Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vinatex hút vốn từ Nhật Bản, hoàn thiện chuỗi cung ứng
Thế Hoàng - 10/04/2015 08:09
 
Huy động đa dạng nguồn lực (vốn, kinh nghiệm, thị trường, công nghệ) để hoàn thiện chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm - may của ngành dệt may đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, nhằm đón đầu cơ hội từ việc một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có sự tham gia của Việt Nam dự kiến được ký kết trong tương lai gần.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khởi công Khu liên hợp Sợi - Dệt - Nhuộm - May 1.200 tỷ đồng
“Không có rủi ro thì không có lợi nhuận”
Vinatex mở chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh
Vinatex chuẩn bị khởi công Dự án 1.145 tỷ tại Quảng Nam
Vinatex Đà Nẵng giải thể công ty con

Ngay đầu tháng 4/2015, Công ty cổ phần Vinatex Quốc tế (VTJ) thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và đối tác Nhật Bản là Công ty Toms đã ký Hợp đồng liên doanh thực hiện Dự án Cụm liên hợp Dệt - Nhuộm - May dệt kim tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Vinatex sẽ huy động đa dạng nguồn lực để hoàn thiện chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm - may

Theo đó, VTJ và Toms liên kết đầu tư sản xuất mặt hàng T-shirt bodysize, mặt hàng chủ lực của hãng Toms tại Cụm công nghiệp Diên Sanh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) theo hình thức sản xuất liên tục từ dệt - nhuộm và hoàn tất - may. Dự án có tổng mức đầu tư 12 triệu USD, gồm 3 nhà máy: Nhà máy Dệt nhuộm hoàn tất công suất 2.500 tấn vải dệt kim/năm, Nhà máy may công suất hơn 10 triệu sản phẩm/năm và Nhà máy xử lý nước thải công suất 1.200 m3/ngày.

Ông Đặng Vũ Hùng, Phó tổng giám đốc Vinatex, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinatex Quốc tế cho biết, tất cả nhà máy nằm trong Cụm liên hợp Dệt - Nhuộm - May dệt kim Hải Lăng được đầu tư đồng bộ về cả máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ lẫn cơ sở hạ tầng. Đây sẽ là một khu tổ hợp sản xuất hàng dệt kim hiện đại nhất khu vực miền Trung.

Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ được xây dựng và hoàn thành, đi vào sản xuất ngay trong năm 2015. Khi đưa vào khai thác, kết hợp với sản xuất các mặt hàng khác, doanh thu của Cụm liên hợp Dệt - Nhuộm - May dệt kim sẽ tăng từ 8 triệu USD trong năm 2015 lên 40 triệu USD vào năm 2017.

“Nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài, từ vốn, công nghệ, thị trường…, cùng nguồn lực của doanh nghiệp nội địa sẽ giúp các dự án được xây dựng, vận hành, kinh doanh hiệu quả… nhờ có đầu ra ổn định từ các đối tác của doanh nghiệp nước ngoài”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex nói.

Sự tự tin của ông Trường là hoàn toàn có cơ sở, bởi Công ty Toms (thành lập năm 1981, có trụ sở chính tại Tokyo) là doanh nghiệp may mặc hàng thun in (T-shirt, Polo-shirt, Sweat Shirt, Blousons, đồng phục) hàng đầu Nhật Bản. Công ty sở hữu 6 chi nhánh kinh doanh trải dài khắp nước Nhật từ miền Bắc Hokkaido xuống miền Nam vùng Kyushyu. Tại Trung Quốc, Toms có nhà máy sản xuất hàng thun khép kín từ khâu dệt, nhuộm, thành phẩm may mặc, với 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, đạt doanh thu 200 triệu USD/năm.

Quan trọng hơn, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch năm 2015 dự kiến khoảng 3 tỷ USD, nên đối tác liên doanh đến từ Nhật Bản sẽ tạo thêm cơ hội để kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nhật tăng trưởng nhanh hơn. Chí ít, toàn bộ sản phẩm của Liên doanh sẽ không phải bận tâm về đầu ra.

Trước thương vụ lập liên doanh với Toms không lâu, Vinatex và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã ký biên bản thỏa thuận khung về hợp tác kinh doanh, để thực hiện đầu tư một chuỗi dự án mới về dệt nhuộm hoàn tất và nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Trong 5 năm tới, các dự án này kỳ vọng mang lại tổng doanh tới 60 triệu USD, tạo thêm hàng ngàn việc làm tại những nơi đặt dự án, như Nghệ An, Quảng Bình…

Trong điều kiện khó khăn ngay từ nội tại, yếu kém về vốn và nguồn nhân lực để triển khai các dự án thượng nguồn, thì việc bắt tay với các đối tác có năng lực như Toms, Itochu… sẽ giúp ngành dệt may tự chủ hơn trong những khâu còn yếu kém, tận dụng tối đa cơ hội về thị trường, phát triển các dự án nguyên liệu, khẳng định vai trò mắt xích quan trọng của dệt may Việt Nam trong chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu.

Sau Dự án Cụm liên hợp Dệt - Nhuộm - May dệt kim tại Quảng Trị, một số địa phương ở miền Bắc như Thái Bình, Nam Định… cũng đang trong tầm ngắm để Vinatex nhân rộng mô hình liên doanh lập dự án liên hoàn sợi - dệt nhuộm hoàn tất - may với các đối tác nước ngoài có tiềm lực đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư