Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Tín dụng tại TP.HCM ước tăng 1,8% trong quý đầu năm 2021
Vân Linh - 29/03/2021 15:15
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, ước đến hết quý 1/2021 tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng khoảng 1,8% so với đầu năm nay.

Trước đó, theo số liệu từ NHNN chi nhánh TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2021, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng 0,3%, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,5% so với cuối năm ngoái.

Tại Hà Nội, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2021 của Cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn tăng 0,6%.

Lãnh đạo các ngân hàng cho hay, quý đầu năm, nhu cầu vốn của khách hàng không cao, vì các dự án sản xuất - kinh doanh ít được khởi động trong giai đoạn này. Tín dụng tăng chậm nên nhiều khả năng toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, lạm phát chưa có dấu hiệu tăng nóng và trong mức kiểm soát nên lãi suất cả huy động và cho vay khó tăng.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán toàn ngành ngân hàng tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%).

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,47%, cao hơn con số cùng kỳ năm trước (0,68%) nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch vào cùng kỳ năm 2019 là 1,9%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%).

Ước tính với mức dư nợ khoảng 9,189 triệu tỷ đồng của nền kinh tế vào cuối năm 2020, đã có thêm khoảng 135.000 tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường.

Tổng Cục thống kê đưa ra nhận định, việc kiểm soát được dịch Covid-19 đã đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng.

Năm 2021, NHNN đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến Covid-19. Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý 1 và tiêm chủng vaccine đại trà.

Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.

Tuy nhiên, theo một quan chức của NHNN, kịch bản 3 - với mức tăng trưởng tín dụng bị siết ở mức tối đa 8% - là kịch bản vừa được lựa chọn trong bối cảnh hiện tại

Việc chọn mức tăng trưởng tín dụng 8% cho năm nay cho thấy sự thận trọng của NHNN, dù nhiều phân tích của các tổ chức tài chính chỉ ra mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức trên 12% bởi nền kinh tế vẫn đang cần chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19.

Không chỉ đưa ra các kịch bản tăng trưởng tín dụng thấp, tương tự như năm ngoái, NHNN nước tiếp tục thay đổi trong việc cấp hạn mức tín dụng trong năm 2021.

Theo đó, hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi thay từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng.

Trước đó, ngay trong tháng 1/2021, một số ngân hàng thương mại được NHNN cấp tín dụng ở mức 3-4%. Tuy nhiên, với sự tái bùng phát Covid-19 ở giai đoạn trước và sau Tết, nhiều dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021 khó tăng cao.

Cấp room tín dụng theo quý có gây áp lực cho ngân hàng?
Khác với những năm trước, hạn mức (room) tín dụng đầu năm nay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phân bổ cho các ngân hàng theo quý, thay vì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư