Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiền Giang: 5 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn ngân sách địa phương quản lý đạt 35,1%
Trúc Giang - 30/05/2023 13:00
 
Từ đầu năm, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương sớm giao vốn cho chủ đầu tư; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ… nên đầu tư công của tỉnh chuyển biến tích cực.
Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong 5 tháng đầu năm 2023 là 1.851 tỷ đồng, đạt 35,1% kế hoạch, tăng 47% so cùng kỳ.

Trong số này, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.502 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch, tăng 54,5% so cùng kỳ, chiếm 81,2% tổng số. Trong đó, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 569 tỷ đồng, tăng 1,9 lần; vốn xổ số kiến thiết thực hiện 543 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ...

Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 259 tỷ đồng, đạt 48,2% kế hoạch, tăng 13,8% so cùng kỳ, chiếm 14% tổng số.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 89 tỷ đồng, đạt 13,3% kế hoạch, tăng 49,6% so cùng kỳ, chiếm 4,8% tổng số.

Theo Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng do phát huy nguồn vốn đầu tư công trong khôi phục và phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương sớm giao vốn cho chủ đầu tư, không đầu tư dàn trải, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kịp thời…nên tình hình đầu tư công của tỉnh có những chuyển biến tích cực.

Đối với cấp tỉnh, các sở, ngành yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung với cường độ cao hơn trong tổ chức thực hiện, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, kể cả tiến độ giải ngân. Ngoài ra, thời tiết thuận lợi, nguyên vật liệu trong xây dựng biến động không nhiều, nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình còn lại thi công đúng theo tiến độ đề ra...

Đối với cấp huyện, các ban quản lý dự án huyện hoàn thành hồ sơ, khẩn trương triển khai thi công các công trình xây dựng cơ bản năm 2023, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ.

Còn ở cấp xã, ngay từ đầu năm các địa phương có ghép vận động, huy động nguồn vốn đóng góp để tiến hành thi công các danh mục công trình đăng ký thuộc nguồn vốn phân cấp xã, phường. Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới năm 2023 nhằm phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, đồng thời phục vụ ra mắt xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong đó, ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế

Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) "về đích" chuẩn nông thôn mới
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 công nhận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư