Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 18 tháng 11 năm 2024,
Tìm giải pháp liên kết phát triển sản phẩm du lịch của Cụm phía Đông ĐBSCL
Trúc Giang - 18/11/2024 07:23
 
Để phát triển du lịch bền vững, các tỉnh trong vùng cần khắc phục những hạn chế hiện tại, như thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và hạ tầng du lịch chưa hoàn thiện.

Tại Hội nghị “Đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức vào ngày 17/11 tại TP. Vĩnh Long, các chuyên gia, doanh nghiệp nhà quản lý đều có chung nhận định, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung trong đó có Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL (bao gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh) là vùng giàu tiềm năng du lịch nhờ dự vào sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên độc đáo, văn hóa phong phú và di tích lịch sử đặc trưng.

Những năm qua, hoạt động liên kết đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận. Năm 2023, Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL đón gần 12,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 950.000 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 8.700 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Giàu. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phát biểu khai mạc Hội nghị

Ngoài những tiềm năng phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch lịch văn hoá. Trong 56 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL (cập nhật đến tháng 6 năm 2024), thì cụm phía Đông ĐBSCL có 29 điểm, trong đó Bến Tre (9 điểm du lịch tiêu biểu); Đồng Tháp (6 điểm du lịch tiêu biểu); Tiền Giang (2 điểm du lịch tiêu biểu); Trà Vinh (6 điểm du lịch tiêu biểu); Vĩnh Long (6 điểm du lịch tiêu biểu).

Dù có những lợi thế nổi trội, nhưng theo các chuyên gia, thực tế phát triển du lịch Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL cũng như của cả vùng ĐBSCL còn tồn tại một số hạn chế. Tiềm năng nhiều, song sản phẩm du lịch các tỉnh liên kết vẫn chưa thực sự đa dạng và phong phú. Sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng là yếu tố gây khó khăn cho việc thu hút du khách lưu trú dài ngày.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch chưa đồng đều, chưa đáp ứng được kỳ vọng của du khách. Các tuyến đường giao thông chưa được nâng cấp, thiếu các cơ sở lư trú, ăn uống hiện đại và khu vui chơi giải trí, gây khó khăn cho du khách trong việc di chuyển và tham quan. Bên cạnh đó là hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, cố vấn Lửa Việt Tours khuyến nghị nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL

Trình bày tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Mỹ, cố vấn Lửa Việt Tours, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá: bên cạnh sông nước, sân chim, vườn cây…, Tây Nam Bộ có nhiều sản phẩm du lịch không đụng hàng, tỉnh thành nào cũng có nhưng chưa nhận diện đầy đủ. “Kiểm kê gia tài”, du lịch Tây Nam Bộ đâu kém ai. Nhiều thứ còn hơn thiên hạ nhưng “quản lý tài sản” quá kém. Cơn lốc bê tông và sắt thép càn quét khắp nông thôn đến danh thắng và thiếu liên kết ngay trong ngành, trong từng địa phương, phố biến vẫn mạnh ai nấy làm.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, du lịch là phải lưu trú. Chưa có khách sạn, resort cao cấp thì làm homestay, gardenstay, villagestay, farmstay nhưng phải chuẩn quốc gia Không gom khách đi chùa, nhà thờ, lễ hội miễn phí vào thống kê du lịch. Ưu tiên tìm cách tăng doanh thu đầu khách…

Ông Mỹ cũng khuyến nghị, cần dứt điểm những chuyện nhỏ, tạo sự khác biệt lớn như: không dùng nước chấm chung, có đồ sớt thức ăn chung cho từng người, từng món ăn có tên gọi riêng kiểu Nam Bộ với thực đơn chăm chút. Lấy nụ cười, sự thân thiện để nâng cấp tinh thần và thái độ phục vụ, lấy đó làm vũ khí cạnh tranh. Tận dụng sân nhà để quảng bá danh thắng, món ngon địa phương…

Cố vấn Lửa Việt Tours nhấn mạnh: “Rất cần những chính đột phá, thu hút đầu tư các dịch vụ lư trú, giải trí, mua sắm cao cấp và lộ trình cải tạo giao thông. Chưa mời được “đại bàng” về thì tạo điều kiện tối đa cho “chim sẻ” địa phương làm tổ. Muốn đón được nhiều khách quốc tế thì phải làm tốt du lịch nội địa. Không thể từ ao làng ra ngay biển lớn”.

Gợi ý về khai thác sản phẩm du lịch của tỉnh Vĩnh Long, ông Diệp Đức Duy, Giám đốc Sao Biển Tourist đánh giá cao điểm tham quan làng nghề truyền thống gạch ngói Mang Thít, và cho rằng nơi đây chắc chắn là sản phẩm du lịch tiềm năng tương lai. Theo ông, nhìn qua video clip, ảnh chụp từ trên cao (flycam) thấy làng gạch gốm Mang Thít rất đẹp. Tuy nhiên, du khách đến tham quan đi trên thuyền, hay đường bộ chỉ thấy những ngôi nhà, góc nhỏ của làng gốm thôi. Vì vậy, cần làm tháp quan sát nhìn từ trên cao để du khách lên đó chụp ảnh thấy hết toàn cảnh làng nghề gạch, gốm này thì rất hay. Hoặc về du lịch đêm, ở Mang Thít có thể làm show nhỏ nói về lịch sử của làng nghề gạch, gốm để giới thiệu, thu hút du khách.

Ông Lê Minh Quang, Giám đốc phát triển- Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm (Tập đoàn Focus) phát biểu tại Hội nghị

Cũng dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Minh Quang, Giám đốc phát triển Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm (Tập đoàn Focus) nhận định, với vị trí địa lý thuận lợi, văn hóa phong phú và các sản phẩm du lịch độc đáo, vùng ĐBSCL hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, các tỉnh cần khắc phục những hạn chế hiện tại, như thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và hạ tầng du lịch chưa hoàn thiện. Các giải pháp được đề xuất bao gồm xây dựng các tour du lịch kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và thiên nhiên, tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô lớn và đầu tư vào hạ tầng du lịch.

“Những giải pháp này, nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ giúp khai thác tối đa lợi thế của vùng, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch, và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL là điều cần thiết để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của khu vực. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng cần chung tay thực hiện các giải pháp đã đề xuất để phát triển du lịch bền vững, đóng góp và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng”, theo ông Lê Minh Quang.

Các doanh nghiệp ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác khai thác du lịch tại Hội nghị

Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp đã ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác khai thác du lịch.

Liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 28/2, tại TP. Cần Thơ diễn ra Hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trong trạng thái bình thường mới”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư