Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thương mại Việt Nam – Nhật Bản đạt 30 tỷ USD trong năm 2015
Thế Hải - 17/06/2015 11:18
 
Thương mại 2 chiều Việt Nam – Nhật Bản trong năm 2015 dự kiến sẽ chạm 30 tỷ USD, tăng thêm hơn 2 tỷ USD so với năm 2014.

Theo thông tin từ Vụ châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), trong thời gian qua hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương Việt - Nhật phát triển rất mạnh mẽ.

Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt xấp xỉ 28 tỷ USD năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 30 tỷ USD.

Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Nhật Bản
Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Nhật Bản.

Đây là thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn đứng thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản có kim ngạch lớn trong những năm qua là dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, thủy sản, dầu thô, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

Trong đó, riêng mặt hàng dệt may đã đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2014 và dự kiến đạt 3 tỷ USD trong 2015. Tính đến nay, Nhật Bản cũng là nước các dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp hàng đầu tại Việt Nam.

Thực hiện các chương trình thúc đẩy giao thương giữa 2 thị trường, mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản lần đầu tiên.

Ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) khẳng định, Nhật Bản là một trong những thị trường lớn và trong nhiều năm qua là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Theo ông Hải, với thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn như vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đồng thời tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi từ việc giảm thuế từ các Hiệp định Thương mại, điển hình là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) mà 2 bên đã ký kết vào năm 2008 và sắp tới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Hải đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, tận dụng sự hiểu biết về thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào nước sở tại, làm cầu nối hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Năm 2013, Hội doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản đã được thành lập với 35 thành viên.. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản phần lớn là ở quy mô vừa và nhỏ, tuy nhiên, trong số các hội viên đã có những doanh nghiệp thành công, có uy tín thị trường Nhật Bản khó tính, sẽ là cầu nối giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập mạnh hơn tại thị trường này.

Vinatex hút vốn từ Nhật Bản, hoàn thiện chuỗi cung ứng
Huy động đa dạng nguồn lực (vốn, kinh nghiệm, thị trường, công nghệ) để hoàn thiện chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm - may của ngành dệt may...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư