Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
Thương mại toàn cầu biến đổi, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách, chiến lược kinh doanh thế nào
Trước thềm Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (Viet Nam Economic Pulse forum) sẽ diễn ra trong tuần này, đồng tổ chức bởi UNDP và CIEM-MPI nhằm quy tụ các chuyên gia quốc tế và trong nước để thảo luận về Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược và chính sách như thế nào để duy trì tăng trưởng và tính cạnh tranh, bà Ramla Khalidi chia sẻ ý kiến về Việt Nam cần phát huy tiềm năng như thế nào trong thời điểm quan trọng này.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ kinh tế đáng kinh ngạc trong thế kỷ 21. Với GDP bình quân đầu người đã tăng gấp ba kể từ 2000, đây là tốc độ tăng trưởng chỉ đứng sau Trung Quốc trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tăng trưởng năng suất lao động theo đầu người gia tăng nhanh nhất trong khu vực, dù mức khởi điểm tương đối thấp. Không những vậy, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030, với hầu hết các mục tiêu hướng tới giảm nghèo, y tế và giáo dục.

Với những thành tựu nêu trên, Việt Nam đang trên lộ trình đạt được mục tiêu “trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030”. Tuy nhiên, mục tiêu đạt “quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045” sẽ là thách thức lớn hơn. Để thực hiện được điều đó, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng ít nhất 6% liên tục trong hai thập kỷ tới. Dựa vào những thành tích đã được trong quá khứ và điều này nằm trong khả năng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các xu hướng toàn cầu cho thấy khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, tốc độ tăng trưởng thường chậm lại. Các quốc gia với thu nhập thấp có thể tăng trưởng nhanh chóng khi thay thế công nghệ truyền thống bằng các phương pháp sản xuất hiện đại, thường được nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, những cơ hội này thường ít dần đối với các quốc gia có thu nhập trung bình. Nếu nhìn vào xu hướng tăng trưởng của Indonesia, Malaysia và Thái Lan, chúng ta sẽ thấy tốc độ tăng trưởng của họ đã chậm lại từ những năm 1990, ngay cả khi không tính các năm đại dịch Covid-19 (2020-2021).

Dù vậy, với các chính sách hướng về tương lai và nền kinh tế toàn cầu ổn định, Việt Nam đang ở vị thế phù hợp để tạo bước chuyển biến mang tính lịch sử và trở thành quốc gia có thu nhập cao chỉ trong một thế hệ. Làm thế nào chúng ta có thể đạt được điều này? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải bắt đầu từ việc hiểu rõ nền tảng của những thành công trong quá khứ của Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia mở cửa đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao thông qua việc hội nhập sâu vào mạng lưới sản xuất Đông Á, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (xem UNDP, “Năng lực cạnh tranh xuất khẩu và sự phát triển của thương mại Việt Nam, 2023”). Kể từ năm 2000, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất trong khu vực, đạt mức tăng trung bình hàng năm 15% theo giá trị USD, nhanh hơn tốc độ của Trung Quốc (12%) và hơn gấp đôi so với Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Khi quan sát số liệu thống kê kỹ hơn, ta thấy được hai khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Đầu tiên, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng xuất khẩu nhanh sau Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2008-2009, trong khi hầu hết các quốc gia có thu nhập trung bình đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2010, khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu chững lại do các chính sách “Thắt lưng buộc bụng” tài chính ở các nước thu nhập cao và sự ngày càng phổ biến của những chính sách bảo hộ mậu dịch trong thương mại.

Chính phủ đã đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư khu vực và song phương để tăng cường sức hút của Việt Nam với vai trò là cơ sở sản xuất, đồng thời tăng cường đầu tư vào cơ sở  hạ tầng thiết yếu nhằm giảm chi phí logistics. Sự căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm sự đa dạng hóa các nền tảng xuất khẩu (Bảng 1).

Sự khác biệt thứ hai giữa Việt Nam và các quốc gia có thu nhập trung bình khác là tốc độ tăng trưởng vượt trội trong xuất khẩu sản phẩm chế tạo, đặc biệt là sau năm 2010. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một cường quốc sản xuất, ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN láng giềng. Hơn nữa, những tốc độ này được duy trì khá đều đặn sau hậu quả của khủng hoảng tài chính.

Bảng 1. Tăng trưởng xuất khẩu, 2000-2022 Nguồn: UNCTADSTAT  

 

2000-2010

2011-2022

2000-2022

 

  Tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu

Sản phẩm chế tạo

Tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu

Sản phẩm chế tạo

Tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu

Sản phẩm chế tạo

Việt Nam

15%

20%

11%

15%

15%

19%

Campuchia

12%

13%

9%

10%

11%

13%

Trung Quốc

19%

19%

5%

5%

12%

12%

Ấn Độ

18%

14%

5%

4%

12%

10%

Thái Lan

10%

9%

2%

3%

6%

6%

Hàn Quốc

10%

9%

2%

2%

6%

6%

Indonesia

9%

4%

3%

5%

7%

5%

Malaysia

6%

5%

2%

4%

5%

5%

Philippines

6%

-2%

4%

7%

5%

3%

Các quốc gia thu nhập trung bình

12%

12%

4%

4%

9%

9%

Đông Á và Thái Bình Dương

10%

9%

3%

4%

7%

7%

Liệu Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm chế tạo cao như vậy để thúc đẩy tăng trưởng trong hai thập kỷ tới hay không? Câu trả lời trung hạn là “có”. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng đã đạt hơn 20 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2023, và hai phần ba con số vốn đó được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện máy tính tăng trưởng đặc biệt nhanh trong thập kỷ vừa qua, nhưng xuất khẩu các sản phẩm truyền thống như giày dép và nội thất cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Các xu hướng dường như sẽ tiếp tục diễn biến, góp phần hỗ trợ đất nước trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 2026-2030.

Tuy nhiên, câu trả lời mang tính dài hạn sẽ phức tạp hơn. Dù không thể dự đoán chính xác tương lai, có bốn lý do chính để tin rằng mô hình phát triển hiện tại sẽ không đủ để duy trì tăng trưởng sau năm 2030.

Thứ nhất, ngành sản xuất của Việt Nam vẫn tập trung nhiều vào các hoạt động lắp ráp đòi hỏi lao động phổ thông, có giá trị gia tăng thấp. Chính vì các công ty nước ngoài chủ yếu đến Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí lao động, họ sẽ tìm đến các nguồn cung khác một khi nguồn lao động thiếu việc làm giảm xuống và lương lao động bắt đầu tăng lên. Nguồn lao động phổ thông làm việc trong các ngành sản xuất đòi hỏi ít chuyên môn sẽ dần cạn kiệt do các yếu tố về nhân khẩu học, đô thị hóa và kỳ vọng nghề nghiệp ngày càng cao của giới trẻ có học thức.

Thứ hai, tự động hóa các hoạt động lắp ráp có thể làm giảm động lực của các nhà sản xuất khi cân nhắc chuyển đến Việt Nam. Hiện tại, chưa ai tìm ra cách để chế tạo robot có công suất cao hơn và rẻ hơn một người vận hành máy có kỹ năng. Ngành lắp ráp linh kiện điện tử hay sản xuất giày thể thao vẫn đòi hỏi rất nhiều nhân công. Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot và in 3D đã chuyển đổi ngành lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, máy móc và một loạt các ngành khác. Lắp ráp tự động sẽ cho phép các nhà sản xuất đặt nhà máy gần người tiêu dùng hơn, giảm thời gian và chi phí vận chuyển, và tăng cường sự cá nhân hóa sản phẩm.

Thứ ba, trong bối cảnh nhận thức chung về những tác động môi trường lên do sản xuất ngày càng gia tăng, mối liên hệ giữa lượng phát thải carbon và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế sẽ ngày càng đan xen chặt chẽ. Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của Liên minh Châu Âu là một ví dụ ban đầu, nhưng chắc chắn sẽ không phải là cuối cùng. Chính sách bảo hộ môi trường được đưa ra nhằm tạo sự công bằng giữa các công ty trong nước và các nhà xuất khẩu, khi mà các công ty buộc phải tuân thủ các giới hạn nghiêm ngặt về phát thải carbon. Các quốc gia cần thêm thời gian để chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sẽ có thể gặp khó khăn khi xuất khẩu của họ phải chịu thuế và các hình phạt khác.

Thứ tư, các công ty Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Theo số liệu gần đây do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, tỷ lệ nhập khẩu trong xuất khẩu của Việt Nam (tức là tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu trong xuất khẩu) cao hơn đáng kể (51%) so với Malaysia và Thái Lan (35%), Ấn Độ (20%) và Indonesia (15%). Hơn nữa, tỷ lệ này ở Việt Nam đã tăng đều đặn kể từ năm 2000, trong khi tỷ lệ ở các nước so sánh chỉ ở mức ổn định hoặc suy giảm. Những số liệu này cho thấy tác động lan tỏa về công nghệ và liên kết nhu cầu giữa các công ty nước ngoài và trong nước chưa hoàn toàn đạt được như kỳ vọng. Ngành sản xuất của Việt Nam vẫn chủ yếu là các hoạt động có giá trị gia tăng thấp, vốn nhạy cảm với chi phí lao động.

Những yếu tố trên và nhiều yếu tố khác cho thấy rằng Việt Nam không thể tiếp tục chỉ dựa vào các hoạt động đòi hỏi lao động phổ thông trong thời gian tới. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, Việt Nam sẽ cần học cách cạnh tranh trong các phân khúc công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn và các ngành dịch vụ liên quan.

Kinh nghiệm của các quốc gia Đông Á đã thành công cho thấy, phát triển năng lực công nghệ quốc gia là một yếu tố then chốt. Tuy nhiên, chi tiêu công cho giáo dục đại học và nghiên cứu tại Việt Nam vẫn còn thấp. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng vào năm 2019, Việt Nam chi 0,27% GDP cho giáo dục đại học, so với 1,12% tại Trung Quốc, 0,95% ở Malaysia và 0,6% ở Thái Lan. Tương tự, Việt Nam dành 0,4% GDP cho nghiên cứu và phát triển, thấp hơn Trung Quốc (2,4%), Malaysia (1,0%) và Thái Lan (1,3%).

Mặc dù chi tiêu không phải lúc nào cũng là chỉ số tốt nhất để đo lường năng lực quốc gia, nhưng Việt Nam cũng bị đánh giá thấp về đầu ra sản phẩm nghiên cứu. Theo tạp chí Nature, trường đại học xếp hạng cao nhất của Việt Nam đã công bố mười công trình nghiên cứu quốc tế trong các ngành khoa học từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024, và Việt Nam đã không có tổ chức giáo dục nào nằm trong top 1.000 thế giới. Trong khi đó, các tổ chức giáo dục hàng đầu ở Singapore đã công bố hơn một nghìn bài báo trên các tạp chí quốc tế trong cùng kỳ.

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ tốn kém và khó khăn, nhưng cũng hứa hẹn mang lại cho Việt Nam cơ hội phát triển các ngành công nghiệp mới. Điều này mở ra cho các công ty nhạy bén với thời cuộc những cơ hội học hỏi công nghệ mới và giành được chỗ đứng trong một thị trường đang mở rộng. Có thể lấy một số ví dụ trong ngành hàng không, số hóa, xây dựng và nông nghiệp. Nhu cầu ngày càng tăng về hiệu quả năng lượng, công nghệ tuần hoàn sẽ kích thích đầu tư vào các ngành công nghiệp tương lai.

Việc nắm bắt những cơ hội này đòi hỏi sự phối hợp ăn ý hơn giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các trường đại học và cộng đồng. Đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của các hệ thống đổi mới quốc gia trong việc giúp các quốc gia cạnh tranh trong các ngành công nghiệp mới nổi. Chiến lược Quốc gia về Phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã thiết lập các mục tiêu cho nghiên cứu và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học để tăng cường liên kết giữa chính sách, nghiên cứu và cơ hội thị trường.

Có nhiều điều hơn nữa Việt Nam có thể thực hiện để huy động năng lực và chuyên môn của các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia khác đang làm việc tại các trường đại học quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia. Một số doanh nghiệp trong nước đã đi đầu trong việc tập hợp đội ngũ tuyển dụng để xác định các ứng viên có kỹ năng và chuyên môn cụ thể cần thiết để giúp họ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các trường đại học có thể học hỏi kinh nghiệm này bằng cách tuyển dụng các nhà khoa học Việt Nam có thành tích quốc tế để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam.

Hướng tới tương lai, Việt Nam có cơ thể phát huy những thành tựu đã đạt được và tiến lên nước thu nhập cao. Để duy trì tính cạnh tranh, Việt Nam cần chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn và đầu tư vào đổi mới. Việt Nam có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp, nếu thực hiện các chính sách định hướng tương lai và thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng vượt 7% trong năm 2024
Kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, trong đó có những ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 - Yagi, nhưng Thứ trưởng Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư