Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Thủy sản Ngô Quyền "hồi sinh" sau 2 năm thua lỗ
Kỳ Thành - 23/01/2022 16:03
 
Sau 2 năm kinh doanh thua lỗ, dẫn tới âm vốn chủ sở hữu, hoạt động kinh doanh năm 2021 của Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (Thủy sản Ngô Quyền) đã khởi sắc.

Hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại

Thủy sản Ngô Quyền (mã NGC - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 và lũy kế cả năm 2021 do Công ty tự lập.

Theo đó, riêng quý IV/2021, Thủy sản Ngô Quyền ghi nhận doanh thu thuần hơn 99 tỷ đồng, cao gấp 21 lần cùng kỳ năm trước đó. Sau khi trừ giá vốn, lãi gộp đạt hơn 8 tỷ đồng trong, khi cùng kỳ năm 2020 lỗ gộp 1,5 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí tài chính trong kỳ tăng cao, lên mức hơn 4,8 tỷ đồng, nhưng Thủy sản Ngô Quyền vẫn ghi nhận lãi sau thuế đạt hơn 3 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 1,3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Kết quả này là nhờ hoạt động mua bán thức ăn thủy hải sản và hoạt động gia công chế biến thủy sản của Công ty tăng trưởng so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2021, Thủy sản Ngô Quyền ghi nhận doanh thu thuần 176 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần năm 2020; lãi sau thuế cả năm đạt hơn 8,2 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, doanh nghiệp đã “hồi sinh” sau giai đoạn khó khăn. Năm 2019 và 2020, lỗ lần lượt là 15,6 tỷ đồng và gần 17 tỷ đồng, trong đó có thời điểm Thủy sản Ngô Quyền đã phải tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn cách xa các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021. Trước đó, Thủy sản Ngô Quyền đặt mục tiêu doanh thu 453 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 41 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Thủy sản Ngô Quyền đạt 149 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm.

Thủy sản Ngô Quyền được thành lập năm 2005 tại Kiên Giang, chuyên sản xuất và chế biến xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy sản đông lạnh. Phần vốn góp của chủ sở hữu tại Công ty xấp xỉ 23 tỷ đồng, nhưng kinh doanh thua lỗ trong 2 năm 2019 và 2020 đã khiến lỗ lũy kế của Công ty cuối năm 2020 lên hơn 31 tỷ đồng. Nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc, Công ty ghi nhận vốn chủ sở hữu dương trở lại, đạt 191,5 triệu đồng, trong khi thời điểm đầu năm là âm 8 tỷ đồng.

Áp lực các khoản phải thu, vay nợ

Mặc dù hoạt động kinh doanh của Thủy sản Ngô Quyền đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và có dấu hiệu phục hồi, khởi sắc, song vấn đề đáng chú ý là khoản phải thu của Công ty tăng vọt. Trong tổng giá trị tài sản 149 tỷ đồng ghi nhận ngày 31/12/2021, phải thu ngắn hạn của Công ty chiếm hơn 2/3, đạt 105 tỷ đồng, tăng 38 lần so với đầu năm và tăng 7 lần so với số liệu đã được kiểm toán tại thời điểm ngày 30/6/2021.

“Soi” lại số liệu trên các bản báo cáo tài chính giai đoạn 2016 - 2020 của Thủy sản Ngô Quyền, số phải thu ngắn hạn năm 2021 có thể xem là cao kỷ lục.

Điểm tích cực trong danh mục tài sản của Thủy sản Ngô Quyền là hàng tồn kho tại ngày 31/12/2021 đạt 1,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm và không phải ghi nhận dự phòng giảm giá.

Mặc dù bị chiếm dụng vốn, song Thủy sản Ngô Quyền cũng đang chiếm dụng lượng vốn khá lớn từ các đối tác. Cụ thể, Công ty ghi nhận giá trị khoản phải trả người bán là 77 tỷ đồng, tăng gần 9 lần so với đầu năm.

Do không thể vay dài hạn và vốn chủ sở hữu chỉ vừa thoát khỏi tình trạng âm, nên toàn bộ nợ của Thủy sản Ngô Quyền hiện nay là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 53 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm.

Trong năm 2021, Công ty đã tiến hành cải tạo, nâng cấp tài sản cố định dài hạn. Việc Công ty vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn đã được phía kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam nhấn mạnh trong báo cáo bán niên của Thủy sản Ngô Quyền. Theo đơn vị kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Thủy sản Ngô Quyền phụ thuộc vào các hoạt động có lãi trong tương lai, cũng như việc tái cấu trúc nguồn vốn của Công ty.

Để giải quyết bài toán nguồn vốn, mới đây, Thủy sản Ngô Quyền đã thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2022. Theo thông tin công bố, Đại hội đồng cổ đông bất thường lần này của Thủy sản Ngô Quyền nhằm thông qua cụ thể phương án phát hành chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tăng vốn điều lệ và các vấn đề khác liên quan thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Mặc dù phương án cụ thể chưa được phía Công ty tiết lộ, nhưng có thể hiểu, việc tăng vốn sẽ phần nào giúp Đại hội đồng cổ đông cân đối tài chính, tái cấu trúc tài sản - nguồn vốn, giảm áp lực vay nợ.

Thủy sản Mekong về đích trong khe cửa hẹp?
Dù báo lãi trở lại trong quý III/2021, song triển vọng hoàn thành mục tiêu không lỗ năm 2021 của Công ty cổ phần Thủy sản Mekong được đánh giá còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư