Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thương mại điện tử - xu thế tương lai của ngành bán lẻ
N.L - 14/10/2022 07:56
 
Sau khi hoàn thành vai trò "cứu cánh” cho ngành bán lẻ trong dịch bệnh covid, thương mại điện tử (TMĐT) đã chính thức trở thành một xu hướng tất yếu.
TIN LIÊN QUAN

Mảnh đất này được đánh giá là màu mỡ còn rất nhiều tiềm năng cũng như cơ hội để khai thác đối với doanh nghiệp.  

Bức tranh thị trường bán lẻ hậu covid

Hai năm dịch bệnh khiến doanh nghiệp bán lẻ gánh trên vai nhiều khó khăn. Trong khi doanh số bán hàng liên tục sụt giảm, đa số doanh nghiệp vẫn phải gánh các loại chi phí duy trì liên quan đến thuê mặt bằng, nhân sự… Kết quả khảo sát ngành bán lẻ hậu covid mới đây của Vietnam Report cho thấy gần 42% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, 50% chịu tác động nghiêm trọng vừa phải. Mặc dù vậy, theo ông Vũ Đăng Vinh – Tổng giám đốc Vietnam Report, thị trường bán lẻ Việt Nam sau covid 19 vẫn được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành đánh giá là nhiều triển vọng phát triển trong dài hạn. Dự báo, quy mô thị trường năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, năm 2025 là 39 tỷ USD và một số xu hướng chủ đạo sẽ dẫn dắt chuyển động của thị trường trong đó nổi bật là bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ bán hàng trực tuyến đến trực tiếp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, 75% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet thường xuyên trong đó 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm online. Sự dịch chuyển từ mua hàng trực tiếp chuyển sang trực tuyến xuất hiện xuyên suốt thời kì dịch bệnh và trở thành xu hướng ở thời điểm hiện tại. Các nền tảng bán hàng online phổ biến như Shopee, Tiki, Chotot, Lazada… đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng không thiết yếu. Các sản phẩm được mua online nhiều nhất là sản phẩm thời trang, thiết bị gia dụng…

Người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử bao gồm cả hàng thiết yếu và hàng không thiết yếu.

Tuy nhiên, nhu cầu mua hàng online không chỉ phổ biến ở nhóm hàng không thiết yếu mà còn thông dụng trong cả nhóm hàng thiết yếu. Đối với các mặt hàng tiêu dùng dạng nhu yếu phẩm hàng ngày, nếu trước đây, người dân thường mua bán trực tiếp tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì bây giờ, ngày càng có nhiều người tin dùng các cửa hàng online. Kênh mua hàng trực tuyến thậm chí đã ”vượt mặt” các kênh truyền thống trở thành lựa chọn đầu tiên của khách hàng khi mua nhu yếu phẩm.

Thương mại điện tử - một mũi tên trúng nhiều đích

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022 do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam công bố, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận đáng kể người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm truyền thống. Đây cũng chính là lý do, hậu covid, nhiều doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục đầu tư chuyển hướng phát triển mở rộng kinh doanh trên các nền tảng TMĐT đáp ứng thói quen mua sắm mới của khách hàng vốn đã thay đổi sau hai năm dịch bệnh.  Không chỉ là giải pháp phát triển hợp xu thế, sự chuyển đổi này còn giúp doanh nghiệp đối phó với gánh nặng chi phí mặt bằng và tiết kiệm, dồn nguồn lực tài chính tập trung sản xuất và hồi phục. Chính điều này càng khiến cho TMĐT trở thành lựa chọn hàng đầu trong những chiến dịch marketing quy mô của nhà bán lẻ.

Theo Việt Nam Report, 56% người kết nối Internet tìm kiếm thông tin mua hàng trên mạng, 91% người dùng Internet sử dụng smartphone để đặt hàng online thông qua các ứng dụng. Trải nghiệm khách hàng khi mua hàng online vì thế luôn được doanh nghiệp ưu tiên khi đơn giản hóa thao tác mua hàng thông qua một vài lần chạm, giúp khách hàng theo dõi đơn hàng từ giai đoạn người bán nhận đơn, đóng gói, giao cho nhà vận chuyển đến vận trình của bưu kiện, thời gian giao hàng. Những app TMĐT của doanh nghiệp trở thành một điểm chạm thương hiệu lý tưởng khi trải nghiệm khách hàng hoàn hảo. Đồng thời cũng là công cụ chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết một cách hiệu quả.

Lựa chọn thương mại điện tử chính là cách tạo ra nhiều giá trị cho cả nhà bán lẻ và khách hàng trong xu thế mới. Tuy nhiên, giữa rất nhiều công cụ và nền tảng triển khai thương mại điện tử, doanh nghiệp cần một công cụ kết nối hiệu quả với khách hàng để không chỉ giữ chân được họ mà còn tạo ra trải nghiệm mang dấu ấn thương hiệu.

App TMĐT - tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu bán lẻ

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích từ app TMĐT, nhiều doanh nghiệp bên cạnh lựa chọn bán hàng trên các sàn TMĐT hiện có còn tự nâng cấp thương hiệu bằng cách hợp tác với các nhà phát triển xây dựng app TMĐT riêng của doanh nghiệp.

Lý giải cho định hướng phát triển này, ông Phan Tùng – CEO Abaha, một trong những công ty tiên phong trong thị trường phát triển app TMĐT chia sẻ: ”Khách hàng luôn chọn con đường mua hàng ngắn, tiện ích và thoải mái nhất khi mua hàng. Doanh nghiệp bán lẻ là người hiểu rõ nhất điều này nên mới có nhu cầu sở hữu mobile app TMĐT riêng. Bởi vì, đó sẽ là một kênh kinh doanh và phát triển thương hiệu hiệu quả, xây dựng được trải nghiệm khác biệt của thương hiệu, rút ngắn khoảng cách với khách hàng. Theo dõi của chúng tôi trên hệ thống mobile app TMĐT doanh nghiệp được Abaha xây dựng trong 18 tháng qua cho thấy những kết quả tăng trưởng tích cực khi giá trị giao dịch đạt hơn 602 tỷ đồng với hơn 71.000 đơn hàng và 863.000 người dùng, tăng trưởng người dùng đạt 15%/tháng”.

 

Đa dạng các sản phẩm ngành hàng bán lẻ được trưng bày tại các kênh phân phối mobile app do Abaha cung cấp

Ông Tùng cũng khẳng định mobile app đến thời điểm này không còn là cuộc chơi của những ông lớn mà đã mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp bán lẻ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Abaha cũng có những chiến lược riêng, cam kết đồng hành dài hạn để cùng doanh nghiệp đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí, tối ưu nhân công và tăng trưởng doanh thu.   

Thị trường bán lẻ và xu thế phát triển kinh doanh trên nền tảng TMĐT đang bắt đầu một sự thay đổi lớn khi doanh nghiệp sẵn sàng phát triển app riêng. Triển khai đồng bộ hoạt động marketing, bán hàng và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng theo đúng đặc trưng thương hiệu trên nền tảng riêng chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều không gian để doanh nghiệp có thể sáng tạo và tăng doanh thu bán lẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư