Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 11/3: Không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá xét nghiệm Covid-19
D.Ngân - 11/03/2022 11:21
 
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19.
TIN LIÊN QUAN

Nước ta có thêm hơn 169.000 ca Covid-19, còn gần 4.000 bệnh nhân nặng

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 169.114 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 24 ca nhập cảnh và 169.090 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố (tăng 8.429 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 4.224 ca), Hà Nội (tăng 1.742 ca), Phú Yên (tăng 839 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Giang (giảm 2.162 ca), TP.HCM (giảm 628 ca), Hải Phòng (giảm 236 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 153.998 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 5.448.935 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 55.161 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.441.358 ca, trong đó có 2.980.405 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (563.711), Hà Nội (553.422), Bình Dương (333.504), Bắc Ninh (212.056), Nghệ An (194.263).

Còn hơn 3.900 bệnh nhân nặng đang điều trị

Về tình hình điều trị, có thêm 74.857 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.983.222.

Ngoài ra, hiện có 3.990 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 3.105 ca thở ô xy qua mặt nạ, 440 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 125 ca thở máy không xâm lấn, 317 ca thở máy xâm lấn và 3 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 10/3 đến 17h30 ngày 11/3, nước ta ghi nhận 71 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 83 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.228 ca, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội: Thêm 31.899 ca Covid-19 sau 24h

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 10/3 đến 18h ngày 11/3, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 31.899 ca Covid-19 (tăng 1.742 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 11.791 ca cộng đồng và 20.108 ca đã cách ly. Quận Hoàng Mai là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 31.899 bệnh nhân phân bố tại 541 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (2.112); Hà Đông (1.984); Sóc Sơn (1.972); Long Biên (1.896); Thanh Trì (1.820).

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 10/3, thành phố có gần 621.500 ca dương tính đang điều trị, theo dõi (giảm hơn 24.000 ca so với ngày 9/3). Trong đó, có hơn 616.500 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm 99%); hơn 580 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã (giảm 20 ca). 

Ngoài ra, có 4.375 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố (giảm gần 280 ca) và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Hiện, tổng số lượt bệnh nhân được điều trị khỏi là 956.257 người (tăng 60.871 người so với ngày 9/3).

Ngày 10/3, Hà Nội có 11 ca Covid-19 tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 (tính từ ngày 27/4/2021 cho đến nay) là 1.228 người.

Nghiêm cấm lợi dụng dịch bệnh để tăng giá

Ngày 10/3/2022, Bộ Y tế ban hành công văn số 1157/BYT-KHTC đề nghị Sở Y tế, Y tế Bộ ngành, cơ sở y tế công lập và tư nhân trên toàn quốc thực hiện quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19. 

Trong đó công văn, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương quy định mức giá trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế áp dụng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc các Bộ, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BYT ngày 18/02/2022

Đối với việc thu và thanh toán chi phí xét nghiệm từng đối tượng thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các cơ sở y tế lưu ý thực hiện phương pháp xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả.

Trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn hoặc mức giá của mẫu gộp thấp hơn (ví dụ gộp mẫu 10 nhưng áp mức giá gộp mẫu 5) để thu và thanh toán với người bệnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Bảo đảm đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh.

Cơ sở y tế không được thu thêm của người bệnh hoặc yêu cầu người bệnh tự chi trả các chi phí liên quan đến việc thực hiện xét nghiệm (ví dụ tự mua test xét nghiệm nhanh).

Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định: Không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, đồng thời phải thực hiện việc quyết định mức giá, kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (Trường hợp cần thiết báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn). 

Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Sở/Ban/Ngành liên quan hoặc báo cáo UBND các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh xin ý kiến chỉ đạo để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư. Trường hợp quá khả năng báo cáo bằng văn bản về Bộ Y tế để kịp thời hướng dẫn, giải quyết

Dữ liệu sức khỏe cá nhân được thiết lập đồng bộ với mã số công dân

Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022. Mục tiêu mà kế hoạch đặt ra là bước đầu hình thành kho dữ liệu y tế, đặc biệt là lưu trữ dữ liệu từ các hệ thống thông tin do Bộ Y tế là chủ quản nhưng chưa thuộc quản lý của Bộ Y tế; 

Hình thành phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu để khai thác kho dữ liệu, hướng tới đào tạo nhân lực về khoa học dữ liệu ngành y tế.

Đồng thời sẽ triển khai mở rộng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trong nhiều lĩnh vực, hướng tới bao phủ toàn dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Dữ liệu sức khỏe cá nhân được thiết lập đồng bộ với mã số công dân.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhà nước về dược, trang thiết bị y tế, trong một số lĩnh vực chuyên môn và phục vụ phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo tính chủ sở hữu của Bộ Y tế và tính hiệu quả của các kết quả.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về y tế, bước đầu hình thành hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm trực tuyến...

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện hạ tầng công nghệ thông tin của ngành hiện chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu y tế tập trung để khai thác, phục vụ quản lý nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành; chưa có cơ chế cho việc khai thác dữ liệu và quy định về chủ sở hữu tài sản trí tuệ hình thành thông qua hợp tác ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành y tế.

Các đơn vị thuộc Bộ Y tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư thực hiện các dự án về công nghệ thông tin y tế;

Thiếu nguồn lực để triển khai đồng bộ nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, đặc biệt các nguồn lực về tổ chức thực hiện, triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong các lĩnh vực khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư