Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tín hiệu khả quan và cảnh báo từ diễn biến kinh tế quý I
Minh Nhung - 07/04/2024 08:52
 
Diễn biến của quý I/2024 cho thấy những tín hiệu khả quan và cũng cảnh báo một số vấn đề cần thiết.

Tín hiệu khả quan

Tín hiệu khả quan rõ nhất là tăng trưởng kinh tế quý I/2024, với tốc độ cao hơn hẳn cùng kỳ năm trước (5,66% so với 3,41%). Đây là tín hiệu của sự phục hồi, thậm chí là sự tăng tốc trong các quý sau và của cả năm 2024, với mục tiêu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thực tế 2023 (6-6,5% so với 5,05%). Đây cũng là tín hiệu của sự tăng tốc cao hơn nữa của năm 2025 để tiến sát đến việc thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong đó có mục tiêu ra khỏi mức thu nhập trung bình thấp.

Tăng trưởng cao hơn đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm - thủy sản vừa tăng trưởng so với cùng kỳ (2,98%), vừa tiếp tục là trụ đỡ của công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng vừa tăng trưởng cao hơn cùng kỳ (6,28%), vừa có tỷ trọng cao hơn (35,73%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn toàn ngành (6,98% so với 6,18%), có tỷ trọng trong GDP của cả nước cao hơn cùng kỳ. Nhóm ngành dịch vụ tăng cao (6,12%), vừa tăng về tỷ trọng trong GDP (43,48%).

Tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân so với cùng kỳ năm trước của kỳ này thấp hơn của cùng kỳ năm trước (tăng 3,77% so với tăng 4,18%). Có thể không giảm gần như liên tục như năm trước, nhưng đây là tín hiệu khả quan để cả năm tăng thấp hơn mục tiêu (4-4,5%) và là năm thứ 9 liên tục kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tăng, ngược chiều so với cùng kỳ (tăng 17% so với giảm 11,6%). Tăng trưởng đạt được ở cả hai khu vực, trong đó khu vực trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (26,2% so với 13,9%). Tăng trưởng đạt được ở 28 mặt hàng chủ yếu, trong đó có 15 mặt hàng có mức tăng cao (trên 100 triệu USD); nhiều mặt hàng vừa tăng về lượng, vừa tăng về đơn giá…

Xuất siêu hàng hóa cao hơn cùng kỳ cả về quy mô tuyệt đối (6,08 tỷ USD so với gần 4,93 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu (6,5% so với gần 6,2%). Đây là tín hiệu khả quan để năm 2024 sẽ là năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu. Xuất siêu kỳ này tích cực hơn kỳ trước là trên cơ sở xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng (tương ứng tăng 17% và tăng 13,9%), chứ không như cùng kỳ (xuất khẩu giảm 11,6% và nhập khẩu giảm sâu hơn 15,4%).

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao (72%) và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - trước đại dịch; tăng ở tất cả các châu lục, các nước và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng cao…

Các vấn đề cần cảnh báo

Bên cạnh các tín hiệu khả quan, cũng còn hạn chế và thách thức không nhỏ cần cảnh báo. Hạn chế lớn nhất là tổng cầu trong nước dù đã tăng khá hơn, nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP. Tích lũy tài sản khá, nhưng có một phần không nhỏ còn bị “chôn” vào tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp

Tăng trưởng tín dụng rất thấp (0,28%), do nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, việc đáp ứng điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại còn hạn chế. Tỷ lệ đầu tư/GDP vẫn còn cao hơn tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP, trong khi ngân sách vẫn bội chi, yếu tố tiềm ẩn của nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài.

Doanh nghiệp ra khỏi thị trường còn lớn (73.980 doanh nghiệp), tăng cao (20%), làm cho số doanh nghiệp đang hoạt động đến cuối quý I giảm 14.130 doanh nghiệp,  không đạt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025.

Thách thức về tăng trưởng không nhỏ; ngay cả khi cả năm đạt mục tiêu, thì vẫn có khả năng không đạt mục tiêu 5 năm (tăng 6,5-7%/năm). Lạm phát khó đạt mục tiêu khi cải cách tiền lương công nhân viên chức và tăng lương hưu từ ngày 1/7, cùng với yêu cầu tăng giá của một số mặt hàng, cộng hưởng với sự chuyển động của dòng tiền từ các kênh đầu tư nhiều rủi ro trở lại gây áp lực cho giá tiêu dùng… Đó là chưa kể các thách thức trên thế giới về bất ổn địa chính trị, khả năng nới lỏng tiền tệ…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế 2024
Đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024, sau khi tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,66%, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư