Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thuỷ sản Sao Ta đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng gần 11%
Hồng Phúc - 29/03/2022 15:25
 
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) vừa công bố tài liệu cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 dự kiến tổ chức vào ngày 15/4.

HĐQT Thực phẩm Sao Ta dự tính trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm nay, với tổng lượng tôm thành phẩm chế biến là 25.000 tấn, tôm thành phẩm tiêu thụ khoảng 20.000 tấn; lần lượt tăng 9% và 11,4% so với kết quả năm 2021. 

Doanh số chung của công ty này trong năm nay dự tính ở mức 230 triệu USD (khoảng 5.259 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế tối thiểu 320 tỷ đồng; lần lượt tăng 11,3% và 10,7% so với năm ngoái.

.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của Thực phẩm Sao Ta.

Về các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu trên, ban lãnh đạo Sao Ta tính toán đến việc tập trung phát triển sản phẩm có hàm lượng chế biến cao, phân khúc thị trường cao cấp; coi trọng thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ, song song tìm giải pháp nâng cao thị phần ở EU, Hàn Quốc, Úc.

Ngoài ra, nhà máy chế biến tôm mới của công ty này sẽ hoàn thành ở đầu quý III năm nay giúp mở rộng quy mô sản xuất.

Và trong nửa cuối năm, Sao Ta sẽ đưa dự án 52 ha đất nuôi tôm của công ty con Khang An Foods vào khai thác và tiếp tục mở rộng vùng nuôi, hướng đến mục tiêu đạt trên 500 ha nuôi tôm đến năm 2025.

Nhu cầu về sản phẩm thủy sản nói chung, tôm nói riêng sẽ tăng khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở các thị trường nhập khẩu. 

Sản phẩm tôm được ưa chuộng do bởi giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến nên các doanh nghiệp trong ngành này sẽ còn nhiều dư địa phát triển.

,
Người lao động làm việc tại nhà máy của Sao Ta. (Nguồn: PAN).

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả là sự gián đoạn và chi phí vận chuyển tăng cao. 

Xung đột giữa Nga và Ukraina đã thêm tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất mong manh và giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng chi phí sản xuất.

Về nuôi tôm, khi đặt trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan... ngành nuôi tôm Việt Nam còn nhiều vấn đề phải quan tâm để giảm giá thành nuôi tôm, tăng sức cạnh tranh mà vẫn kiểm soát được chất lượng. 

Các nước này cũng có chính sách phát triển mạnh ngành tôm nên xu thế nguồn cung tôm thế giới sẽ tăng. 

Tôm từ Ecuador, Ấn Độ có lợi thế giá rẻ đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quốc tế, tôm Indonesia không bị áp thuế ở thị trường Mỹ, tôm Thái Lan không bị kiểm tra nghiêm ngặt ở thị trường Nhật… tất cả tạo áp lực cạnh tranh gay gắt cho tôm Việt.

Sao Ta báo lãi ròng tăng gần 27%, có hơn 700 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng
Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng 27%, đạt xấp xỉ 287 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, công ty này có hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư