Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng bật tăng mạnh tháng cuối của năm 2021
T.V - 02/01/2022 09:16
 
Chỉ trong tháng 12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 2,8% so với tháng liền trước.

Cầu vốn tăng mạnh quý IV

Sức bật của tín dụng được thể hiện qua con số vừa được Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tính đến ngày 27/12 đạt 12,97% so cuối năm 2020.

Trước đó, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1%. Còn số liệu NHNN đưa ra đến cuối tháng 10/2021, con số này là 8,7% và cuối tháng 9 là 7,17%. 

Như vậy, chỉ trong gần 1 tháng 12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế tăng đến 2,8% so với tháng 11/2021 và tăng 4,27% so với tháng 10/2021...

Quả thực, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian giãn cách xã hội, tín dụng của ngành ngân hàng giảm 0,23% trong cả tháng 9/2021, chỉ tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng thì tín dụng bắt đầu tăng tốc trở lại từ tháng 10/2021.

Trong 2 tháng (10 và 11/2021) khi phần lớn các địa phương mở cửa trở lại, tín dụng tăng gần 3%, bằng gần một nửa 3 quý trước đó, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng.

Riêng tại địa bàn TP.HCM ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, nhìn lại toàn bộ quá trình hoạt động của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2021 vẫn đạt được những kết quả quan trọng và là điểm sáng, là động lực để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương của ngành, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng trên địa bàn trong năm 2022. 

Theo đó, kết thúc năm 2021, dự ước huy động vốn trên địa bàn TP.HCM tăng 7,5 ; cho vay vốn dự ước tăng 10,7%. Tháng 11/2021, tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn so với tháng trước, tăng trên 2% so tháng 10/2021.

Như vậy, chỉ tính riêng tháng 12/2021, tín dụng ước tăng 2% so với tháng 11/2021. Tín dụng của ngân hàng tại TP.HCM tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% trong tháng 9/2021), phản ánh tín hiệu tích cực trong phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Trong khi đó, cả quý 3/2021 tín dụng chỉ tăng 0,2%. Riêng tháng 8 và tháng 9/2021 tín dụng giảm. Nguyên nhân chính theo ông Lệnh là nhiều doanh nghiệp hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động trong thời gian này để phòng chống dịch; kinh tế xã hội thành phố tăng trưởng âm.

Lãi vay thấp kích cầu tín dụng

Từ thực tế trên cho thấy, khi mở cửa thị trường, nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng để phục vụ khách hàng dịp Tết, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

Thông thường quý IV hàng năm vẫn được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng về tín dụng và lợi nhuận. Chẳng hạn năm 2020, trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã nâng từ 6% lên trên 12%.

Mặt bằng lãi suất thấp cũng được nhận định là yếu tố kích cầu tín dụng tăng mạnh sau giãn cách. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2021 với mức giảm khoảng 1,5%.

Các ngân hàng cũng nỗ lực kích cầu tín dụng qua các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã và đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp với 03 hoạt động chính sau: Cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 20/12/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng.

Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.​

Riêng tại TP.HCM, đến cuối năm 2021 tổng giá trị nợ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn đạt gần 2,2 triệu tỷ đồng, gồm: cơ cấu  lại nợ, giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp.

Năm 2022, Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu.

Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch. Không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao, thị trường chứng khoán đầu cơ...

Giảm lãi suất các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Chính phủ quyết định giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư