Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 13/2: Thêm thuốc điều trị Covid-19 được cấp phép; Dịch căng thẳng tại Nam Định
D.Ngân - 13/02/2022 10:10
 
FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng thể bebtelovimab của hãng dược Eli Lilly & Co (Mỹ) để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên.

Thêm 26.372 ca Covid-19 mới tại 58 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 12/2 đến 16h ngày 13/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 26.379 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 26.372 ca ghi nhận trong nước (giảm 930 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 18.269 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (-569), Gia Lai (-525), Nghệ An (-384). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+535), Thái Nguyên (+303), Hải Dương (+225).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 24.119 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 197 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.510.860 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.427 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.503.698 ca, trong đó có 2.223.937 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

7.815 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.226.754 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.610 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 1.943 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 301 ca; thở máy không xâm lấn là 81 ca; thở máy xâm lấn là 269 ca; ECMO là 16 ca

Từ 17h30 ngày 12/2 đến 17h30 ngày 13/2 ghi nhận 84 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 89 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.946 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.713.695 mẫu tương đương 77.773.547 lượt người, tăng 55.724 mẫu so với ngày trước đó. Trong ngày 12/2 có 476.560 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 185.731.134 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.212.013 liều, tiêm mũi 2 là 74.723.923 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 31.795.198 liều.

Hà Nội có 2.940 F0 mới, 744 ca cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 12/2/2022 đến 18 giờ ngày 13/2/2022 ghi nhận 2.940 ca bệnh (744 ca cộng đồng; 2.196 ca đã cách ly).

Bệnh nhân phân bố tại 412 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (205); Đông Anh (190); Chương Mỹ (172); Nam Từ Liêm (164); Bắc Từ Liêm (153).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 171.738 ca.

Tới hết ngày 12/2, tại Hà Nội đang có hơn 84.000 F0 đang điều trị, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 3.000 ca/ngày.

Trong đó có hơn 76.400 F0 điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 91%). Ngoài ra, có 723 ca đang điều trị tại các cơ sở thu dung thành phố và quận, huyện. 2.994 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Số còn lại 338 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cảnh giác với biến thể Omicron

Trước tình hình số ca mắc gia tăng tại nhiều địa phương, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch Covid-19, trong đó đặc biệt chú ý tới biến thể Omicron. 

FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng thể bebtelovimab của hãng dược Eli Lilly & Co (Mỹ) để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên.

Bộ này đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 và hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin; 

Rà soát, tiêm vét cho đối tượng nguy cơ cao, không bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng. 

Các địa phương, nhất là các thành phố lớn cần rà soát và lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng Covid-19. 

Chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ngành Y tế trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin trong quý I/2022, góp phần kiểm soát dịch bệnh. 

Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hóa... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm; bố trí cơ sở, đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng... 

Sau khi Chính phủ đã đồng ý và triển khai mua vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị để việc tiêm theo khuyến cáo về mặt khoa học, bảo đảm hiệu quả, thực hiện thận trọng
từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...

Cấp phép cho thuốc điều trị Covid-19 của hãng dược Eli Lilly & Co

Ngày 11/2, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng thể Bebtelovimab của hãng dược Eli Lilly & Co (Mỹ) để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên.

Theo đó, thuốc Bebtelovimab được dùng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc trung bình nhưng có nguy cơ cao diễn tiến nặng, bao gồm cả nhập viện hoặc tử vong. FDA cho biết thuốc kháng thể này có hiệu quả chống lại biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên thế giới hiện nay.

Thuốc bebtelovimab được chỉ định dùng khi các phương pháp điều trị đã được cấp phép khác không thể tiếp cận hoặc không phù hợp về mặt lâm sàng.

Tháng 1 vừa qua, FDA đã sửa đổi giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với phương pháp điều trị bằng hỗn hợp kháng thể của Eli Lilly và một liệu pháp tương tự từ đối thủ Regeneron (Mỹ) sau khi phát hiện 2 loại thuốc này không hiệu quả trước biến thể Omicron.

Eli Lilly cho biết thuốc Bebtelovimab vẫn duy trì hiệu quả chống biến thể Omicron và biến thể phụ BA. 2 của nó.

Ngày 10/2, hãng này đã ký hợp đồng cung cấp 600 nghìn liều thuốc bebtelovimab với chính phủ Mỹ, dự kiến sẽ bàn giao vào cuối tháng 3.

Bebtelovimab ban đầu được phát hiện bởi công ty công nghệ sinh học AbCellera Biologics có trụ sở tại British Columbia, Canada, sau đó được cấp phép và phát triển bởi Eli Lilly.

Dịch căng thẳng tại Nam Định

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, ngày 12/2, tỉnh ghi nhận tới 1.842 ca Covid-19 mới, tăng gần 600 ca so ngày 11/2. 

Theo Sở Y tế Nam Định, tình hình dịch tại đây trở nên rất căng thẳng sau Tết Nguyên đán, thời điểm khi nhiều người phát bệnh do đã tiếp xúc với người thân từ nơi xa về trước đó.

Trong các ca bệnh mới, phổ biến nhất là các F1 trở thành F0 do tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, cùng với những người có biểu hiện triệu chứng Covid-19 như: ho, sốt, đau họng trong cộng đồng. 

Ngoài ra, còn nhiều ca bệnh bị lây nhiễm trong môi trường sản xuất tại các doanh nghiệp, công ty; trong môi trường giáo dục, khi nhiều khối lớp đón học sinh trở lại.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nam Định, nguyên nhân dịch diễn biến phức tạp là do ý thức tuân thủ, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân chưa tốt, còn lơ là, chủ quan; năng lực y tế tại cơ sở còn hạn chế; một số địa phương chưa chủ động thành lập và bảo đảm các điều kiện để vận hành trạm y tế lưu động.

Trước tình hình này, Nam Định đã thành lập 4 đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp trên địa bàn 10 huyện, thành phố trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Nam Định yêu cầu các cấp, ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và đội thông tin lưu động, để nâng cao ý thức của người dân trong tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là 5K, khai báo y tế, chủ động xét nghiệm khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở...

Các huyện, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mùa xuân năm 2022 theo tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, nhất là tập trung đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho những người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm hoàn thành trong tháng 3/2022; 

Tổ chức ít nhất một địa điểm tiêm cố định và thông báo rộng rãi, công khai để mọi người dân đến tiêm khi đủ điều kiện.

Ngành Y tế tiếp tục tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm “vét” vắc-xin ngay tại nhà cho những người chưa được tiêm đủ mũi vì không thể đến nơi tiêm tập trung; bảo đảm không bỏ sót người đủ điều kiện tiêm. 

Sở Y tế, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế.

Các huyện, thành phố cần chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm việc cách ly F1, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà; 

Kiểm soát nghiêm ngặt việc cách ly, điều trị tại nhà theo quy định; bảo đảm đầy đủ các điều kiện vận hành ít nhất một trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ.

Thực hư thông tin thuốc Molnupiravir bị loại khỏi danh mục thuốc điều trị Covid-19
Theo Bộ Y tế, Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) không loại Molnupiravir ra khỏi danh sách các thuốc điều trị Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư