Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Thương mại Việt - Trung ngưng trệ, điều gì xảy ra?
Mạnh Bôn - 27/06/2014 12:48
 
() Trả lời câu hỏi “Điều gì xảy ra trong trường hợp thương mại Việt - Trung ngưng trệ hoàn toàn”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: “Trong trường hợp xấu nhất, thương mại Việt - Trung bị đóng băng hoàn toàn và chúng ta chưa tìm được thị trường thay thế thì GDP thiệt hại khoảng 10%”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nửa năm đã nhập siêu 13,1 tỷ USD từ Trung Quốc
Kịch bản nào tránh lệ thuộc vào quốc gia 1,4 tỷ dân?
Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau
Bức bách tìm giải pháp giảm nhập siêu với Trung Quốc
Xuất khẩu sau 39 năm giang sơn thu về một mối

Theo số liệu thống kê chính thức năm 2012: GDP của Việt Nam đạt 156 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 114,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 113,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc là 12,8 tỷ USD (tương đương 11,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), nhập khẩu từ Trung Quốc là 29 tỷ USD (tương đương 25,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).

   
  Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê  

Cụ thể hơn, trong số 63 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, nhiên liêu, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, thì nhập khẩu từ Trung Quốc là 14,1 tỷ USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu.

Như vậy, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều trong trường hợp xấu nhất xảy ra là hoạt động thương mại Việt - Trung bị ngưng trệ do Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu lớn của nước ta, nhưng nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn do đầu vào của nền kinh tế (nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu) nhập khẩu từ Trung Quốc lớn.

“Trường hợp quan hệ thương mại với Trung Quốc bị gián đoạn thì chắc chắn nền kinh tế bị ảnh hưởng. Theo tính toán của tôi, trong trường hợp này, GDP sẽ bị mất khoảng 10%. Tính ra, năm 2012 có thể mất trên 15 tỷ USD, năm 2013 mất khoảng 17 tỷ USD và năm 2014 mất khoảng 18 tỷ USD”, ông Lâm tính toán.

“Tuy nhiên chúng ta không chịu “bó tay” mà Chính phủ đang tích cực tìm kiếm thị trường mới để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện Chính phủ đã và đang đàm phán với Ấn Độ để tìm nguồn nguyên vật liệu cho lĩnh vực dệt may. Hàng nông sản xuất khẩu cũng đang tìm thị trường mới và có nhiều tín hiệu tích cực, như mặt hàng vải đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác, đặc biệt là Hàn Quốc thay vì chỉ đem lên biên giới phía Bắc để xuất khẩu”, ông Lâm chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm được tổ chức vào sáng nay (27/6).

Cũng theo người đứng đầu ngành thống kê, thậm chí không ít doanh nghiệp còn cho rằng, tình hình căng thẳng ở Biển Đông là cơ hội để nền kinh tế cũng như bản thân từng doanh nghiệp tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính thay vì bán rẻ cho người láng giềng.

Theo phân tích của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), trong trường hợp “đóng cửa biên giới”, nguyên phụ liệu của ngành dệt may và da giày từ Trung Quốc vẫn có thể vào Việt Nam thông qua nước thứ ba.

Điều này chắc chắn sẽ diễn ra, bởi ngay cả thời gian Việt Nam bị nhiều nước phương Tây cấm vận kinh tế, thương mại, thì hàng hóa các loại của các nước phương Tây vẫn dễ dàng vào Việt Nam thông qua nước thứ ba. Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các hiệp định đa phương thì việc hàng hóa đi đường vòng tốn rất ít chi phí so với trước kia nên đầu vào của ngành dệt may, da giày - hai ngành được dự báo là ảnh hưởng lớn nhất khi “đóng cửa biên giới” - cũng không bị ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, theo VAFI, để có nguồn nguyên phụ liệu ổn định và độc lập hơn, doanh nghiệp trong 2 ngành này sẽ nhập hàng thay thế từ nước khác có thể giá nhập khẩu cao hơn so với nguồn hàng từ Trung Quốc 5-10%, nhưng chất lượng chắc chắn cao hơn, tăng được khả năng cạnh tranh nhờ chất lượng của hàng xuất khẩu.

“Nếu như giá bán sản phẩm da giày và dệt may của Việt Nam đồng loạt tăng lên khoảng 10% do giá mua nguyên liệu, phụ kiện tăng lên thì nhà nhập khẩu vẫn dễ dàng chấp nhận vì họ không có lựa chọn nào khác tối ưu hơn”, Tổng thư ký VAFI, ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam ngày một gia tăng (năm 2013 là 37 tỷ USD, không kể hàng tiểu ngạch) và hiện Việt Nam không chỉ trở thành bạn hàng lớn nhất, mà còn dễ tính nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Nhờ xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam hàng chục tỷ USD mỗi năm đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục triệu Trung Quốc tại các tỉnh nghèo giáp biên giới với Việt Nam.

“Với những lợi ích hết sức thiết thực, chắc chắn Trung Quốc không muốn đóng băng hoạt động thương mại với Việt Nam, kịch bản xấu nhất khó xảy ra, vì chẳng ai dại gì mà đem đập nồi cơm của mình”, ông Hải nhận định.

Lợi thế nào để Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc - Bài 2 Lợi thế nào để Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc - Bài 2

() Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, đã đến lúc phải có những điều chỉnh cần thiết, theo hướng tận dụng lợi thế về địa lý để gia tăng xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế buôn bán tiểu ngạch, giảm dần nhập siêu hàng năm, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Lợi thế nào để Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc - Bài 1 Lợi thế nào để Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc - Bài 1

() Trong bối cảnh mới, đã đến lúc cần phải tỉnh táo nhìn lại quan hệ thương mại với Trung Quốc để có điều chỉnh cần thiết. Báo Đầu tư xin giới thiệu bài viết của GS-TSKH Nguyễn Mại về vấn đề này, nhằm chủ động đối phó với tình huống xấu nhất mà nước láng giềng phương Bắc có thể gây ra đối với Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư