-
Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” -
Doanh nghiệp hãy giữ tâm thế tích cực, hành động đủ nhanh -
Chubb Life Việt Nam được vinh danh tại chương trình “Mùa xuân cho em” lần thứ 18 -
Năm 2026, hoàn thành cơ sở dữ liệu của 5 ngành sản xuất nội địa -
TKV đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 3.400 tỷ đồng -
Khu công nghiệp Liên Hà Thái: Những đích đến đang về cùng mùa xuân
Bài 4: Vào top đầu thế giới, sao không?
Danh mục những tập đoàn, tổng công ty nhà nước có doanh thu tỷ đô, chục tỷ đô dù chưa thực sự đông đảo, nhưng đang dấy lên khát vọng lớn.
Sẽ đến lúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Việt Nam có tên trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, tại sao không?
Kỳ vọng sớm có doanh nghiệp Việt Nam được ghi danh trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, với các ứng viên sáng giá như EVN, PVN, Viettel... |
Bài học Vinamilk
Vinamilk và đích thân bà Mai Kiều Liên, người thuyền trưởng gắn bó với doanh nghiệp này từ năm 1992 đến nay, được Thủ tướng Chính phủ nhắc tới khi nói về những doanh nghiệp nhà nước đã chọn con đường đi trước, đi đầu trong phát triển, thay vì chờ đợi.
Sau 15 năm cổ phần hóa, kể từ năm 2003, Vinamilk đã trở thành một bài học thành công với mức doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần.
Năm 2017, doanh thu của Vinamilk được ghi nhận ở mức 51.041 tỷ đồng, giá trị vốn hóa đạt 302.773 tỷ đồng (hơn 13 tỷ USD). Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp, Công ty giữ ngôi quán quân thị trường chứng khoán về lợi nhuận. Sản phẩm của doanh nghiệp hiện có mặt tại 40 thị trường trên thế giới.
Nhưng theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, một trong những người tham gia Đề án Cổ phần hóa Vinamilk, thì doanh nghiệp này còn rất nhiều khát vọng vươn xa hơn.
“Tôi theo dõi họ suốt 15 năm qua. Họ đổi mới liên tục về sản phẩm, dịch vụ bán hàng. Họ không chủ quan, không ngủ quên trên lợi thế quy mô, thị trường mà một doanh nghiệp nhà nước thường có được. Mới đây nhất, Vinamilk đã xây dựng nhà máy hoàn toàn tự động ở Bình Dương với hàng trăm cánh tay robot. Tôi chưa thấy bước đi chậm lại của Vinamilk trong đầu tư và phát triển”, ông Hiển nói.
Với Vinamilk, cũng như các doanh nghiệp nhà nước đã thành lập hàng chục năm trước, lợi thế về thị trường là điều không bàn cãi. Ngay tại thời điểm này, ngành sữa cũng là ngành tương đối khó gia nhập, nhiều doanh nghiệp đi sau đã bỏ rất nhiều tiền, nhưng chưa thành công. Trong khi đó, nhu cầu thị trường đang rộng mở theo mức tăng thu nhập của người dân.
“Hai yếu tố trên tạo nền tảng để Vinamilk dễ dàng tìm kiếm sức mạnh. Song, thử nhìn vào các quyết định đầu tư của Vinamilk, gần như đều cho ra sản phẩm tốt. Cùng bối cảnh, nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư rất lớn, nhưng không ra kết quả, chưa kể thua lỗ”, ông Hiển nói.
Tất nhiên, cổ phần hóa không phải là chìa khóa vạn năng để xoay chuyển mọi doanh nghiệp. Theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần năm 2017, có 35 doanh nghiệp phát sinh lỗ 844 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (lỗ 70 tỷ đồng), Tổng công ty LICOGI (lỗ 59 tỷ đồng)...
Nhưng đa phần doanh nghiệp tìm được hướng đi lên khi đội ngũ quản trị doanh nghiệp buộc phải hoạt động theo cơ chế thị trường, theo đòi hỏi của cổ đông với các thông lệ quản trị tốt của thế giới.
Theo báo cáo của 294 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước năm 2017, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần năm 2017 là 210.035 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Tổng doanh thu đạt 482.545 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016. Tổng lợi nhuận trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 36.633 tỷ đồng, tăng 11% so với số thực hiện năm 2016...
Vấn đề là, không thể chỉ lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hóa mới có động lực, động cơ để quản trị tốt hơn, khát vọng lớn hơn.
Doanh nghiệp nhà nước cũng phải chứa đầy khát vọng phát triển
Khi bàn về giải pháp thúc đẩy hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đã đặt câu hỏi không dễ trả lời cho chính những người đang ngồi ở vị trí thuyền trưởng của doanh nghiệp nhà nước.
“CEO các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước có khát vọng trở thành những người đi đầu trong ngành mình không, có đặt ra mục tiêu trong 5 - 10 năm tới, doanh nghiệp sẽ ở đâu trong thị trường khu vực và thế giới không. Chính khát vọng vươn lên, chứ không chỉ là cơ chế, lương thưởng, sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của những người lãnh đạo doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ quan điểm.
Đặt trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước đang là một lực lượng kinh tế quan trọng và chưa thể thay thế trong thời gian tới, vấn đề này không hề nhỏ.
Tất nhiên, rất khó đo đếm khát vọng, nhưng cũng có cách để nhìn nhận và thúc đẩy đòi hỏi này trong các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, cần đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước sau hơn 2 năm thực hiện (2016 - 2018), nhất là các mục tiêu khó hoàn thành vào thời hạn năm 2020, để có góc nhìn riêng.
Theo báo cáo, phần lớn mục tiêu định tính được xác định khó hoàn thành, như mục tiêu nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất - kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp cũng rơi vào trạng thái khó hoàn thành. Lý giải điều này, các chuyên gia đã nhắc tới các biểu hiện như việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại nhiều doanh nghiệp nhà nước không tốt; tình trạng vi phạm điều lệ doanh nghiệp, quy chế làm việc của HĐQT, ban giám đốc…
Thậm chí, hệ quả của tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân; người đứng đầu doanh nghiệp, cán bộ quản lý tại một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước chính là các vụ việc tiêu cực, xa hơn là vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam…
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, quản trị doanh nghiệp và chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang là rào cản lớn của khu vực này, nhưng nếu thay đổi được, sẽ tạo ra sức mạnh khó đong đếm hết.
“Với những nguyên tắc quản trị tốt, sẽ không tồn tại những người kém năng lực, thiếu tinh thần kinh doanh ngồi ở các vị trí quyết định của doanh nghiệp, không tồn tại tâm lý không dám sáng tạo của người điều hành doanh nghiệp nhà nước, vì thành công thì chưa biết thế nào, nhưng thất bại sẽ rất nặng nề”, ông Hiển bình luận.
Cơ hội đi nhanh
Tất nhiên, các yêu cầu trên sẽ phải đi cùng với các giải pháp để hoàn thành mục tiêu áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế đối với doanh nghiệp nhà nước; gia tăng trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước. Vì đây là các điều kiện cần để những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thực sự được làm nghề quản trị doanh nghiệp, thay cho tâm lý công chức, viên chức được phân giao nhiệm vụ như hiện tại.
Song, cũng không thể chờ đợi cơ chế hoàn thiện rồi mới tiến hành các bước cải thiện quản trị doanh nghiệp. Theo ông Trung, trước mắt, cần chuyển các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, bất kể cổ phần nhà nước chi phối hay không, thậm chí chỉ 1% vốn ngoài nhà nước, không giữ mô hình công ty TNHH một thành viên sớm hơn kế hoạch là năm 2020 - 2025.
“Một bước tưởng như mang tính kỹ thuật, nhưng sẽ chính thức đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường quản trị hiện đại. Đây cũng là giải pháp để giám sát chặt chẽ, hiệu quả, nắm được thông tin tài chính hằng ngày, thậm chí hằng giờ của từng doanh nghiệp, để đưa ra những quyết định phù hợp, cảnh báo rủi ro kịp thời cũng như lựa chọn được những người điều hành thực sự có năng lực”, ông Trung chia sẻ quan điểm.
Rõ ràng, con đường để doanh nghiệp nhà nước tìm lại sức mạnh đích thực dù đầy thách thức, nhưng đã rõ ràng. Xu thế phát triển đang đặt doanh nghiệp nhà nước về đúng vị trí, trách nhiệm của khu vực đang và sẽ tiếp tục nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước.
Viettel, PVN, EVN, VNPT... - cái tên nào sẽ được ghi danh đầu tiên trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. CEO của tập đoàn, tổng công ty nhà nước nào sẽ được tôn vinh vì những cống hiến đầy khát vọng cho sự phát triển của doanh nghiệp...
Đã đến lúc, doanh nghiệp nhà nước phải khẳng định vị thế trong nền kinh tế bằng chính năng lực cạnh tranh, sức sáng tạo và khát vọng dẫn đầu…
-
Tôn vinh 37 hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 -
TKV đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 3.400 tỷ đồng -
Khu công nghiệp Liên Hà Thái: Những đích đến đang về cùng mùa xuân -
Ngành sản xuất Việt Nam suy giảm nhẹ trong tháng cuối năm -
Kỷ lục mới của thương mại Việt Nam -
Vietnam Airlines chào đón những hành khách đầu tiên nhân dịp năm mới 2025 -
Cập nhật giá đơn vị Quỹ liên kết đơn vị của AIA Việt Nam ngày 1/1/2025
- GREENFEED và hành trình nỗ lực kiến tạo nền nông nghiệp bền vững
- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng - Cần một hợp tác toàn diện
- 1Business - Chìa khóa vàng trong quản trị doanh nghiệp thời đại số
- La Queenara Hội An: Bí quyết đầu tư khách sạn tạo dòng tiền
- Petrocons thông báo Danh mục thoái vốn tại các đơn vị doanh nghiệp (Kỳ 3)
- Khu công nghiệp Gilimex: Xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp hiện đại và bền vững