Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 10 tháng 02 năm 2025,
Thường trực Chính phủ gặp mặt doanh nghiệp đầu năm và câu chuyện động lực tăng trưởng
Bảo Duy - 10/02/2025 08:42
 
20 doanh nghiệp có mặt trong Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp diễn ra sáng nay (10/2/2025) đều là các doanh nghiệp tư nhân lớn.
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp diễn ra sáng nay (10/2/2025)

Đó là Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Thaco, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Masan, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn  Geleximco, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Xuân Trường, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Thành Thành Công, Tập đoàn Đèo Cả, Hyundai Thành Công, Cơ điện lạnh REE, KN Holdings.

Có thể nói, với giá trị thương hiệu, quy mô và hệ sinh thái mà các doanh nghiệp này đang dẫn dắt, họ là đại diện tiêu biểu cho hơn 900.000 doanh nghiệp tư nhân, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh - khu vực đang đóng góp trên 60% GDP của đất nước. Cũng có nghĩa, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và cao hơn trong năm nay và hai con số trong giai đoạn tới của nền kinh tế Việt Nam đang rất cần sự năng động trở lại của khu vực kinh tế tư nhân.

Vấn đề là sự năng động này sẽ không đủ để tạo nên các con số tăng trưởng đột phá nếu chỉ trông vào cơ hội từ thị trường, từ nhu cầu đổi mới, phát triển luôn rất mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Phải thẳng thắn, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2024 vượt qua nhiều dự báo, đạt được con số đáng kể, song giới chuyên gia nhìn nhận, dư địa từ khu vực kinh tế tư nhân còn rất lớn, chưa được khai thác. Đầu tư của khu vực này chỉ đạt được mức tăng trưởng khoảng 7%, chưa bằng một nửa giai đoạn trước. Cơ hội đầu tư - kinh doanh chưa thực sự được khai thông, hàng ngàn dự án đầu tư quy mô lớn vẫn dở dang, chờ được gỡ vướng, nhiều điều kiện kinh doanh, nhiều cơ chế, chính sách không còn phù hợp, đã được kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong tháng đầu tiên của năm 2025, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng…

Trong khi đó, hai động lực tạo nên tăng trưởng cao trong năm 2024 là xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đều đang xu hướng giảm, hoặc khó có được mức tăng với tốc độ cao do những biến động địa chính trị trên toàn cầu tiếp tục phức tạp.

Giới phân tích cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% hoặc cao hơn trong năm nay, thì động lực tăng trưởng sẽ đến từ bên trong nền kinh tế, từ các nỗ lực cải cách thể chế để tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh… giúp doanh nghiệp tư nhân có thể tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - như chủ đề của Hội nghị.

Có lẽ cũng phải nhắc lại không khí hào hứng, sôi nổi trong Cuộc gặp của thường trực Chính phủ với một số doanh nghiệp lớn cách đây hơn 4 tháng. Nhiều doanh nghiệp có tên trong danh sách hội nghị hôm nay đã có mặt trong cuộc làm việc đó, đã trực tiếp nhận đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực. Rất nhiều ý kiến, kiến nghị cụ thể, cũng như những mong ước, khát vọng phát triển đã được các doanh nghiệp chia sẻ.

Dù mỗi doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác nhau, mối quan tâm cũng không giống nhau về cơ hội đầu tư - kinh doanh, nhưng có một điểm chung trong các ý kiến của các doanh nghiệp lớn. Đó là đề nghị tin tưởng ở những doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp Việt lớn lên, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, để đủ sức có mặt được trong các dự án, công trình lớn của đất nước.

Lần này cũng vậy, nhưng doanh nghiệp còn chờ đợi có được những giải pháp cụ thể.

Đó là các giải pháp thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ. Đó là các giải pháp thúc đẩy đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm và dịch vụ. Đó còn là các giải pháp, chính sách tạo lập, đa dạng hóa thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước… Đặc biệt, doanh nghiệp đang chờ nhận được các dự án lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đề nghị tham gia đầu tư.

Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp tư nhân đang cần cơ chế để thực sự là động lực chủ yếu cho tăng trưởng.

Doanh nghiệp tư nhân đi tận đâu rồi, doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ "năm sau cao hơn năm trước"
Đồng thuận với việc phải tháo gỡ thể chế cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội chưa an tâm về nội dung của Dự thảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư