Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19: Bắt buộc hay tự nguyện?
Dương Ngân - 08/06/2022 17:21
 
Trước việc nhiều người dân từ chối tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 và một số tỉnh, thành phố không nhận phân bổ vắc-xin, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế làm rõ, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là tự nguyện hay bắt buộc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vẫn đang bàn bạc?

Theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 mới, số ca nặng và số ca tử vong do Covid-19 đang giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Những ngày gần đây chỉ ghi nhận dưới 1.000 ca mắc mới mỗi ngày (thấp nhất trong khoảng 11 tháng qua). Riêng 1 tuần gần đây, mỗi ngày chỉ ghi nhận 0 - 1 ca tử vong do Covid-19 trên toàn quốc và hiện chỉ còn hơn 40 ca mắc Covid-19 nặng đang điều trị.

Dịch Covid-19 không còn căng thẳng, nên nhiều người dân từ chối tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4; một số tỉnh, thành phố không nhận vắc-xin, dẫn đến việc tồn kho một lượng lớn vắc-xin. Bộ Y tế liên tục có văn bản thúc giục các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và tuyên truyền cho người dân đi tiêm, song tình hình cũng không được cải thiện.

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế làm rõ, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là tự nguyện hay bắt buộc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (năm 2007) quy định, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại các vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin hoặc khi đến vùng có dịch phải sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin.

Trao đổi về việc có nên giữ 5K hay không, PGS-TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng, 5K là tốt, giúp bảo vệ cá nhân, nhưng không nên bắt buộc, vì sẽ gây ảnh hưởng đến việc lưu thông đang bình thường của người dân.

“Nhưng ở góc độ y tế công cộng, chúng tôi vẫn khuyên người dân thực hiện 5K. Nhờ 5K mà thời gian qua đã giảm được nhiều loại bệnh như hen suyễn, cúm, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Nếu cá nhân không tự bảo vệ mình thì sẽ bị bệnh. Nếu khuyên không được, thì mới tính đến việc cấm đoán, nhưng chỉ nên cấm đoán khi nó ảnh hưởng đến người khác”, PGS-TS. Đỗ Văn Dũng nói.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành quy định: dịch Covid-19 là đại dịch nhóm A, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế bắt buộc, cũng như chưa có quy định về độ tuổi trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng, quy định độ tuổi và độ tuổi bắt buộc theo tình hình dịch.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết thêm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không khuyến cáo bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện cũng tiêm vắc-xin Covid-19 theo tinh thần tự nguyện, không bắt buộc (chỉ một số quốc gia bắt buộc với một số đối tượng như quân nhân, chưa bắt buộc tiêm đối với trẻ em). Ngoài ra, các loại vắc-xin Covid-19 hiện vẫn đang được nghiên cứu, theo dõi các đối tượng sử dụng và hiệu quả.

Căn cứ quy định hiện hành và những lý do trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói rằng, tại thời điểm hiện nay, việc bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19, đặc biệt là nhóm trẻ 5 - 12 tuổi, là chưa có đủ cơ sở. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp và các đơn vị khác, các chuyên gia để xem xét về việc bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số chuyên gia cũng nêu quan điểm, dù bắt buộc hay tự nguyện, thì việc tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 là rất cần thiết để duy trì miễn dịch bền vững.

Không xem nhẹ vai trò của vắc-xin

Theo WHO, đại dịch Covid-19 chưa kết thúc khi các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn đang xuất hiện và lây lan. Hiện biến thể phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron, tiến hóa từ BA.2, được cho là lây lan nhanh hơn so với tất cả các dòng phụ trước đó của Omicron.

WHO nhấn mạnh thông điệp, tiêm vắc-xin là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ bản thân, chống lại Covid-19, giúp chấm dứt đại dịch và ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện. Đồng thời, WHO khuyến nghị các quốc gia phải sử dụng tất cả các liều vắc-xin Covid-19 mà cơ quan y tế khuyến cáo ngay khi đến lượt, bao gồm cả liều nhắc lại nếu được khuyến nghị.

“Các vắc-xin Covid-19 hiện tại cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong do các biến thể Omicron và Delta của virus gây ra Covid-19. Tiêm phòng đầy đủ cũng sẽ giúp giảm khả năng xuất hiện các biến thể mới. Chưa kể, nếu nhiễm Covid-19 sau khi tiêm chủng, nhiều khả năng bị nhẹ hoặc không có triệu chứng hơn so với khi chưa được tiêm chủng”, thông điệp của WHO nêu rõ.

Ngoài vắc-xin, trong chiến lược chống dịch của Việt Nam, việc tuân thủ 5K cũng đang được thay đổi. Theo đó, khi dịch Covid-19 được kiểm soát với số ca nhiễm mới liên tục giảm, ca tử vong hầu như không ghi nhận, để đảm bảo thích ứng linh hoạt, từ tháng 3 và tháng 4/2022, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tạm dừng thực hiện 3K (khai báo y tế, khoảng cách, không tập trung đông người).

Ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, tại thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát trên cả nước, Bộ Y tế đã đề xuất thực hiện vắc-xin, khẩu trang, khử khuẩn, viết tắt là V2K. Tuy nhiên, việc thực hiện các khuyến cáo mới này sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Thông điệp 5K và vắc-xin vẫn được khuyến cáo áp dụng trở lại nếu xuất hiện biến chủng mới, dịch bùng phát trở lại.

Còn theo PGS-TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện công cộng, đeo khẩu trang không hề tốn kém, nhưng đó là thói quen giúp ngăn ngừa lây lan các bệnh lây qua đường hô hấp gây dịch như cúm, sởi, chứ không chỉ riêng Covid-19. Trong đời sống, đeo khẩu trang cũng giúp người dân giảm bớt tiếp xúc khói bụi từ môi trường.

Làm rõ vắc-xin Covid-19 là tiêm tự nguyện hay bắt buộc
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát, làm rõ vắc-xin phòng Covid-19 thuộc diện tiêm tự nguyện hay tiêm bắt buộc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư