Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Tín hiệu sôi động trở lại của trái phiếu xanh
Thủy Triều - 21/11/2024 14:26
 
Từ đầu năm đến nay, 4 lô trái phiếu xanh đã được phát hành, cho thấy sự sôi động trở lại của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững.

Cơ cấu phát hành trái phiếu đa dạng hơn 

Báo cáo của FiinRatings về thị trường trái phiếu sơ cấp tháng 10/2024 cho biết, giá trị phát hành tháng 10/2024 giảm đáng kể so với tháng trước do quy mô phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng chậm lại, đạt 33 nghìn tỷ với 38 đợt phát hành, giảm 41,4% so với tháng trước nhưng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tháng có giá trị phát hành thấp nhất kể từ tháng 7 năm nay, chủ yếu do hoạt động chậm lại của nhóm ngành dẫn dắt thị trường là nhóm tổ chức tín dụng sau khi đã phát hành đáng kể trong tháng trước để đáp ứng các tỷ lệ an toàn cuối quý III/2024 của Ngân hàng Nhà nước. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành của cả thị trường đạt gần 348 nghìn tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng vừa qua, thông tin đáng chú ý là cơ cấu phát theo ngành nghề có phần đa dạng hơn. Trái phiếu của các tổ chức tín dụng giảm tỷ trọng còn 58% so với mức trên 80% các tháng trước đây.

Cơ cấu phát hành trên thị trường sơ cấp tháng 10/2024

Xét về cơ cấu theo ngành, nhóm các tổ chức tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị phát hành. Tuy nhiên, tỷ trọng này đã giảm đáng kể so với các tháng trước do nhiều nhóm ngành khác đã phát hành những lô trái phiếu có giá trị lớn trong tháng 10, dẫn đến cơ cấu ngành tương đối đa dạng. Một số doanh nghiệp phi ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 10 có thể kể đến Vinfast (6.000 tỷ đồng), Vinhomes (2.000 tỷ đồng) và Vietjet (2.000 tỷ đồng).

Họạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10/2024 đạt gần 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14,5% so với tháng trước. Áp lực đáo hạn trong giai đoạn cuối năm 2024 đạt 54,4 nghìn tỷ và tập trung vào nhóm doanh nghiệp phi tài chính, đặc biệt là ngành Bất động sản và Sản xuất.

Trong tháng 10, nhóm doanh nghiệp phi tài chính gia tăng gấp đôi giá trị mua lại, song ngân hàng vẫn chiếm tới 72% giá trị trong tháng 10.

4 lô trái phiếu xanh được phát hành từ đầu năm 

Báo cáo của FiinRatinsg cho rằng, yêu cầu phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán bởi Dự thảo Sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ có tác động đáng kể đến nguồn cung trái phiếu ra thị trường nếu như Dự thảo Sửa đổi Luật này được thông qua và đi vào hiệu lực.

Tuy nhiên, hiện Dự thảo Sửa đổi Luật mới chỉ đề cập “bảo lãnh bởi tổ chức tín dụng” và chưa đề cập đến việc tham chiếu đến bảo lãnh bởi các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, thị trường đã và đang chứng kiến một số lô trái phiếu xanh của các tổ chức quốc tế có xếp hạng tín nhiệm cao bao gồm CGIF (quỹ tín thác của ADB) và GuarantCo (đơn vị chuyên về bảo lãnh tín dụng thuộc Tập đoàn PIDG) và được phát hành thành công. 

Tính từ đầu năm đến 20/11/2024, đã có 04 lô trái phiếu xanh được phát hành theo Nguyên tắc Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) với tổng giá trị 6,87 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận bao gồm bởi FiinRatings về Khung Trái phiếu Xanh.

Tháng 10 vừa qua ghi nhận lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành (thuộc lĩnh vực thủy sản) được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo. Đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp phi tài chính.

Giai đoạn 2016-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,1 tỷ USD (khoảng gần 27 nghìn tỷ đồng) Trái phiếu Xanh, Xã hội và Bền vững. Trái phiếu do tổ chức phi ngân hàng phát hành thuộc nhóm này hiện có số dư khiêm tốn với các đợt phát hành từ EVNFinance (1.725 tỷ đồng), BIDV (2.500 tỷ đồng), Vinpearl (425 triệu USD), và BIM Land (101 triệu USD), chiếm 1,8% tổng giá trị thị trường, thấp hơn đáng kể so với mức 5-7% của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines. 

Năm 2024, với 4 lô trái phiếu xanh được phát hành, thị trường đang chứng kiến sự sôi động trở lại của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững. 

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh nhưng các giao dịch trái phiếu xanh được phát hành trong thời gian gần đây có phần khởi sắc hơn nhờ vào khung pháp lý cơ bản bước đầu và đặc biệt là sự tự nguyện của các thành viên trên thị trường. Thực tế các giao dịch trái phiếu xanh gần đây cho thấy đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, FiinRatings đánh giá. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư