Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiêu thụ trong nước tăng cao trở lại
Minh Nhung - 05/06/2015 19:23
 
Tiêu thụ trong nước, thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) đã tăng cao trở lại trong 5 tháng đầu năm. Đây là tín hiệu tốt cho phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Sau khi tăng khá cao với tốc độ hai chữ số trong suốt một thập kỷ (từ năm 2001 đến năm 2010), TMBL (đã loại trừ yếu tố trượt giá) đã tăng thấp hẳn từ năm 2011 đến năm 2014, với tốc độ tăng bình quân năm chưa bằng một nửa so với 10 năm trước đó và thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP trong cùng thời kỳ (5,72%/năm).

Bán lẻ hàng hóa đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số trong 5 tháng đầu năm nay. Ảnh: Đức Thanh
Bán lẻ hàng hóa đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số trong 5 tháng đầu năm nay. Ảnh: Đức Thanh

 

Tốc độ tăng của TMBL chậm lại đã kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giai đoạn 2012- 2014 cũng tăng chậm lại so với thời kỳ 2001 - 2011 (tăng 6,63%/năm so với tăng 9,35%/năm). Mặt khác, vì tiêu thụ nói chung và tiêu thụ trong nước nói riêng là một trong những động lực quan trọng của sản xuất, nên việc TMBL tăng trưởng chậm lại cũng làm cho tốc độ tăng GDP của thời kỳ 2012 - 2014 thấp hơn so với thời kỳ 2001 - 2010 (5,72%/năm so với 6,82%/năm).

Từ giữa năm 2014, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm nay, TMBL có ba điểm đáng chú ý. Điểm đáng lưu ý dễ nhận thấp nhất là tốc độ tăng TMBL đã có xu hướng cao lên và đạt tốc độ tăng cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay.

Điểm đáng lưu ý thứ hai là tốc độ tăng TMBL đã cao hơn tốc độ tăng GDP. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng cao lên (quý I năm nay tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ trong 4 năm trước), trong đó tăng trưởng GDP công nghiệp đạt khá cao. Đây cũng là tín hiệu khả quan để kỳ vọng GDP năm nay tăng cao hơn năm trước.

Xét theo thành phần kinh tế, TMBL của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (85,7%) và tăng 8,9%. Khu vực nhà nước chiếm 11%, cao hơn một số tháng trước, nhờ một số đô thị lớn, như Hà Nội, TP.HCM đã mở rộng việc bán hàng can thiệp (giá cả về loại hàng, cả về lượng hàng, cả về điểm bán hàng). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy chiếm tỷ trọng nhỏ (3,3%), nhưng có tốc độ tăng cao nhất trong 3 thành phần (9,7%) và có xu hướng tăng khả quan trong thời gian tới khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Xét theo ngành, thì bán lẻ hàng hóa (thương nghiệp thuần túy) quyết định tốc độ tăng chung do ngành này chiếm tỷ trọng cao nhất trong TMBL (76,4%) và có tốc độ tăng trưởng cao (10,2%). Điều đó là phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phần lớn dân cư hiện vẫn tập trung hơn cho thương nghiệp thuần tuý.

Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình bước đầu đã chiếm tỷ trọng cao hơn trước đây (11,2%), nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp (2%), do có một bộ phận dân cư đã tự sản tự tiêu, tự phục vụ trong tiêu dùng nhiều hơn.

 Ngành dịch vụ khác chiếm tỷ trọng khá hơn (11,6%) và tăng với tốc độ cao nhất (10,9%), do trong dân cư, bộ phận trung lưu có thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán cao đã tăng lên, không chỉ “ăn”, mà còn “chơi”, có một số còn “chơi” nhiều hơn “ăn”. Đây là xu hướng chung của những nước chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập cao hơn.

Trong khi đó, du lịch vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,8%) và còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh (giảm 12,6%, tương đương 472.000 lượt khách) so với cùng kỳ năm trước.

Tuy TMBL tăng trở lại với tốc độ khá, nhưng do quy mô tiêu dùng đang trong quá trình phát triển từ nhỏ đến lớn dần lên, nên tổng cầu vẫn còn yếu. Tổng cầu yếu lại là yếu tố tác động tiêu cực đối với sản xuất - kinh doanh. Điều đó có thể lý giải tại sao trong 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng thấp. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư, tăng xuất khẩu, cần tăng thu nhập có khả năng thanh toán để tăng tiêu thụ trong nước nhằm tăng tổng cầu, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Kích cầu để tăng tiêu thụ trong nước
Tăng cầu tiêu dùng không những để giảm tồn kho, mà còn ngăn chặn nguy cơ trì trệ của sản xuất kinh doanh. 
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư