Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 12 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Tín dụng đã tăng 12,5%; Ngân hàng bước vào cuộc đua huy động vốn mới
T.L - 08/12/2024 13:52
 
Tín dụng bắt đầu tăng tốc những tháng cuối năm, siết sở hữu chéo ngân hàng cần điều tra dòng tiền góp vốn, trái phiếu có nguy cơ chậm trả vẫn ở mức cao, tiền gửi tiếp tục chảy vào ngân hàng... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Tín dụng tăng 12,5%, lãi vay đã giảm gần 1%

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tính đến 7/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%. So với cùng kỳ năm 2023 tăng trưởng tín dụng mới chỉ tăng được 9% thì con số năm nay là khá tích cực. Tổng dư nợ nền kinh tế khoản 15.300.000 tỷ đồng; huy động vốn cũng đã đạt được khoảng 14.800.000 tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Phó thống đốc Đào Minh Tú.

Điều này cho thấy ngoài việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước cũng có những động tác điều chỉnh, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ điều hành chính sách.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay tăng nhanh hơn năm trước, Phó thống đốc cho rằng, nền kinh tế đã và đang có nhiều thuận lợi, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả lĩnh vực: Xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp nhìn chung đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư chung đã có thuận lợi… 

Thêm vào đó là sự điều hành tích cực đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ kinh tế ngành đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá, tiền tệ có sự hài hoà giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Vai trò có tính chất quyết định trong việc tăng trưởng tín dụng này, theo Phó thống đốc là do biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

“Ngay từ đầu năm, chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% và đã điều hành quyết liệt mặc dù cơn bão số 3 gây ảnh hưởng. Nếu như không có cơn bão số 3 gây ảnh hưởng thì tăng trưởng tín dụng năm nay có thể còn cao hơn con số này”, ông Tú cho hay.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong việc xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng của ngân hàng mình. Ngân hàng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng chủ động trong việc tăng thêm hạn mức mà không chờ Ngân hàng Nhà nước thông báo như những năm trước đây.

Nguồn lực, nguồn vốn huy động năm nay cũng đảm bảo hài hoà, lãi suất đầu ra đã giảm tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay so với đầu năm lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96% - đây cũng là lý do giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư. 

Ngân hàng Nhà nước cũng tháo gỡ nhiều khó khăn trong thủ tục, quy định và đặc biệt là có cơ chế giãn hoãn nợ sau cơn bão số 3. 

Phó thống đốc khẳng định, những chính sách này trong năm 2024 đã thực sự phát huy hiệu quả và các doanh nghiệp cũng đón nhận những chính sách này tích cực, góp phần tháo gỡ cho sản xuất, tiêu dùng. Tín dụng cho bất động sảnchứng khoán mặc dù vẫn kiểm soát chặt rủi ro nhưng tạo điều kiện cho 2 lĩnh vực này khởi sắc hơn.

Về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, Phó thống đốc cho biết, đây là con số định hướng trong điều hành, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay cùng với việc cuối năm bao giờ cũng là thời điểm giải ngân tích cực, chúng ta có thể tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Siết sở hữu chéo ngân hàng: Điều tra dòng tiền góp vốn của các "ông chủ lớn"

Để đối phó với tình trạng "đứng tên hộ", chuyên gia cho rằng cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để nhận diện sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung loạt quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, dù luật chặt đến đâu, quan trọng nhất là khâu thực thi, giám sát.

“Luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ, đồng thời công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời, thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng”, ông Đức nói.

Ở Việt Nam, tình trạng nhờ "đứng tên hộ" của các ông chủ thực sự ngân hàng đã trở thành "bệnh" và các cơ quan chức năng đang phải đau đầu đối phó, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu lực của Luật.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tại Việt Nam có tình trạng "nói một đằng nhưng làm một nẻo" dẫn đến chưa kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng. Tất nhiên, nếu muốn điều tra, không phải là không làm được.

"Cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng không khó", ông Hiếu nói.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cũng cho hay, hiện có tình trạng nhân viên vì sức ép của lãnh đạo mà phải chấp nhận đứng tên thay cho sếp ở công ty sân sau. Thông thường, một công ty sân sau như vậy sẽ có 2 HĐQT, trong đó lãnh đạo thực sự là ông chủ ngân hàng. Nhân viên đứng tên thay chỉ làm nhiệm vụ ký hộ chứ không có quyền quyết định, dẫn tới hệ lụy pháp lý lớn.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà và TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để kiểm soát đúng ngọn nguồn sở hữu chéo. Ngoài ra, TS. Nghĩa cũng cho rằng, cần quản lý chặt hơn dòng tiền cho vay sân sau của các ông chủ nhà băng.

Liên quan đến mô hình tập đoàn tài chính tại Việt Nam, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho hay, hạn chế của mô hình này là sở hữu chéo chằng chịt. Trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiểm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

Theo ông Hòe, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam cho thấy, tổng tài sản gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng.

Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính. 

30% số trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc

 Tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 11/2024 giữ ở mức 15,3%. Nhóm Năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 44%. Có tới 30% trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc.

Báo cáo thị trường TPDN 11 tháng của VIS Rating cho biết, tỷ lệ chậm trả TPDN lũy kế vào cuối tháng 11/2024 giữ ở mức 15,3%. Nhóm năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 44%. Xét về giá trị, nhóm bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.

Báo cáo cũng cho thấy, có tới 15/51 trái phiếu đáo hạn tháng 11/2024 có nguy cơ chậm trả nợ gốc, bởi hầu hết những trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó. Đồng thời, có tới 30% số trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc, cao hơn so với tỷ lệ 20% trái phiếu chậm trả nợ gốc trong 11 tháng đầu năm 2024.

VIS Rating dự báo, trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 105.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn.

“Trong số này, chúng tôi ước tính có khoảng 21.000 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc”, VIS Rating nhận định.

Trong tháng 11/2024, thị trường ghi nhận một trái phiếu chậm trả phát sinh mới từ CTCP Crystal Bay trong tháng 11, với giá trị gốc chậm trả là 421 tỷ đồng. Tổ chức phát hành này đã chậm trả nợ gốc vào ngày 5/11/2024. Sau đó, trái chủ - VNDirect - sở hữu 100% trái phiếu này, đã chấp thuận gia hạn thanh toán đến ngày 30/11/2024. Hiện tại chưa có thông báo thanh toán cho trái phiếu này.

Được biết, trái phiếu trên được bảo đảm bằng 78,2 triệu cổ phiếu của CTCP Crystal Bay và VNDirect cũng là đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành và đại diện cho trái chủ.

“Chúng tôi coi những cổ phiếu là tài sản đảm bảo này có tính thanh khoản thấp vì đây là cổ phiếu của công ty không niêm yết. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá rằng công ty sẽ tiếp tục có nguy cơ chậm trả gốc/lãi cao khi có hồ sơ tín nhiệm yếu với dòng tiền hoạt động âm, đòn bẩy cao và nguồn tiền mặt hạn chế. Theo thông tin công bố, tổ chức phát hành này đã lỗ 76 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024”, báo cáo của VIS Rating cho biết.

Tính từ đầu năm đến nay, đã có 43 trái phiếu chậm trả gốc/lãi lần đầu, con số này đã giảm đáng kể so với 369 trái phiếu chậm trả gốc/lãi với tổng giá trị là 144,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.

Về xử lý TPDN chậm trả, trong tháng 11/2024, các tổ chức phát hành đã trả cho trái chủ tổng cộng 1.148 tỷ đồng dư nợ gốc chậm trả. Trong số các đơn vị phát hành này, Phong Điện Yang Trung, Bất động sản Cát Liên Hoa, Địa ốc Mai Viên và Neo Floor đã hoàn trả toàn bộ số tiền gốc còn lại của một số trái phiếu cho các trái chủ. 80% tổng dư nợ được hoàn trả trong tháng đến từ các công ty Năng lượng chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2022 và 2023. Tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của nhóm ngành năng lượng tăng 3% lên 17.7% vào cuối tháng 11/2024.  

Trong tháng 11/2024, lượng phát hành trái phiếu mới giảm xuống 23.400 tỷ đồng từ mức 39.100 tỷ đồng trong tháng 10/2024. Lũy kế 11 tháng, lượng phát hành TPDN mới đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 17.400 tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.

Trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 11/2024, 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng HDBank, ACB, TPBank, LPBank, Eximbank.  

Đáng chú ý, trong tháng 11/2024, một tổ chức phát hành thuộc nhóm ngành Hàng tiêu dùng và phát hành ra công chúng với tổng giá trị là 400 tỷ đồng.

Trong năm 2024, số lượng trái phiếu phát hành ra công chúng tăng 30% so với 2023, đạt 46.000 tỷ đồng, chiếm 10.2% tổng lượng trái phiếu phát hành mới.

Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền nhàn rỗi vào ngân hàng kỷ lục

Cầu tín dụng tăng cuối năm nên ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất tiền gửi, nhất là ở kỳ hạn dài, tiết kiệm chảy mạnh vào ngân hàng.

Thống kê của Công ty chứng khoán Maybank cho thấy tính đến tháng 9/2024, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đã tăng trung bình khoảng 0,6 điểm % từ mức đáy trong tháng 3/2024, chủ yếu được thúc đẩy bởi các ngân hàng tư nhân.

Không ít ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm như: SeABank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, và VietBank. Tuy nhiên, mức tăng cũng khá khiêm tốn, chỉ có một số nhà băng tăng lãi suất tiền gửi lên 7%/năm, nhưng đi kèm là điều kiện giá trị tiền gửi đến hàng trăm tỷ đồng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

DongA Bank giữ mức lãi suất cao lên tới 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiền ở kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên. HDBank trả lãi 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, song điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombak, BIDV, VietinBank tiếp tục kiểm soát mức tăng lãi suất tiền suất tiền gửi nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đầu tháng 12/2024, 4 ngân hàng có nguồn vốn nhà nước (Big4) đang áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm cho hình thức trả lãi cuối kỳ từ 1,6%/năm đến 4,8%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi tại quầy kỳ hạn 1 - 36 tháng.

Hiện mức lãi suất huy động cao nhất ở một số kỳ hạn tại các ngân hàng như kỳ hạn 1 tháng lên tới 3,95%/năm tại Bac A Bank; kỳ hạn 3 tháng là 4,3%/năm tại Eximbank; kỳ hạn 9 tháng 5,65% tại NCB và kỳ hạn 24 tháng chạm mốc 6,3%/năm tại ABBank.

Số liệu từ NHNN, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0.1-0.2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; 5,2-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Trong khi đó, từ cuối quý 2/2024, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.

NHNN vừa công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến tháng 9/2024. Theo đó, số liệu đến hết tháng 9/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%; tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.

So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính chung, chỉ trong tháng 9 đầu năm, trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng.

Theo ghi nhận, tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng xấp xỉ mốc 7 triệu tỷ đồng trong bối cảnh lãi suất nhích lên gần đây. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng dự báo đến hết tháng 10/2024, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng có thể vượt 15 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.

Giới phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ lãi suất tăng do ngân hàng đang đẩy mạnh vốn, tín dụng tăng mạnh các tháng cuối năm. NHNN cho biết, tính đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023 và đích đến 15% không còn quá xa. Đồng thời, NHNN vừa nới thêm room tín dụng cho các nhà băng.

Vả lại, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán, vàng) còn biến động khó lường nên tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng để hưởng lãi suất.

Fintech - ngân hàng không còn nỗi lo “cướp khách” của nhau

Thay vì nỗi lo cạnh tranh cướp khách thuở ban đầu, ngân hàng và fintech đang có sự bắt tay êm đẹp, cùng nhau chia sẻ doanh thu, khách hàng.

Từ khi xuất hiện đến nay, fintech và ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn hợp tác. Trước năm 2012, hai bên có thái độ dè chừng lẫn nhau. Ngân hàng phần nào lo lắng sẽ bị fintech “lấn” thị phần. Tuy nhiên, sau giai đoạn “đốt tiền” để khuyến mại, cạnh tranh khách hàng, nhiều fintech đã rơi vào khó khăn tài chính. Từ năm 2012, nhiều fintech thay đổi tư duy, chuyển sang bắt tay vào hợp tác với ngân hàng và hai bên có sự kết nối khá hài hòa từ đó đến nay.

Phó tổng giám đốc thường trực MoMo, ông Đỗ Quang Thuận cho hay, ban đầu, việc thuyết phục các ngân hàng hợp tác với fintech rất khó khăn vì họ chưa có niềm tin. Tuy nhiên, MoMo đã tận dụng dữ liệu giao dịch của khách hàng, xây dựng hồ sơ tín dụng cho khách hàng, từ đó giúp các ngân hàng tin tưởng và bước đầu cho vay khách hàng của MoMo, dù các khách hàng này chưa có lịch sử tín dụng.

Hiện tại, thông qua MoMo, hơn 1 triệu khách hàng chưa có lịch sử tín dụng “bước ra khỏi bóng tối”, lần đầu tiên tiếp cận được kênh tín dụng chính thống của các ngân hàng. Việc có lịch sử tín dụng giúp khách hàng thuận lợi tiếp cận vốn ngân hàng trong tương lai.

“Thông qua MoMo, các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tiết kiệm, đầu tư với quy trình thủ tục đơn giản, nhanh chóng. MoMo đang đóng vai trò xây một cây cầu, kết nối người dùng với các ngân hàng, tổ chức tài chính”, ông Thuận cho biết.

Ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thừa nhận, không phải ngân hàng không muốn cho vay do nguồn vốn đang dư thừa, trong khi cầu tín dụng của nền kinh tế đang ở mức yếu. Việc cho vay đối tượng nhỏ lẻ, với ngân hàng không chỉ vì mục tiêu chính trị (phục vụ tài chính toàn diện), mà còn vì mục tiêu tăng doanh thu, lợi  nhuận.

Tuy vậy, theo ông Trung, ngân hàng không thể có đủ nhân lực để cho vay các đối tượng nhỏ lẻ do chi phí cho vay, thẩm định quá lớn. Việc hợp tác với fintech giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro mà vẫn có thêm doanh thu, thêm khách hàng.

Hiện các ngân hàng thừa vốn, nhưng không dám cho vay, các khách hàng chưa có lịch sử tín dụng muốn vay song không đủ điều kiện tiếp cận vốn. Theo thống kê của Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY), 42% nhóm khách hàng chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính - ngân hàng khi được hỏi cho biết, trong một năm gần đây, đã phải vay nóng, chơi hụi… để tìm vốn.

Theo các fintech, sở dĩ họ có thể tự tin kết nối với ngân hàng để cho vay với các khách hàng chưa có lịch sử tín dụng là nhờ ứng dụng AI, Big Data, thu thập được đa dạng dữ liệu của khách hàng thông qua các giao dịch của họ ngay trên ứng dụng, bao gồm thói quen, hành vi, thu nhập... Quan trọng nhất là fintech tạo ra các sản phẩm rất linh hoạt, “đúng người, đúng thời điểm”, phù hợp với nhu cầu của người vay nhỏ lẻ và quy trình đơn giản, dễ dàng. 

Cầu vốn trên thị trường hiện nay còn rất lớn. Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), chỉ tính riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có tới khoảng 20,3 tỷ USD vốn chưa được đáp ứng, do thiếu tài sản đảm bảo và rủi ro tín dụng cao. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng đen ở Việt Nam vẫn như vòi bạch tuộc, không thể chặt đứt.

Ông Vũ Thành Trung cho hay, ngân hàng đang rất muốn cùng fintech vào cuộc để từng bước đẩy lùi tín dụng đen, xóa khoảng trống tín dụng. “Chúng tôi cần dữ liệu, cần thêm thông tin để mở rộng cho vay. Ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, miễn là đủ dữ liệu tin cậy”, ông Trung cho biết.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, hiện fintech vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, vì ngân hàng không thể “ôm” hết, bao gồm cả dư địa mảng thanh toán (hiện tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn cao), mảng đầu tư (bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…), cho vay tiêu dùng

Ngân hàng và fintech còn có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Đơn cử, MB vừa phối hợp với một fintech phát triển công nghệ phân tích hành vi khách hàng để phát hiện khách hàng có nguy cơ bị lừa đảo qua hành vi của họ. Từ khi sản phẩm ra mắt đến nay, ngân hàng đã phát hiện 2.500 lượt khách hàng có nguy cơ bị lừa đảo.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng để khuyến khích đổi mới và quản lý rủi ro, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng các thông lệ quốc tế, sớm ban hành cơ sở pháp lý cho sandbox dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Việc khuyến khích fintech không nên chỉ tập trung vào dịch vụ thanh toán, mà còn phải đẩy mạnh các lĩnh vực khác như chấm điểm tín dụng người dùng, cho vay ngang hàng và công nghệ bảo hiểm... Với fintech, để phát triển mạnh hơn nữa, EY cho rằng, fintech nên tiếp tục hợp tác với ngân hàng để đơn giản hóa dịch vụ và áp dụng các công nghệ mới nổi, giúp mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ.

Ngân hàng sẽ phải bước vào cuộc đua tăng vốn mới

Các ngân hàng sẽ phải đẩy nhanh lộ trình tăng vốn, bởi rất có thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng Hệ số An toàn vốn (CAR) mới từ năm 2030. Việc tăng bộ đệm bảo toàn vốn này không chỉ giúp ngân hàng phòng vệ tốt hơn trước rủi ro, mà còn giúp đạt Basel III.

Theo Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2030, Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu lộ trình nâng dần Hệ số CAR lên 10,5% (theo quy định hiện hành, CAR tối thiểu là 8%). Trong đó, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, vốn đệm bảo toàn vốn sẽ nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Tỷ lệ này linh hoạt trong từng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước quyết định với mức dao động 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm xuống khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.

Ông Võ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc tư vấn Dịch vụ tài chính - ngân hàng, Công ty EY Việt Nam cho hay, đây là quy định nhằm tuân thủ Basel III. Việc này sẽ giúp các ngân hàng có một mức đệm phòng ngừa trước khi vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu và tạo điều kiện để cơ quan giám sát có đủ thời gian can thiệp trước khi sự kiện đổ vỡ thực sự xảy ra.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung vốn đệm bảo toàn vốn sẽ giúp các ngân hàng dự trữ đủ vốn trong giai đoạn tăng trưởng nóng và bù đắp sự sụt giảm về vốn trong khủng hoảng. Một khi Ngân hàng Nhà nước bỏ cơ chế room tín dụng, quy định về bộ đệm vốn của các ngân hàng thương mại là rất quan trọng.

Ngoài bổ sung quy định về vốn đệm bảo toàn vốn, Dự thảo cũng quy định, các ngân hàng sẽ phải đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu là 6%. Quy định này nếu ban hành sẽ gây thách thức không nhỏ với các ngân hàng.

Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu, song đây không phải là nguồn vốn chất lượng, dễ biến động. Đơn cử, tại Vietcombank, trái phiếu tăng vốn chiếm 5% vốn tự có và nguồn vốn này có thể sụt giảm khi đến kỳ đáo hạn trái phiếu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, việc tuân thủ Basel III sẽ khiến áp lực tăng vốn của các ngân hàng tiếp tục gia tăng thời gian tới, đặc biệt với nhóm ngân hàng Big 4. Hiện nay, quy trình, thủ tục tăng vốn của các ngân hàng Big 4 quá rườm ra, nên việc cho phép cơ chế dài hơi để các ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận tăng vốn là rất cần thiết.

Nghị quyết Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã “chốt” chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Theo đó, Vietcombank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5% để tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng - vươn lên vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng, vượt qua 2 ngân hàng tư nhân đang dẫn đầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).

Trong khối Big 4, BIDV và VietinBank cũng đang đợi cơ quan chức năng hoàn thành bước phê duyệt cuối cùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại.

Trong khi đó, các ngân hàng TMCP tư nhân cũng cấp tập tăng vốn. Cuối tháng 11/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

HDBank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.825 tỷ đồng. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, LPBank đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%. Trong khi đó, Bac A Bank, Eximbank cũng vừa điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ…

Mặc dù ồ ạt tăng vốn, song Hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 8/2024, Hệ số CAR của các ngân hàng thương mại nhà nước là 10,72%, của ngân hàng thương mại cổ phần là 12,02%. Trong khi đó, CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, để đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel III, các ngân hàng sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận để đổi lấy an toàn. Theo quy định của Basel III, ngân hàng không chỉ tăng vốn, mà còn phải nâng cao cấu phần vốn lõi, cấu phần vốn đệm dự phòng.

Lâu nay, các ngân hàng lớn đã có ý thức từng bước tuân thủ quy định mới này, song với các ngân hàng nhỏ đang “liệu cơm gắp mắm”, thì lộ trình tăng vốn thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong một nền kinh tế đầy biến động, việc tăng bộ đệm vốn để đối phó với các cú sốc là yêu cầu bắt buộc.

Việc ngân hàng đứng trước áp lực tăng vốn mạnh thời gian tới cũng đồng nghĩa với khả năng cổ đông được chia cổ tức bằng tiền mặt ngày càng bị co hẹp, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán chật vật như hiện nay.

30% số trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc
Tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 11/2024 giữ ở mức 15,3%. Nhóm Năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 44%. Có tới 30% trái phiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư