Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tìm chốt chặn cho vay nặng lãi
Hà Tâm - 03/06/2015 08:30
 
Gần 10 năm ra đời, nhưng một số quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa giúp được nhiều cho các cơ quan hành pháp trong việc xử lý tội cho vay nặng lãi. Nguyên nhân là do việc căn cứ vào trần lãi suất cơ bản để định tội cho vay nặng lãi còn thiếu cơ sở.

Hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng đang ra sức vận động các nhà làm luật loại bỏ quy định trên, còn các nhà soạn thảo luật thì vô cùng lúng túng trong nỗ lực tìm ra chốt chặn mới.

Dường như bị chìm vào quên lãng bởi không có tác dụng thực tế, song vấn đề lãi suất cơ bản hiện được xới nóng trở lại, bởi Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Dự thảo luật đã nâng con số này lên 200%, song theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, quy định trên vẫn phi thực tế.

 

Nói phi thực tế bởi chiểu theo lãi suất cơ bản hiện tại (9%), thì lãi vay cao nhất trên thị trường từ năm 2009 đến nay chỉ được phép ở mức 13,5%/năm, còn theo Dự thảo luật là 18%/năm.

Song nhiều năm qua, lãi suất cho vay tại các ngân hàng luôn cao hơn nhiều con số này, có lúc lên tới 22-24%/năm. Tại nhiều công ty tài chính, lãi suất cho vay thậm chí còn lên tới 80-120%/năm. Trong quan hệ cho vay giữa các cá nhân với nhau, lãi suất còn cao hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng đến nay, các trường hợp bị xử phạt về tội cho vay nặng lãi là rất ít.

Trước tình hình này, nhiều tổ chức tín dụng, công ty tài chính đang vận động các nhà làm luật bỏ quy định trần lãi suất cho vay, tiến tới tự do hóa hoàn toàn lãi suất. Song theo các cơ quan soạn thảo luật, không thể tự do hóa hoàn toàn lãi suất cho vay mà vẫn cần phải có một quy định để chặn cho vay nặng lãi.

Quả thực, trong giai đoạn tín dụng tăng trưởng chậm như hiện nay, trần lãi vay không phải là vấn đề cấp thiết, tuy vậy, trong những giai đoạn mà nền kinh tế phát triển nóng, rất cần có quy định về trần lãi vay để tránh hiện tượng các tổ chức, cá nhân dâng cao lãi vay vô tội vạ.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi yếu tố lãi suất cơ bản không còn nhiều ý nghĩa, có hai giải pháp có thể tính tới.

Giải pháp thứ nhất là loại bỏ khái niệm lãi suất cơ bản. Trên thế giới, lãi suất cơ bản được các quốc gia ban hành ở mức rất thấp, chủ yếu mang tính định hướng chính sách tiền tệ và rất ít điều chỉnh, nhằm tạo ổn định thị trường tiền tệ chứ không nhắm vào mục đích khác. Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không sử dụng lãi suất cơ bản trong điều hành chính sách tiền tệ, vì vậy, việc ban hành riêng lãi suất cơ bản chỉ nhằm phục vụ mục đích chống cho vay nặng lãi là không cần thiết, thậm chí việc điều chỉnh lãi suất cơ bản còn có thể gây tác động bất lợi đối với thị trường tiền tệ.

Nếu bỏ lãi suất cơ bản, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng hoặc lãi suất cho vay bình quân của 3 nhóm ngân hàng: lớn, trung bình, nhỏ - để định tội cho vay nặng lãi.

Giải pháp thứ hai, nếu tiếp tục giữ lại lãi suất cơ bản để làm căn cứ định tội cho vay (phương án này được Ban Soạn thảo lựa chọn), thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thay đổi định nghĩa của khái niệm này, đồng thời phải liên tục điều chỉnh cho sát với lãi suất cho vay trên thị trường để các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý tội cho vay nặng lãi.

Dù chọn giải pháp nào, cử tri cũng hy vọng, Quốc hội và các nhà soạn thảo luật nhanh chóng lựa chọn được giải pháp chống cho vay nặng lãi vừa phù hợp thị trường, vừa tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho các bên tham gia quan hệ dân sự và giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư