Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Thủy sản Mekong: Lợi nhuận âm và dấu hiệu teo tóp
Chí Tín - 21/01/2021 14:24
 
Sụt giảm doanh thu chỉ còn phân nửa trong quý IV/2020 đã ảnh hưởng nặng đến kết quả kinh doanh chung cả năm của Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (mã AAM, sàn HoSE).

Lợi nhuận âm

Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 của Thủy sản Mekong vừa công bố, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 31,7 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2020. Kết quả doanh thu trong quý này chưa bằng phân nửa so với con số doanh thu thuần 63,5 tỷ đồng mà Công ty đạt được cùng kỳ năm trước.

Trong nội dung giải trình về kết quả kinh doanh quý IV/2020, ông Lương Hoàng Mãnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thủy sản Mekong cho biết, nguyên nhân chính khiến Công ty bị sụt giảm doanh thu là do xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm cụ thể được ghi nhận là khoảng hơn 1,3 triệu USD.

Kết quả doanh thu thuần lũy kế cả năm 2020 cũng không khả quan hơn là mấy, với 120,7 tỷ đồng, giảm tới 38% so với cùng kỳ 2019.

Sụt giảm doanh thu quý IV/2020 của Thủy sản Mekong thậm chí không bù được giá vốn hàng bán, khiến lợi nhuận đã bị âm gần 5 tỷ đồng. Cộng với các khoản chi phí thông thường khác trong kinh doanh, việc Công ty bị âm 7,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 như là sự tất yếu. Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thủy sản này cũng bị âm gần 12 tỷ đồng.

Những dấu hiệu teo tóp

Thủy sản Mekong hiện có vốn điều lệ 123 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 194 tỷ đồng. Công ty này sở hữu một vùng nuôi với diện tích lên đến 30 ha, có khả năng cung cấp đến 5.000 tấn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất của nhà máy, được giám sát và quản lý theo tiêu chuẩn VietGap.

Nguồn cá được chọn lọc từ các trại sản xuất, cung cấp cá tra giống đạt tiêu chuẩn ngành từ Hồng Ngự (Đồng Tháp), Tân Châu (An Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang) và Sóc Trăng. Cá tra giống được kiểm kháng sinh đồ và được Chi cục chăn nuôi và thú y kiểm dịch. Cá giống được tuyển chọn với kích cỡ đồng đều (bình quân 32-35 con/kg). Các vùng nuôi của Thủy sản Mekong sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn công nghiệp của Công ty TNHH MTV Proconco Cần Thơ, đã được đánh giá chất lượng, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng, cũng như an toàn với môi trường sinh thái xung quanh.

Tuy là doanh nghiệp thủy sản được đầu tư khá bài bản, nhưng Thủy sản Mekong đang ở trạng thái khá co cụm trong kinh doanh. Công ty hiện nay gần như không vay nợ, với giá trị nợ phải trả ở cả thời điểm 1/1/2020 và thời điểm 31/12/2020 đều chỉ ở mức hơn 16 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ ít tuy đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp, nhưng điều này cũng thể hiện doanh nghiệp không có nhu cầu cao về vốn đầu tư và kinh doanh. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư trong cả 2 năm 2019 và 2020 đều dương. Cụ thể, dòng tiền đầu tư năm 2019 dương gần 37 tỷ đồng và tiếp tục dương 35 tỷ đồng. Động thái dòng tiền đầu tư dương xuất phát từ việc Công ty liên tục thu hồi các khoản đầu tư tài chính, trong khi nhu cầu đầu tư nâng cấp trang thiết bị rất ít nên không chi tiêu gì cho hoạt động này. Tiền chi cho việc mua sắm xây dựng tài sản cố định trong cả năm 2019 chỉ hơn 2 tỷ đồng và năm 2020 chưa đến nửa tỷ đồng.

Trong khi đó, trạng thái tài sản cố định của công ty thủy sản này cũng đang dần cũ kỹ đi và nếu Công ty không có động thái đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị mới và nâng cấp trang thiết bị cũ thì không bao lâu nữa, tài sản cố định gần như sẽ… không còn gì.

Tính đến cuối năm 2020, giá trị tài sản cố định còn lại của Thủy sản Mekong chỉ là 28,7 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm 20,6 tỷ đồng tài sản cố định vô hình. Tách riêng tài sản cố định vô hình thì giá trị tài sản hữu hình còn lại chỉ hơn 8 tỷ đồng, bằng chưa đến 1/10 so với nguyên giá gần 88 tỷ đồng.

Quý I/2020, Thủy sản Mekong giảm gần 80% lợi nhuận
Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (mã AAM, sàn HoSE) cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2020 đạt 665,8 triệu đồng, giảm 78,86% so với năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư