Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tín dụng hướng đến lĩnh vực sạch, xanh
Vân Linh - 27/09/2019 21:27
 
Trong xu thế phát triển, tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cũng như hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
HDBank hướng đến tăng trưởng xanh bền vững khi tài trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu.
HDBank hướng đến tăng trưởng xanh bền vững khi tài trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu.

Tín dụng xanh tài trợ theo chuỗi

Nếu 5 năm về trước, tín dụng xanh là khái niệm còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam, thì khi xã hội phát triển, đời sống người dân và hoạt động sản xuất doanh nghiệp ngày càng ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực đến môi trường, khái niệm “tín dụng xanh” mới thực sự được quan tâm đúng mức. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay.

Ngân hàng không đứng ngoài cuộc trong việc xanh hóa dòng tín dụng. Trong đó, HDBank, Nam A Bank, OCB, Vietcombank, Agribank từng bước đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực sạch, xanh... Đặc biệt, HDBank hướng đến tăng trưởng xanh bền vững khi hỗ trợ tài trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu.

Lãnh đạo HDBank cho biết, nhiều năm qua, Ngân hàng đã triển khai nhiều gói giải pháp tài trợ chuỗi khép kín từ nhà phân phối, đại lý đến nhà cung cấp, nhà cung ứng của nhiều doanh nghiệp có uy tín, có kênh phân phối trong và ngoài nước (chuỗi công nghiệp phụ trợ cho Samsung/LG, chuỗi chăn nuôi CP/CJ; chuỗi máy nông nghiệp Yanmar; cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón cho DPM/DCM; Chuỗi xăng dầu PLX/PVOIL; chuỗi siêu thị SGCoop/ VIN…).

Khách hàng ngoài đáp ứng các quy định chung về cấp tín dụng của HDBank, thì chỉ cần đáp ứng các tiêu chí và tham gia được chuỗi có liên kết với HDBank (hiện nay là trên 30 chuỗi và dự kiến lên hơn 40 chuỗi vào cuối năm nay), sẽ được HDBank tài trợ để thực hiện các đơn hàng mà không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.

Việc tài trợ chuỗi đã và đang là dòng sản phẩm khẳng định thương hiệu của HDBank trên thị trường. Khách hàng được hưởng các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất thấp hơn từ 1% - 2% /năm so với khách hàng thông thường; miễn, ưu đãi phí cho các dịch vụ trong hệ sinh thái của chuỗi. Đặc biệt, ở nhiều chuỗi, tỷ lệ tài trợ đối với tài sản đảm bảo là bất động sản lên đến 100%, cầm hàng luân chuyển hoặc vay không có tài sản đảm bảo. Các giao dịch tài trợ, thanh toán được thực hiện trên nền tảng số hoá, đẩy nhanh tốc độ xử lý, tính tự động, không cần đến ngân hàng, hạn chế thủ tục giấy tờ.  

HDBank cũng được khách hàng đánh giá là ngân hàng tiên phong triển khai chương trình tài trợ điện mặt trời trên thị trường. Sản phẩm được chuẩn hoá, có thể triển khai đại trà, nhất là điện áp mái. Nhận chính hệ thống điện mặt trời hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo. Tạo lập được liên kết với hàng loạt nhà cung cấp, các công ty thiết kế, lắp đặt, kiểm định và bảo trì để đem đến cho các khách hàng nhiều lựa chọn chất lượng và yên tâm khi đầu tư.

Theo đó, HDBank cũng đã triển khai gói tài trợ cho các dự án năng lượng sạch - dự án điện mặt trời với tổng vốn lên đến 7.000 tỷ đồng, phục vụ các dự án điện mặt trời nối lưới thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án phải đáp ứng tiêu chí xanh: giảm năng lượng tiêu thụ, giảm khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường; giấy phép đầu tư dự án/phương án thể hiện dự án, phương án phù hợp với mục đích vay vốn và mục tiêu tăng trưởng xanh.

HDBank không chấp nhận tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành ô nhiễm nhiều khói, bụi. Đồng thời, để được HDBank tài trợ đầu tư dự án, tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu vào dự án tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư.

Chiến lược “xanh hóa” dòng tín dụng của HDBank

Không chỉ có hạn mức 7.000 tỷ đồng nói trên, HDBank triển khai mạnh chương trình tín dụng xanh điện mặt trời với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 16.000 tỷ đồng trong năm 2020 tùy theo sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Tính đến tháng 8/2019, HDBank đã tài trợ 9.803 tỷ đồng (dư nợ 5.775 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp điện mặt trời tại Việt Nam với quy mô dự án đạt 725 MWp. 

Chương trình tín dụng xanh này một lần nữa thể hiện và khẳng định định hướng của HDBank trong việc trở thành ngân hàng xanh; thấu hiểu, cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính tốt nhất, đồng thời hướng tới những giá trị bền vững, giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, giảm mạnh tiêu thụ điện lưới, giảm ô nhiễm môi trường, với mỗi 1 MWp giảm phát thải lên tới 25.000 tấn CO2, đảm bảo an ninh năng lượng địa phương và quốc gia, hội nhập toàn cầu.

Đối với chủ đầu tư, HDBank tài trợ vốn với tỷ lệ đến 70% tổng mức đầu tư. Thời hạn cho vay lên đến 12 năm. Tài sản đảm bảo đa dạng bao gồm tài sản và nguồn thu hình thành từ vốn vay.

Với điện mặt trời trên mái nhà, doanh nghiệp đầu tư dự án để sử dụng hoặc cho thuê sẽ hưởng ưu đãi vốn vay tại HDBank với tỷ lệ 70%, thời hạn 5 năm. Tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng. Ngoài ra, HDBank hỗ trợ đối tác liên kết chuyên lắp đặt, thi công, bảo trì, bảo hành hệ thống.

HDBank đáp ứng các tiêu chí “xanh” để liên kết, tiếp nhận nguồn vốn dài hạn được ưu đãi cho lĩnh vực này từ các định chế tài chính nước ngoài tài trợ cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong những năm tới, HDBank dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao thông qua khai thác hệ sinh thái khách hàng đặc quyền với hơn 30 triệu khách hàng của HDBank, HDSaison và Vietjet Air.

Bên cạnh đó, HDBank cũng triển khai mạnh các gói tài trợ chuỗi khép kín từ tài trợ nhà phân phối đến tài trợ các nhà cung cấp của gần 30 chuỗi cung ứng; gắn kết và giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững chuỗi toàn cầu; góp phần định hướng doanh nghiệp Việt Nam theo xu hướng xanh của thế giới, giảm khí thải ra môi trường, đáp ứng các tiêu chí sản xuất khắt khe từ các nhà phân phối lớn tên tuổi trên thế giới; tối ưu hóa được chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm về mặt chi phí kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng; gián tiếp nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Theo định hướng 5 lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8/2019, HDBank đã tăng dư nợ cho vay lên 11.012 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2016, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ 2018, cao hơn 3 lần so với mức tang trưởng tín dụng chung 13% của HDBank. Trong đó, HDBank ưu tiên tài trợ cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điển hình là tài trợ 800 tỷ đồng cho chuỗi trồng trọt - chế biến - xuất khẩu trái cây của THADI-HAGL Agri, triển vọng năm 2020 sẽ nâng lên 1.800 tỷ đồng.

HDBank đặc biệt hướng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng thường xuyên triển khai hội thảo nông nghiệp nông thôn tại địa bàn tất cả các xã trực thuộc huyện, tỉnh, thành phố có trụ sở của HDBank và HDSaison. Đây được xem là cách làm sáng tạo của HDBank trong việc giúp người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận trực tiếp thông tin sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng, để từ đó lựa chọn ra một sản phẩm vay phù hợp với nhu cầu của mình. Qua đó, HDBank và HDSaison góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi “tín dụng đen” ở nông thôn.

Sự phát triển đến từ nội lực tài chính vững vàng

Sau gần 30 năm hình thành, sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của HDBank đến từ nội lực tài chính vững vàng cùng trí tuệ của gần 14.000 con người đã và đang nỗ lực cống hiến cho Ngân hàng.

HDBank có lợi thế kinh doanh khi sở hữu hệ sinh thái đặc thù gồm ngân hàng - hàng không, tài chính tiêu dùng, với cơ sở khách hàng trên 20 triệu người, gần 7 triệu khách hàng tại gần 300 điểm giao dịch ngân hàng trên khắp cả nước; 100 triệu khách hàng đã bay cùng Vietjet Air trong các năm qua; mạng lưới 14.500 điểm giao dịch tài chính của HDSaison dẫn đầu thị trường về cho vay; mở rộng gắn kết với các hệ thống phân phối bán lẻ trên cả nước cho người dân vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, với sự đồng hành và kết nối từ các tập đoàn, công ty lớn thế giới như Amazon, Google, Microsoft…; sự hợp tác phát triển và đầu tư với nhiều kỳ lân start-up như Grab, Gojek, Traveloka, VnPay...; hợp tác mở rộng chuỗi sinh thái bán chéo sản phẩm như Vinamilk, Viettel, VNPT, Samsung…, HDBank đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm chinh phục người tiêu dùng.
HDBank trở thành Ngân hàng Việt đầu tiên nhận giải Ngân hàng xanh của ADB
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trao giải thưởng “Green Deal Award” tại Singapore, đây là giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư