Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêm vắc-xin mũi bổ sung nhằm giảm số ca nặng, tử vong
D.Ngân - 19/08/2022 11:54
 
Theo khuyến cáo của chuyên gia, việc tiêm vắc-xin mũi 4 cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng trở lại.

Dịch Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại. Bằng chứng là trong 1 tháng qua, số ca mắc mới trung bình ở mức 2.000 ca/ngày, đặc biệt là 3 ngày gần đây kèm theo đó là số ca nặng cũng tăng cao.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, việc tiêm vắc-xin mũi 4 cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng trở lại.

Thế nhưng, đa phần người dân đều mang tâm lý khá thờ ơ với dịch bệnh, không ít người cho rằng, đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, 2 và cộng thêm việc từng mắc Covid-19 thì không cần tiêm vắc-xin mũi 3, 4.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, ngày 17/8 có 2.814 ca Covid-19, số ca nặng tăng mạnh, cao nhất trong khoảng vài tháng qua; trong ngày có 3 trường hợp tử vong. 

Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong khoảng 3 tháng qua, chỉ sau ngày 16/8, có gần 3.000 ca mới. Tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua ở nước ta gần 15.000 ca.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. 

Trong khi đó, trên thế giới, số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu đã tăng 35% so với tháng trước đó. Chỉ riêng tuần qua đã có 15.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thời tiết lạnh hơn đang đến gần ở Bắc bán cầu, cũng là lúc mọi người dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà, nguy cơ lây truyền sẽ dữ dội hơn và số ca nhập viện sẽ tăng lên trong vài tháng tới, không chỉ vì Covid-19 mà còn vì các bệnh khác như cúm.

Nói về việc cần thiết tiêm vắc-xin, ngày 18/8, nhóm Cố vấn Chiến lược Miễn dịch (SAGE) của WHO cho rằng ngoài những người đã được tiêm liều vắc-xin cơ bản, thường bao gồm 2 mũi, và những người đã được tiêm liều bổ sung lần một, có một số đối tượng nên được tiêm bổ sung lần hai. 

Trước đó, SAGE đã khuyến nghị mọi người trưởng thành đều nên tiêm bổ sung vắc-xin ngừa Covid-19 sau 4-6 tháng tiêm liều một (thường bao gồm 2 mũi).

Trong thông báo mới nhất, các chuyên gia SAGE nhấn mạnh việc tiêm bổ sung lần hai nên được thực hiện sau 4-6 tháng của lần một và chỉ áp dụng đối với “nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất”. 

Nhóm này bao gồm phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như bệnh về hệ miễn dịch, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim phổi… Ngoài các đối tượng này, các nhân viên y tế cũng cần được tiêm bổ sung vắc-xin lần hai.

Các chuyên gia của SAGE cũng cảnh báo sự phát triển của các biến thể virus, đặc tính của mỗi biến thể và diễn biến của dịch bệnh sẽ rất khó dự báo trong thời gian tới, do tình trạng suy giảm miễn dịch đối với những người đã nhiễm bệnh và sự suy giảm hiệu lực của vắc-xin trên toàn cầu.

Các khuyến nghị về việc tiếp tục tiêm bổ sung được dựa trên các loại vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có. 

Nói về chiến lược tiêm chủng vắc-xin của Việt Nam theo PGS.TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhờ tiêm chủng vắc-xin.

Từ việc hàng chục nghìn bệnh nhân tử vong trong đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác, đến nay, nhờ vắc-xin, cuộc sống bình thường đang dần quay trở lại. 

Thế nhưng, từ chỗ coi vắc-xin là điều kiện quan trọng nhất để phòng, chống dịch bệnh, không ít người hiện nay lại bày tỏ băn khoăn về việc tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 khi dịch tạm lắng và lo ngại các phản ứng sau sau tiêm.

“Việc tiêm các vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới”, PGS.TS. Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay việc tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại là cần thiết, nhất là trong bối cảnh vắc-xin vẫn có tác dụng với chủng Omicron vốn đang chiếm ưu thế.

PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng cho rằng, đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Trong khi đó, vắc-xin có miễn dịch không bền vững, thường giảm sau khi tiêm khoảng 4-6 tháng.

"Ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, mắc bệnh nền. Điều này không chỉ có ý nghĩa phòng bệnh mà còn hạn chế tử vong, giúp hệ thống y tế không quá tải", nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nêu.

Tin mới về y tế ngày 12/8: Chưa có khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi
Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế tổ chức họp về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư