Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 10/1: Hà Nội điều trị gần 34.000 F0 tại nhà; Quảng Ninh dừng chốt kiểm soát
D.Ngân - 10/01/2022 11:33
 
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện có gần 34.000 F0 đang được điều trị tại nhà.
TIN LIÊN QUAN

Lạng Sơn, Trà Vinh, Gia Lai tăng cao số ca mắc

Ngày 10/1, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.818 ca nhiễm mới với 35 ca nhập cảnh và 14.783 trường hợp trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 9.396 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (-303), Hải Phòng (-244), Bà Rịa - Vũng Tàu (-152).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (+177), Gia Lai (+142), Trà Vinh (+88). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.935 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.914.393 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.402 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.908.353 ca, trong đó có 1.587.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (508.247), Bình Dương (291.501), Đồng Nai (98.791), Tây Ninh (82.684), Hà Nội (70.606).

Gần 90.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 89.842 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.590.090 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.358 ca, trong đó: Thở ô-xy qua mặt nạ: 4.620 ca; Thở ô-xy dòng cao HFNC: 858 ca; Thở máy không xâm lấn: 141 ca; Thở máy xâm lấn: 716 ca; ECMO: 23 ca

Từ 17h30 ngày 09/01 đến 17h30 ngày 10/1 ghi nhận 212 ca tử vong tại TP.HCM (19) trong đó có 2 ca từ tỉnh Đồng Nai chuyển đến.

Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (28 ca trong 2 ngày), Sóc Trăng (22 ca trong 2 ngày), Hà Nội (17), Đồng Tháp (16), Bình Phước (12), Tiền Giang (12), Vĩnh Long (11), Cần Thơ (11), Khánh Hòa (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (9), Tây Ninh (8 ), Bình Dương (7), Trà Vinh (6), Hậu Giang (5), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Hải Phòng (2), Huế (2), Bình Định (2), Vĩnh Phúc (1), Quảng Nam (1), Phú Yên (1), Hải Dương (1), Đà Nẵng (1), Ninh Thuận (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 216 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.531 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.056.830 mẫu tương đương 75.756.397 lượt người, tăng 55.580 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 9/1 có 1.248.099 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 161.277.807 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.291.624 liều, tiêm mũi 2 là 71.161.335 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 11.824.848 liều.

Hà Nội: Hơn 13 triệu liều vắc-xin đã được tiêm

Chiều 10/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 9/1/2022 đến 18 giờ ngày 10/1/2022 Hà Nội ghi nhận 2.832 ca bệnh. Bệnh nhân phân bố tại 393 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (168); Hoàng Mai (165); Thanh Trì (134); Đống Đa (124); Thanh Xuân (115); Nam Từ Liêm (109); Hai Bà Trưng (100);…

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 73.790 ca.

Về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 3/2021 cho đến nay, Thành phố đã triển khai tiêm được hơn 13 triệu mũi tiêm. 

Kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố đã đạt được tỷ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2;

Tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,7% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỷ lệ 99,5% mũi 1, 89,8% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 93,9% mũi 2. 

Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai tiêm được gần 1,3 triệu mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại. Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ, ngành trên địa bàn cũng đã tiêm được hơn 1,4 triệu mũi.

Quảng Nam: 12 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đã khỏi bệnh

Trong số 14 người nhiễm biến thể Omicron, có 12 người đã được xuất viện về nhà, 2 người đang tiếp tục điều trị.

Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho hay, trong số 14 người mắc Covid-19 chủng Omicron có 12 người khỏi bệnh xuất viện, còn 2 trường hợp đang được tiếp tục điều trị do chỉ số CT chưa đạt.

Trước đó, ngày 31/12/2021, Quảng Nam ghi nhận 14 trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến thể Omicron. Đây là các trường hợp công dân Việt Nam nhập cảnh về từ Hàn Quốc và Mỹ. Các chuyến bay này đều về sân bay Đà Nẵng trong các ngày 21, 23 và 24/12.

Các ca bệnh được điều trị tại các khách sạn nơi họ đang cách ly, mỗi người một phòng. Ngoài ra, 2 trường hợp vì lo lắng nên xin vào điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở TP.Tam Kỳ.

Ngành Y tế Quảng Nam triển khai điều trị tại chỗ cho các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Tại các khách sạn có đội ngũ y bác sĩ được bố trí để điều trị cho các ca nhiễm. Sở Y tế đã giao cho Trung tâm Y tế TP.Hội An cấp thuốc, kết nối với khách sạn và người bệnh, nếu có vấn đề gì sẽ thông tin cho y tế địa phương để xử lý.

Gần 34.000 F0 tại Hà Nội đang được điều trị tại nhà

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tính đến 18h ngày 8/1, thành phố đang điều trị cho 43.695 người mắc Covid-19. Con số này chiếm gần 80% tổng lượng người mắc Covid-19 đang điều trị trên địa bàn thành phố.

 Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện có gần 34.000 F0 đang được điều trị tại nhà.

Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (126), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (215), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.842), cơ sở thu dung của thành phố (1.278), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.403). Ngoài ra, 33.831 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật lần gần nhất ngày 7/1 cho thấy Hà Nội có 1.842 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.767 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 408 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Trong đó, 336 ca phải thở ô-xy qua mặt nạ, gọng kính, 26 trường hợp thở ô-xy dòng cao (HFNC), 6 người thở máy không xâm lấn, 38 ca thở máy xâm lấn và 2 trường hợp phải lọc máu.

Mặt khác, toàn thành phố đã tiêm được tổng cộng 13.147.422 mũi vắc-xin phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 211.377, mũi nhắc lại là 978.487.

Ngoài ra, tổng số vắc-xin đã tiêm được tại các bệnh viện trung ương, ngành trên địa bàn thành phố là 1.400.323 mũi. Trong đó, số lượng mũi 1 là 824.495, mũi 2 là 575.828.

Tính tới nay, Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng - nguy cơ). Hà Nội vẫn có tới 8 quận/huyện cấp độ 3; 20 quận/huyện/thị xã cấp độ 2 và 2 địa bàn xã ở cấp độ 1 (màu xanh). Tám đơn vị hành chính cấp độ dịch 3 gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

Quảng Ninh dừng các chốt kiểm soát 

Sau 8 tháng hoạt động, tỉnh Quảng Ninh đã dừng hoạt động các chốt kiểm soát thông tin, khai báo y tế, quét mã QR code nơi cửa ngõ kể từ 00 giờ ngày 9/1/2022.

Tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành công văn hỏa tốc về việc dừng hoạt động tại các chốt kiểm soát thông tin, điểm khai báo y tế, quét mã QR code nơi cửa ngõ ra, vào tỉnh.

Cụ thể từ 00 giờ 00 phút ngày 9/1, các chốt kiểm soát thông tin, khai báo y tế, quét mã QR code ra, vào tỉnh sẽ dừng hoạt động. 

Việc kiểm soát khai báo y tế qua ứng dụng PC-COVID cho người, phương tiện tại các chốt kiểm soát thông tin ra, vào tỉnh sẽ chuyển về các địa phương (cấp phường, xã), nơi tập trung đông người, cơ sở sản xuất kinh doanh... trên cơ sở đảm bảo điều kiện 100% người, phương tiện vào địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo y tế và phải được kiểm soát.

Đối với các trang thiết bị, cơ sở vật chất đã được lắp dựng tại các trạm khai báo y tế điểm ra vào tỉnh, giao cho các địa phương TP.Uông Bí, Thị xã Quảng Yên, Thị xã Đông Triều, TP.Hạ Long, huyện Tiên Yên, Ba Chẽ chịu trách nhiệm quản lý và tự bảo quản. 

Đồng thời có phương án sẵn sàng khôi phục chuyển trạng thái hoạt động các thiết bị cơ sở vật chất ngay trong 24 giờ khi có tình huống dịch bệnh cấp thiết nảy sinh hoặc theo chỉ đảo cấp có thẩm quyền.

Trước đó, ngày 7/5/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành công văn hỏa tốc về việc tái khởi động 14 chốt kiểm dịch COVID-19 ở cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn và Bắc Giang.

Các chốt đặt tại trạm Km15 quốc lộ 18, TP.Móng Cái; trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; quốc lộ 10 đoạn qua Đá Bạc, từ Uông Bí đi Hải Phòng. Ba chốt tại địa bàn Tiên Yên là ngã ba Yên Than và quốc lộ 4B đường đi Lạng Sơn, quốc lộ 279 đi Bắc Giang thuộc xã Tân Dân, TP Hạ Long.

Người qua lại các chốt kiểm soát phải xuất trình chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ tương đương kèm theo sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú (chấp nhận sử dụng bản phô tô). Thực hiện áp dụng toàn bộ khai báo y tế điện tử tại các chốt kiểm soát trên địa bàn toàn tỉnh.

TP.HCM nâng tỷ lệ tiêm vắc-xin ở nhóm nguy cơ cao

Trong một tháng qua, các quận, huyện tại TP.HCM đã lập danh sách quản lý được 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, phát hiện 25.642 người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4%).

Trong 2 đợt xét nghiệm tầm soát, Sở Y tế đã phát hiện 5.437 người mắc Covid-19 (đợt 1 xét nghiệm được 597.701 người, đợt 2 xét nghiệm 570.014 người). Trạm y tế, Trạm y tế lưu động đã phân loại và đồng ý cho 4.670 F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà (86,4%), có 4.471 người được sử dụng ngay thuốc kháng virus; 767 F0 được chuyển đến cơ sở điều trị để được chăm sóc, điều trị (13,6%).

Tính đến ngày 8/1, 18.007 người thuộc nhóm nguy cơ (70,2%) chưa tiêm chủng đã được thuyết phục và tiêm vắc-xin. Sở Y tế chỉ đạo các quận huyện đang tăng tốc tiêm vắc-xin, cố gắng đến ngày 20/1 sẽ vận động tiêm 100% cho những người thuộc nhóm nguy cơ.

Tất cả danh sách người F0 thuộc nhóm nguy cơ được chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.

Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ được UBND TP.HCM phát động ngày 7/12/2021, mục tiêu là tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19.

Chiến dịch gồm 6 hành động, gồm rà soát người nguy cơ theo từng hộ gia đình; xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần, cách nhau 3 ngày để tìm F0 ở nhóm này.

Tăng cường truyền thông, bảo vệ nhóm nguy cơ; tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 tại nhà; cấp phát thuốc kháng virus cho F0 và chăm sóc sức khỏe từ xa.

Theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến trong năm 2022, TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người nguy cơ thuộc nhóm mở rộng, bao gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc-xin.

Từ cuối tháng 12/2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có nhiều tín hiệu khả quan. Đồ thị số trường hợp mắc mới, nhập viện và ca tử vong liên tục giảm mạnh.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có 503.921 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện tại, TP.HCM trở thành vùng xanh- cấp độ dịch bình thường mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư