Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng khó tăng mạnh trong những tháng cuối năm
Vân Linh - 16/07/2022 15:26
 
Không ít ngân hàng đã cạn room tín dụng và đang chờ được nới thêm, song khả năng nhà băng khó ồ ạt đẩy mạnh cho vay trong nửa cuối năm.

Tăng mạnh nửa đầu năm

Nhu cầu vốn tăng đẩy dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022, trong khi huy động vốn vẫn tăng trưởng chậm hơn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%. Tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng gần 2/3 kế hoạch cả năm được toàn ngành ngân hàng đặt ra (tăng 14%).

Cũng theo lãnh đạo NHNN, tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng chỉ tăng chưa đến một nửa, ở mức 4,51%, đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng. 

Riêng tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021. Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, lĩnh vực thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, tăng 4,83%, phản ánh đúng xu hướng phục hồi và khả năng phục hồi, cũng như những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ dịch bệnh. Các ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất - kinh doanh để phục hồi và tăng trưởng.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng và đề nghị NHNN cấp thêm hạn mức, nhưng tới thời điểm hiện tại, các đề xuất vẫn đang trong vòng cân nhắc. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, trong điều kiện hiện nay, mức tăng tín dụng gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP, khoảng 14-15% vẫn là phù hợp. Vấn đề lớn cần quan tâm lúc này là dòng tín dụng vào đâu, vào lĩnh vực nào để mang lại hiệu quả.

Có tăng cao trong nửa cuối năm?

Về đề xuất nới room tín dụng của ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ khi phân bổ hạn mức tín dụng kỳ đầu năm, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Nếu tín dụng tăng trưởng nóng, sẽ dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn, nhưng nếu thắt chặt tín dụng, thì không thể tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Tú, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Cơ quan quản lý sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế sao cho tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.

Tuy nhiên, ông Tú khẳng định, bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng. Mục tiêu của NHNN là hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro, điều tiết dòng tiền để kiểm soát mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Ngay từ đầu năm, khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, NHNN cũng cho biết, sẽ điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp, có thể tăng lên 15-16%, song cũng có thể giảm xuống 12-13%.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ngân hàng Agribank nhận định, tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng 9,35%, nếu tiếp tục tăng mạnh thì áp lực lạm phát rất lớn. Riêng với Agribank, tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng đã tăng 6%, trong khi hạn mức cả năm là 7%. Do đó, Ngân hàng chỉ còn dư địa khoảng 1% tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm và đây là bài toán rất khó trong thời gian còn lại.

Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank không ủng hộ việc nới mạnh room tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Bởi theo ông, việc tín dụng nửa đầu năm tăng nhanh, cao gấp đôi so với huy động vốn (tăng 4,61%) là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất.

Chủ tịch Agribank: Tín dụng tiếp tục tăng mạnh sẽ gây ra cuộc đua tăng lãi suất
Mặc dù “room” tín dụng 6 tháng cuối năm chỉ còn 1%, song ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cảnh báo, nếu tín dụng tiếp tục tăng mạnh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư