Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Tín dụng khó đột biến trong quý cuối năm
Vân Linh - 04/10/2023 11:03
 
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 20/9 mới đạt gần 6% và được nhận định là khó có thể tăng đột biến trong quý cuối năm, dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều.

Sức hấp thụ vốn vẫn yếu

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/9 đạt 5,73%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (10,54%) và chỉ bằng hơn 1/3 kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra từ đầu năm. Nhu cầu trong nước và nước ngoài thấp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, khiến tăng trưởng tín dụng ngân hàng thấp.

NHNN cho biết, sau 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng VND tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm 1-3,5%, thậm chí ở một số lĩnh vực giảm đến 4%. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm.

Theo TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), với tác động trễ của chính sách tiền tệ và độ trễ của lãi suất cho vay, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Song tín dụng khó đạt mục tiêu 14% trong năm 2023.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), bà Hà Thu Giang cho hay, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, khó khăn của nền kinh tế tác động lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nên mức độ rủi ro được đánh giá là cao hơn. Theo đó, ngân hàng rất khó ra quyết định cho vay và không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Kỳ vọng quý cuối năm

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, doanh nghiệp đang tồn kho hàng hóa, còn ngân hàng đang tồn kho tiền; doanh nghiệp cần vay vốn, còn ngân hàng không cho vay được. Điều đó làm ảnh hưởng tới vấn đề sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

Về phía ngân hàng, muốn tăng trưởng tín dụng cao hơn, phải chủ động giảm lãi vay. Các ngân hàng cũng giảm lãi vay từ tháng 8/2023, song do cầu vốn doanh nghiệp chưa tăng cao, nên tín dụng khó chảy mạnh.

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Ngân hàng đã nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%, tập trung nguồn vốn nhiều vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu.

“Tại ACB, tín dụng tăng khoảng 7% trong 8 tháng đầu năm. Chúng tôi tin tưởng dư nợ cho vay sẽ tăng tốc những tháng còn lại của năm. Tính chung cả năm, ACB sẽ cố gắng đạt được mục tiêu 12-14%”, ông Phát nói.

Theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và Đầu tư của OCB, tín dụng toàn ngành sẽ tăng 8-10% những tháng cuối năm. Tổng cầu của thế giới đang hồi phục dần, nhất là nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc, qua đó xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện. Ngoài ra, thị trường bất động sản - khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng rất lớn cũng được kỳ vọng dần phục hồi.

Lãi suất hạ nhiệt cũng tạo động lực cho tín dụng tiêu dùng, tín dụng sản xuất - kinh doanh. “Nhóm ngành nghề động lực tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm là bán buôn, bán lẻ; xuất nhập khẩu; sản xuất hàng tiêu dùng; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống“, ông Trung nhận định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc giảm lãi suất chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Vấn đề là phải làm sao phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện, khắc phục các đứt gãy. Khi các thị trường hồi phục dần, rủi ro nền kinh tế giảm, thì lãi suất sẽ duy trì mức thấp. Doanh nghiệp hồi phục, tái khởi động sản xuất, kinh doanh..., nợ xấu sẽ giảm.

Ngân hàng thừa tiền, vì sao không bỏ room tín dụng?
Năm 2022, Quốc hội lần đầu tiên chất vấn Thống đốc NHNN về room tín dụng, yêu cầu tiến tới bỏ room tín dụng. Năm 2023, cơ chế này vẫn được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư