Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 09 năm 2024,
Tiếp vốn cho những mô hình tiền tỷ
Hà Hải - 31/03/2018 18:40
 
Không chỉ tiếp sức cho chương trình xây dựng nông thôn, đồng vốn của Agribank đang tạo đà phát triển cho những mô hình đầu tư nông nghiệp tiền tỷ.
TIN LIÊN QUAN
Trồng cam ở Hà Tĩnh giúp nhiều hộ dân làm giàu
Trồng cam ở Hà Tĩnh giúp nhiều hộ dân làm giàu

Giúp dân vượt khó

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho biết: “Chăn nuôi rớt giá,  không ở đâu mất mùa lạc thì Hà Tĩnh bị mất rồi bão số 2, số 10 gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp bên cạnh  sự cố môi trường biển…gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế  dẫn tới hệ quả hấp thụ vốn thấp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và chất lượng tín dụng”. 

Theo các cán bộ ngân hàng Agribank Hà Tĩnh,  ngoài  dịch vụ, thủy sản, những ngành cho giá trị kinh tế cao bị ảnh hưởng nặng nề thì những trang trại nuôi lợn cũng là tâm điểm của ảnh hưởng năm 2017.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc, xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là ví dụ  điển hình. Mặc dù là  mô hình điểm trong chuỗi liên kết, cung cấp giống với 500 nái nhưng trước khó khăn từ thị trường, hợp tác xã này cũng phải chuyển hướng sang nuôi lợn thịt với 2.000 con lấy từ lợn giống của chính hợp tác xã.

“Năm 2017, giá lợn xuống thấp kỷ lục ở mức 200-300.000 đồng/con (trước đây khoảng 1,6-1,7 triệu/con từ 7-8kg), mặc dù giá hiện nay là  650.000 đồng/con nhưng vẫn chưa cho lãi vì giá thành sản xuất 1 con giống mất từ 750-800.000đồng. Chúng tôi có chuyển hướng sang nuôi lợn thịt với hy vọng không bị lỗ quá lớn nhưng sự chuyển hướng này cũng không cho mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng vì nếu tính ở giá ở thời điểm hiện tại, lợn thịt mới cho hòa vốn”, anh Trương Xuân Bính, Chủ nhiệm hợp tác xã Minh Lộc nói.

Theo anh Bính, Cẩm Xuyên có hàng chục trang trại đang rơi vào cảnh khó khăn như hợp tác xã Minh Lộc.

“Chúng tôi bắt đầu xây dựng hợp tác xã từ năm 2003 đến nay, các khoản vay của ngân hàng tăng dần từ 200 triệu, đến 800 triệu rồi 2 tỷ và mức vay hiện tại là  3,5 tỷ. Ở mức vay hiện tại, lẽ ra, mỗi năm hợp tác xã phải trả khoảng 500 triệu nhưng trước thực tế kinh doanh thua lỗ, ngân hàng đã linh động cho chúng tôi gia hạn thêm 1 năm để trả. Đây thực sự là hỗ trợ rất lớn cho hợp tác xã ở thời điểm này”, anh Bính nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết rất nhiều hộ dân cũng đề nghị Agribank khoanh nợ hiện tại để tiếp tục được vay mới.

Lý giải điều này, ông Duyệt cho biết: “Trong số các ngân hàng hoạt động trên địa bàn huyện, Agribank là ngân hàng có tác động lớn nhất trong phát triển kinh tế địa phương thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất của UBND tỉnh. Trong đó, Cẩm Xuyên là huyện được hưởng lợi lớn nhất từ chính sách này và nhận được hỗ trợ lãi suất lớn nhất tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền hỗ trợ lãi suất của Agribank đã lên tới hàng chục tỷ. Do đó, các mô hình như đóng tàu, chăn nuôi, phát triển rau củ quả, thủy sản… đều phát triển với sự đồng hành của Agribank”. 

Tiếp sức cho mô hình tiền tỷ

Với phương châm hướng tới khách hàng nông nghiệp nông thôn, tại Hà Tĩnh, Agribank không chỉ được biết tới là đơn vị đồng hành với các mô hình phát triển nông nghiệp nông thôn những lúc khó khăn mà còn là ngân hàng tiếp sức cho rất nhiều vùng đất thực sự thay da đổi thịt.  

Trong chuyến công tác lần này, đoàn phóng viên chúng tôi được giới thiệu rất nhiều về đặc sản cam Khe Mây (xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh), cái tên có lẽ lạ với người Hà Nội vì theo giới thiệu của các cán bộ ngân hàng, tuy là đặc sản và nhiều hộ gia đình trồng nhưng chỉ có một vài gia đình tạo được thương hiệu cam và giá tại vườn của số ít gia đình này lên tới 60.000/kg. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cung không đủ cầu.

Người đưa cam lên Khe Mây đầu tiên và cũng là người phát triển cam lớn nhất là gia đình ông Đinh Văn Oánh và bà Nguyễn Thị Phương với thương hiệu cam Khe Mây Phương Oánh.

Theo chia sẻ của bà Phương, thời điểm gia đình bà lên khai hoang phát triển kinh tế, năm 1992, Khe Mây vẫn là vùng núi chưa có gì phát triển, đường sá đi lại đặc biệt khó khăn. Câu chuyện phát triển cam ở Khe Mây của gia đình bà bắt đầu từ việc trồng thử nghiệm 1 ha cam, bưởi.

“Bưởi không thành công, chỉ có cam phát triển. Trước đó, chúng tôi chỉ tự lấy giống, tự ghép cành nhân giống và trồng cam bằng kinh nghiệm tự có, sau khi phát triển thương hiệu mới lấy giống ở Viện Giống cây trồng”, bà Phương nói.

Cũng theo bà Phương, 20 ha cam hiện cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng nhưng để có vườn cam như hiện nay không thể không nhắc tới sự giúp sức từ vốn vay của Agriban.

Bà Nguyễn Thị Phương, Hương Đô, Hương Sơn, Hà Tĩnh:

Cách đây 10 năm, khi có kế hoạch mở rộng vườn cam, gia đình chúng tôi đã nghĩ tới việc vay vốn ngân hàng. Với những mô hình phát triển nông nghiệp, nhất là ở vùng núi như Khe Mây khi đó chỉ có Agribank sẵn sàng đầu tư vốn. Chúng tôi vay làm nhiều đợt nhưng nhiều nhất là 700 triệu, hiện, mặc dù lợi nhuận từ vườn cam đã có nhưng cam có đặc thù tốn công chăm sóc, nhân giống, lai tạo…nên hiện chúng tôi vẫn vay Agribank khoảng 500 triệu. Cam cho giá trị thật nên nhiều hộ gia đình thấy kết quả cũng lên Khe Mây làm vườn, từ vài chục hộ, đến nay, Khe Mây đã có hàng trăm hộ làm cam

Trong kế hoạch phát triển của mình, bà Phương đang dự định tiếp tục mở rộng vườn cam phát triển theo hướng cam hữu cơ để tạo nguồn cung lớn hơn cho thị trường vì số cam hiện của gia đình chỉ đủ cung cấp cho những khách hàng quen tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, thậm chí vươn đến tận miền Tây, nơi được coi là vựa hoa quả của cả nước nhưng số lượng người bán chỉ giới một vài người.

Theo thống kê của Agribank chi nhánh Hương Khê, tổng dư nợ của chi nhánh này năm 2017 là 932 tỷ, trong đó có 800 tỷ cho vay nông nghiệp nông thôn.

Ông Nguyễn Công Lợi, Giám đốc Agribank Hương Khê cho biết: “Riêng trên địa bàn huyện có 500 hộ làm vườn hiệu quả thì có 360 hộ vay vốn từ Agribank, 140 hộ chưa vay nhưng đây sẽ là những khách hàng chúng tôi hướng tới với mục tiêu cấp vốn cho mỗi hộ khoảng 100-200 triệu để hỗ trợ phát triển mở rộng quy mô năm 2018”.

Ông Lợi cũng cho biết, từ năm 2016 về trước, các hộ phát triển mô hình vườn rừng được ngân hàng hỗ trợ lãi suất từ tỉnh nhưng hiện chính sách hỗ trợ này không còn nhưng người làm vườn vẫn được hưởng lợi vì Agribank đang thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo đó, các mô hình làm vườn rừng phát triển kinh tế tại Hương Khê vẫn được vay với mức lãi suất thấp nhất hiện là  8%/năm”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư