Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thủy điện giúp EVN bật lãi ngàn tỷ
Thanh Hương - 12/11/2016 13:24
 
Bức tranh tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đột ngột thay đổi khi lợi nhuận hợp nhất của 9 tháng đã đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo tài chính 6 tháng của Công ty mẹ - EVN cho thấy, doanh nghiệp này đã lãi 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất của EVN bao gồm Công ty mẹ - EVN và 9 tổng công ty thành viên bao gồm 3 tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 5 tổng công ty điện lực miền lại cho kết quả lỗ hơn 700 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Quang Tri, có hai nguyên nhân chính dẫn đến báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của EVN bị lỗ. Đó là do 6 tháng đầu năm là mùa khô, EVN phải phát tăng và mua tăng các nguồn điện chạy dầu cũng như than, khí để đảm bảo nhu cầu cấp điện cho nền kinh tế, trong khi nguồn thủy điện có chi phí giá thành thấp lại không có cơ hội phát nhiều. Điều này dẫn tới chi phí giá thành sản xuất điện 6 tháng đầu năm tăng lên.

.
9 tháng năm 2016, Công ty mẹ - EVN lãi hơn 1.000 tỷ đồng, ợi nhuận hợp nhất của toàn EVN sẽ cao hơn mức 1.000 tỷ đồng

Nguyên nhân thứ hai là do chênh lệch tỷ giá. Trong 6 tháng đầu năm, phần chênh lệch tỷ giá đã phát sinh hơn 6.000 tỷ đồng, dẫn tới Báo cáo tài chính hợp nhất của EVN bị lỗ hơn 700 tỷ đồng. Số lỗ này tập trung chủ yếu ở các tổng công ty phát điện - nơi đang đầu tư hàng loạt nhà máy điện mới để đảm bảo nhu cầu.

Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 56/2014/TT-BCT, giá điện chỉ được điều chỉnh theo tỷ giá khi cuối năm quyết toán và phải được Bộ Công thương xem xét.

Theo công bố mới nhất của EVN, trong 9 tháng năm 2016, Công ty mẹ - EVN đã lãi hơn 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất của toàn EVN sẽ cao hơn mức 1.000 tỷ đồng này. Nguyên do, trong quý III, sản lượng thủy điện tốt nên việc mua điện từ các nhà máy có giá thành cao, các nhà máy chạy dầu đã giảm nhiều. Ngoài ra, EVN cũng tự sản xuất điện từ các nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu cao hơn so với dự kiến.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho hay, chuyện 6 tháng đầu năm lỗ, nhưng đến cuối năm lại lãi là khá bình thường trong ngành điện. Nguyên do, 6 tháng đầu năm là cao điểm mùa khô, nước về các hồ thủy điện thường ít nên không thể huy động các nguồn thủy điện có giá thành thấp vào hoạt động. Việc phải huy động các nguồn điện có giá thành cao để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế, khiến cho chi phí sản xuất của ngành điện tăng mạnh. Tuy nhiên, trong quý III hàng năm là mùa lũ về, các hồ thủy điện có nước và được huy động sản lượng lớn, nên rất nhanh chóng làm thay đổi bức tranh tài chính của EVN.

Dẫu vậy, ông Hường cũng cảnh báo, tổng công suất các nguồn điện vẫn tiếp tục tăng, nhưng tỷ trọng nguồn thủy điện sẽ giảm bởi đã hết các vị trí có thể làm nhà máy thủy điện lớn. Vì thế, tình trạng 6 tháng đầu năm lỗ nhưng đảo chiều nhanh chóng trong quý III sau đó như hiện nay sẽ không giữ được lâu.

Ngoài ra, ông Đinh Quang Tri cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, chênh lệch tỷ giá đã tăng lên khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Theo quy định của Bộ Tài chính, khoản chênh lệch này sẽ được hạch toán vào trong chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ hạch toán, tức là theo báo cáo quý thì toàn bộ chênh lệch lỗ đó phải đưa vào trong chi phí sản xuất, kinh doanh điện.

Trước các thông tin về việc EVN lỗ hơn 700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016, dư luận cũng rất quan tâm tới khả năng tăng giá điện để bù lại thua lỗ này. Theo ông Đinh Quang Tri, lỗ 6 tháng đầu năm là lỗ hạch toán của nửa năm. Ước tính cả năm, Công ty mẹ - EVN sẽ lãi từ 650 - 700 tỷ đồng và toàn bộ EVN sẽ lãi từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng.

“Tôi cho rằng, tài chính của EVN không ảnh hưởng gì và đến nay các chỉ số tài chính của EVN đang rất tốt. EVN cũng đã tái cơ cấu lại các khoản vay, cũng như hoàn thành thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán và thu về hơn 2.000 tỷ đồng. Số tiền này cũng được dùng để đầu tư cho các dự án điện”, ông Tri nói.

Theo Báo cáo tài chính năm 2015 của Công ty mẹ - EVN đã được công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm 2015 đạt 191.373 tỷ đồng; lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.908 tỷ đồng. Công ty mẹ - EVN cũng đã phải chi 11.596 tỷ đồng cho khoản mục chi phí tài chính, trong đó phần chi phí lãi vay là 9.841 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Công ty mẹ - EVN là 616,54 tỷ đồng; sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 612,86 tỷ đồng.

EVN giải thích khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng
Liên quan đến khoản lỗ sau thuế trong Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri, Phó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư