lần chỉ trích thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa Mỹ được bán ở các quốc gia khác, đặc biệt là mức thuế VAT tối thiểu 15% của Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ - cũng áp dụng thuế VAT với tên gọi là thuế tiêu dùng.

Có thể đàm phán thuế quan với Mỹ?

Những gì diễn ra trước đó cho thấy Tổng thống Trump thường hành động theo phong cách "gây sốc trước, đàm phán sau". Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã miễn thuế cho một số quốc gia và một số mặt hàng nhập khẩu sau khi các ngành công nghiệp trong nước vận động hành lang để né thuế. Đơn cử, Trung Quốc đã tránh được một đợt thuế quan bổ sung vào năm 2019 sau khi cam kết sẽ mua thêm hàng tỷ USD giá trị hàng hóa quan trọng của Mỹ, bao gồm cả nông sản.

Ở nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump, vào đầu tháng 2/2025, đã hoãn áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sau khi hai nước láng giềng của Mỹ đồng ý thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp và nạn buôn bán ma túy tại biên giới.

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump sẽ cứng rắn hơn trong chính sách thương mại ở nhiệm kỳ này. Một ví dụ điển hình là ban đầu, ông Trump đã ám chỉ rằng Australia có thể được miễn thuế thép và nhôm mà ông dự định áp dụng cho tất cả các quốc gia. Nhưng sau đó, cố vấn thương mại của ông Trump đã dội gáo nước lạnh bằng nhận định rằng nhôm của Australia đang "giết chết" ngành công nghiệp Mỹ.

Trong một tín hiệu thắp lên hy vọng cho thương mại toàn cầu, Tổng thống Trump hôm 28/3 tuyên bố ông sẵn sàng thỏa thuận với các quốc gia muốn tránh thuế quan của Mỹ, nhưng các thỏa thuận đó phải được đàm phán sau khi Washington công bố kế hoạch thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4.

Tổng thống Trump cho biết, nhiều quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh, đã tiếp cận Mỹ để cố gắng cắt giảm các thỏa thuận và tránh thuế quan có đi có lại.

"Họ muốn thực hiện các thỏa thuận. Điều đó có thể xảy ra nếu chúng tôi có thể đạt được điều gì đó cho thỏa thuận", ông Trump nói. "Nhưng đúng vậy, tôi chắc chắn sẽ làm như vậy. Nếu chúng ta có thể làm điều gì đó để đạt được nó", Tổng thống Mỹ khẳng định.

Tổng thống Trump: Sẽ "có sự linh hoạt" trong thuế quan "có đi có lại"
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ có "sự linh hoạt" trong kế hoạch thuế quan "có đi có lại" của ông, ngay cả khi ông chủ Nhà Trắng có vẻ phản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư