Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 1/4: Nhóm trẻ nào cần trì hoãn tiêm chủng
D.Ngân - 01/04/2022 11:21
 
Theo đại diện Bộ Y tế, đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Thêm 72.556 ca Covid-19 mới sau 24h

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 72.556 ca nhiễm mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh và 72.555 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (giảm 8.272 ca so với ngày trước đó). Đây cũng là ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 tử vong thấp nhất trong thời gian qua.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hải Dương (giảm 1.649 ca), Hưng Yên (giảm 603 ca), Cao Bằng (giảm 357 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Vĩnh Phúc (tăng 163 ca), Bình Dương (tăng 155 ca), Đắk Nông (tăng 68 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 86.561 ca/ngày. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.650.663 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 97.615 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.642.929 ca, trong đó có 7.603.659 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.782.516), TP.HCM (595.310), Nghệ An (395.097), Bình Dương (377.548), Hải Dương (345.273).

Hơn 87.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 87.463 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 7.606.476.

Ngoài ra, hiện có 2.541 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 1.704 ca thở ô-xy qua mặt nạ, 213 ca thở ô-xy dòng cao HFNC, 59 ca thở máy không xâm lấn, 209 ca thở máy xâm lấn. 

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 31/3 đến 17h30 ngày 1/4 ghi nhận 33 ca tử vong tại 22 tỉnh, thành phố.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 47 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.526 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội: Hơn 0,6% F0 điều trị tại bệnh viện

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 31/3 đến 18h ngày 1/4), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 7.734 ca Covid-19 mới, giảm gần 300 ca so với ngày hôm qua. 

Cụ thể, 7.734 bệnh nhân được ghi nhận trong 24 giờ qua phân bố tại 329 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (813); Long Biên (470); Sóc Sơn (462); Hoàng Mai (356); Bắc Từ Liêm (338); Nam Từ Liêm (329).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (tính từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 1.483.054 ca.

Cũng theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 31/3, Hà Nội có gần 194.000 ca nhiễm Covid-19 theo dõi, điều trị tại nhà; 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.254 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,63% tổng ca đang theo dõi, điều trị).

Số F0 phải nhập viện và F0 nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang giảm dần trong thời gian gần đây.

Hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội chỉ khoảng 0,1% tổng số ca đang theo dõi, điều trị.

Cụ thể là trong số các bệnh nhân đang điều trị tại viện có 896 F0 ở mức độ trung bình, 199 ca nặng, nguy kịch.

Trong số các ca nặng nguy kịch có 169 ca phải thở mặt nạ ô-xy, gọng kính; 3 ca phải thở ô-xy dòng cao HFNC; 12 ca thở máy không xâm lấn; 15 ca phải thở máy xâm lấn...

Đặc biệt, trong 4 ngày gần đây Hà Nội không có ca Covid-19 nào tử vong. Tổng số ca tử vong trong gần 1 năm nay của Hà Nội là 1.320 ca trên tổng số gần 1,5 triệu ca ghi nhận, báo cáo. Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong tại Hà Nội là rất thấp, chỉ chiếm 0,09%.

Trẻ mắc Covid-19 sau 3 tháng có thể tiêm vắc-xin

Trước thắc mắc của một số địa phương về cần thống nhất nên tiêm cho trẻ đã từng nhiễm Covid-19 như thế nào, PGS.TS Dương Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đối với trẻ đã nhiễm vắc-xin, thống nhất là 3 tháng sau khi khỏi, không gặp những vấn đề phản ứng nặng sau nhiễm thì tiêm vắc-xin. 

Theo đại diện Bộ Y tế, 3 tháng sau nhiễm Covid-19, trẻ nên tiêm vắc-xin.

Theo ông Lân, trẻ em mắc Covid-19 nhẹ cũng cần tiêm vắc-xin vì nhẹ nên miễn dịch của trẻ chưa đầy đủ. Bởi theo các nghiên cứu tổng quan, sau 3 tháng tình trạng hậu Covid-19 kể cả MIS-C sẽ hồi phục. 

Tuy nhiên, theo ông Lân, những trẻ có triệu chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) cần phải khám ở cơ sở y tế, có sàng lọc xem hết triệu chứng MIS-C chưa để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm. 

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Bên cạnh đó, theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, Hội đồng tư vấn đã đồng thuận đưa ra khuyến cáo với trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. 

Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.

Chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc Covid-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa). 

Hội đồng tư vấn khuyến cáo, khi trẻ có MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.

Tiêm cho trẻ theo hình thức cuốn chiếu

Những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên ngoài trường hợp từng có hội chứng MIS-C còn các trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc,…).

Các trường hợp cần thận trọng tiêm chủng là nhóm trẻ tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; bé rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý,…

PGS.TS.Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5-12 tuổi ít hơn so với trẻ trên 12 tuổi.

Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn, tuy nhiên, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan. Ba ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24, tránh vận động mạnh.

Về phương thức triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. 

Việc triển khai tiêm sẽ tiêm trước cho nhóm tuổi lớn, từ 11 tuổi, tức trẻ học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc-xin được cung ứng.

WADA khuyến cáo tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho các vận động viên
WADA khẳng định các loại vắcxin ngừa COVID-19 không chứa các thành phần hoặc hóa chất trong danh sách bị cấm hoặc cản trở quá trình phân tích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư