Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tiền nằm “mai phục”, cơ hội tăng thanh khoản nhờ T+2
Thanh Thủy - 27/08/2022 17:13
 
Giá trị giao dịch trên hàng loạt thị trường tài chính đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, nền tảng vĩ mô tốt cùng kỳ vọng về sự thay đổi của thị trường chứng khoán, bao gồm rút ngắn chu kỳ thanh toán đang mở ra cơ hội thu hút dòng tiền cho thị trường này.

Động lực từ rút ngắn chu kỳ thanh toán

Sau nhiều chờ đợi, chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán (gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm) đã chính thức được rút ngắn. Nhà đầu tư mua cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm 25/8 không còn phải chờ đợi đến ngày làm việc thứ ba, mà có thể bán ra ngay chiều phiên giao dịch 29/8 và cũng tương tự ở chiều bán. Chứng khoán/tiền sẽ về tài khoản trước 13h ngày T+2.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), giải pháp rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2 cùng việc triển khai giao dịch lô lẻ trực tuyến trên sàn HoSE là những cải tiến về mặt kỹ thuật mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung xử lý thời gian qua. Trong đó, mô hình thanh toán mới rút ngắn thời gian xử lý ở từng khâu, giảm bớt chi phí lãi suất cho nhà đầu tư trong trường hợp sử dụng vay margin.

Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng Phòng Bù trừ và Thanh toán giao dịch chứng khoán (Trung tâm lưu ký chứng khoán - VSD) kỳ vọng, thanh khoản thị trường có khả năng tăng lên ở mức độ nhất định.

Cũng theo đại diện VSD, việc rút ngắn thời gian thanh toán không chỉ phụ thuộc vào VSD, mà thành viên thị trường, ngân hàng thanh toán cùng các bên liên quan cũng cần nâng cao năng lực hệ thống, khả năng quản trị rủi ro và phối hợp vận hành. Năng lực quản trị rủi ro của thành viên thị trường được nâng cao là cơ sở để VSD đề xuất cơ quan quản lý tiếp tục rút ngắn thời gian thanh toán.

Trong quãng thời gian vận hành hơn 22 năm của thị trường, VSD đã phối hợp để từng bước rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 khi sàn chứng khoán đi vào hoạt động năm 2000, chuyển sang chiều T+3 và năm 2002 và rút về sáng T+3 từ năm 2012. Đến năm 2016, chu kỳ thanh toán đã co ngắn lại khi cổ phiếu/tiền về tài khoản vào chiều T+2 và giảm về trưa T+2 từ ngày 29/8 tới.

“Các lần thay đổi chu kỳ thanh toán trước đã mang lại lợi ích nhất định cho thị trường, trong khi hoạt động thanh toán của thị trường vẫn được vận hành an toàn thông suốt”, ông Nam cho biết.

“Tiền đang nằm chờ mai phục”

Đối với câu chuyện cải thiện thanh khoản thị trường, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán là một động lực được nhiều chuyên gia, nhà quản lý kỳ vọng tạo cú huých thúc đẩy dòng tiền. Tuy nhiên, sự sôi động trên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng cần sự hội tụ của nhiều yếu tố.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE đều duy trì dưới 300.000 tỷ đồng trong 4 tháng gần đây, chưa bằng một nửa giai đoạn đỉnh cao hồi tháng 11/2021 (676.942 tỷ đồng). Trên thị trường trái phiếu, dòng vốn đã có dấu hiệu đình trệ nhiều tháng, dù nhỉnh lên trong tháng 5 - 6 nhờ hoạt động phát hành của ngân hàng, nhưng lại đi xuống khá nghiêm trọng trong tháng 7 vừa qua. Giao dịch trên thị trường bất động sản còn ảm đạm hơn.

Lý giải sự biến mất của dòng tiền trên hàng loạt thị trường tài chính thời gian qua, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tiền có khả năng kiên nhẫn và sẵn sàng “mai phục”. Dòng tiền đang nằm chờ Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi, cùng thay đổi trong Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như chờ giá bất động sản hạ nhiệt khi áp lực đáo hạn trái phiếu buộc phải thanh lý tài sản, có thể đẩy giá bất động sản phải giảm xuống một nhịp nữa. Động thái nới room tín dụng cùng việc xử lý trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp cũng là điều đang được giới đầu tư quan sát.

Vị chuyên gia này kỳ vọng, thị trường chứng khoán có thể phục hồi sau khi bước qua “tháng ngâu”. Trong đó, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2 là một trong 3 trợ lực chính được TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra, bên cạnh nền tảng kinh tế vĩ mô tăng trưởng khá tốt của Việt Nam cùng kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm sau.

Bên cạnh giải pháp về mặt kỹ thuật, một trong mục tiêu gần của chứng khoán Việt Nam là tháo gỡ những nút thắt về thanh toán bù trừ, thông qua việc thành lập Trung tâm Thanh toán bù trừ trung tâm (CCP). Điều này dự kiến sẽ giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt mà cả FTSE và MSCI đều coi là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.

Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đều đang rất quyết tâm theo đuổi mục tiêu đưa hệ thống giao dịch mới KRX đi vào vận hành. Hệ thống giao dịch này còn là cơ sở để chứng khoán Việt Nam cung cấp thêm các dịch vụ mới như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về…

Nhà đầu tư mua cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm qua (25/8) không còn phải chờ đợi đến ngày làm việc thứ ba, mà có thể bán ra ngay chiều phiên giao dịch 29/8 và cũng tương tự ở chiều bán.
Thị trường chứng khoán trước biến số lãi suất
Với nhiều áp lực từ lạm phát và xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, động thái điều hành lãi suất là kịch bản cần tính đến, nhất là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư