Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy không được làm khó người dân và doanh nghiệp
Nguyễn Lê - 28/08/2024 10:07
 
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định với nhà ở kết hợp kinh doanh, khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở.
Đại biểu Đặng Thị Ngọc phát biểu
Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu.

Sáng 28/6, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Dự thảo).

Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý có 61 điều, giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng.

Về phòng cháy với nhà ở, ông Tới cho hay, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.

Có ý kiến đề nghị tách thành 2 điều quy định về PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với các loại hình này, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An Ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này ở Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này tại Dự thảo bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, Chủ nhiệm Tới cho hay. 

Theo đó, Điều 19 quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn, trong đó khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở.

Tán thành rất cao quy định này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phân tích thực tế nhiều nhà ở kết hợp không có khu vực ngăn cách, có nhà phía trước có hàng chục xe máy hay để nhiều hàng hóa hàng dễ cháy.

Tuy nhiên, đại biểu Mai cho rằng, việc áp dụng quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn như Dự thảo phải có lộ trình để đảm bảo tính  khả thi, vì có trường hợp nhà quá nhỏ không thể có khu vực ngăn cách thì cần giải pháp phù hợp.

Liên quan đến điều kiện PCCC với cơ sở sản xuất kinh doanh, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề cập tình trạng xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ không theo quy hoạch, không phép, sai phép không đảm bảo quy chuẩn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm. Nơi xảy ra cháy thường là chung cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà  trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở ngõ hẻm, ngách nơi chứa chất dễ cháy.

Việc quy định các tiêu chuẩn về PCCC tại Dự thảo, theo bà Ngọc góp phần giảm rủi ro và thương vong khi có cháy. Theo thống kê, các bộ ngành đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia.

Nhưng, bà Ngọc nói, có tiêu chuẩn vừa được ban hành đã được thay đổi bằng tiêu chuẩn mới, 3 năm 3 quy chuẩn, chỉ việc đọc và hiểu các tiêu chuẩn đã rất khó khăn. Một số tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi, do đó, bà Ngọc đề nghị các bộ ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn PCCC đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, bà Ngọc đề nghị cần phần biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về PCCC. Còn với cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định về quy chuẩn dễ hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đối với cơ sở dễ cháy nếu không có đủ điều kiện PCCC thì chuyển hình thức sản xuất kinh doanh.

Góp ý quy định tại điều 58 xử lý cơ sở, công trình không đảm bảo về PCCC, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phân tích, khoản 5 giao HĐND tỉnh, thành phố quy định cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực có công trình thông báo không đảm bảo ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nước chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn theo quy định pháp luật, quy chuẩn…

“Tôi cho rằng, quy định thế này thì chặt chẽ, tuy nhiên, vai trò trách nhiệm của HĐND không phải như vậy. Tôi nghĩ, nên giao UBND cấp tỉnh quy định, vì đây là vấn đề rất cụ thể. HĐND chỉ cần công bố danh mục với cơ sở, công trình không đảm bảo PCCC, còn quy định cụ thể nên giao cho UBND”, ông Hòa nêu ý kiến.

Với Điều 49 (quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc), Chính phủ được giao quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

“Tôi không biết danh mục cơ sở này là loại hình nào. Tôi đề nghị nêu lên một số loại hình, cơ sở để đại biểu hình dung là danh muc nào bắt buộc phải mua bảo hiểm, tránh chuyện lạm dụng lên danh mục nhiều bắt các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy nổ. Tại kỳ họp 8 tới Dự thảo trình Quốc hội phải có danh mục cụ thể đề đại biểu có ý kiến”, ông Hòa góp ý.

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được trình Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới. 

Hà Nội tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy với nhà cao tầng
TP. Hà Nội tăng cường công tác Phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở nhà cao tầng do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư