Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thương mại hàng hóa với Trung Quốc sẽ cải thiện mạnh mẽ
Thế Hải - 31/12/2022 10:31
 
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ cải thiện mạnh mẽ khi Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023.

Xi măng, gạo, rau quả sớm hồi phục

Xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong năm 2022, khi Trung Quốc đóng cửa để phòng, chống dịch theo chính sách “zero-Covid”. Trong 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 53 tỷ USD, chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Rau quả là mặt hàng xuất sang Trung Quốc giảm mạnh nhất.

Theo các doanh nghiệp, việc Trung Quốc siết chặt phòng, chống Covid-19 ở khu vực cửa khẩu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Cụ thể, 11 tháng qua, xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng trở lại, nhưng do đã giảm mạnh trong các tháng trước đó, trong khi Trung Quốc lại chiếm hơn 50% tổng kim ngạch cả ngành, nên tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 3,06 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, việc nước này mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may, gạo…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đón chờ động thái mở cửa của Trung Quốc, từ đó thúc đẩy thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển nhanh hơn, lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ gia tăng.

Ngành xi măng cũng hy vọng, Trung Quốc mở cửa sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu xi măng phục hồi, các doanh nghiệp có cơ hội tăng xuất khẩu trở lại. Trong 11 tháng qua, xuất khẩu nhóm hàng này giảm 32% về lượng và 21,2% về trị giá, chỉ đạt 28,4 triệu tấn, trị giá 1,25 tỷ USD, nguyên nhân do giảm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với ngành cao su, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Trong 11 tháng của năm 2022, thị trường này chiếm tới 99,8% tổng lượng cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 1,11 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD.

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định: “Việc Trung Quốc mở cửa cho hoạt động xuất khẩu không chỉ gỡ được nút thắt về sản lượng đầu ra của cao su, mà còn tạo đà tăng cho giá cao su, tới từ nhu cầu cao su khá cao cho sản xuất lốp xe của quốc gia này”.

Tiếp đến là ngành xơ sợi. 11 tháng qua, xuất khẩu xơ sợi giảm 16%, đạt 4,36 tỷ USD. Trung Quốc là địa chỉ tiêu thụ 70% xơ sợi của Việt Nam. Thị trường này hồi phục sản xuất kéo theo nhu cầu sợi tăng sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu sợi nước ta.

Cải thiện thương mại 2 chiều

Trong 11 tháng của năm 2022, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 162 tỷ USD, gần bằng con số của cả năm 2021 (165 tỷ USD). Ở chiều xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, còn ở chiều nhập khẩu, đây là thị trường cung cấp máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hàng đầu (11 tháng, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 109 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021).

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, ngay trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ cải thiện mạnh mẽ. Đơn cử, xuất khẩu rau quả, thủy sản, gạo… của Việt Nam sang Trung Quốc tăng cao nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc tăng dần.

Trên thực tế, từ đầu tháng 12/2022, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống Covid-19 và dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Về tổng thể, điều này sẽ tác động tích cực lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những ngành hàng có nhiều thuận lợi, thì cũng có ngành được nhận định sẽ gặp khó khăn hơn khi Trung Quốc mở cửa. Đó là trường hợp ngành phân bón. Trung Quốc là nhà xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới, nên khi nước này mở cửa trở lại, sẽ cung cấp một lượng lớn ra thị trường, từ đó khiến phân bón tiếp tục xu hướng giảm giá. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc giá bán giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.

Trong năm 2022, ngành phân bón nước ta đã tận dụng được cơ hội thị trường (giá xuất khẩu tăng và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón) để thúc đẩy xuất khẩu. 11 tháng của năm nay, xuất khẩu phân bón của nước ta đạt gần 1,6 triệu tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng 34% về lượng và gấp gần 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, vượt mức thực hiện của năm ngoái 450 triệu USD.                

Xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2023
Sau khi về đích với 371,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, ngành Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023, cán cân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư