Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 21/1: Trên 70% ca tử vong do Covid-19 là chưa tiêm vắc-xin
D.Ngân - 21/01/2022 09:43
 
Số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên dưới 200 ca/ngày, chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vắc-xin.

Thêm 15.901 ca mắc Covid-19, Hà Nội có 2.805 F0

Trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.935 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 15.901 ca ghi nhận trong nước (giảm 736 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.912 ca trong cộng đồng).

Dù vẫn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, Hà Nội đang có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi có ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận lượng người dương tính giảm (từ gần 3.000 còn khoảng 2.800 trường hợp).

Đà Nẵng và Hải Phòng cũng có tốc độ ghi nhận ca nhiễm mới tăng cao trong thời gian gần đây và lần lượt xếp ở vị tri thứ 2, 3 cả nước với 964.796 người.

Một số địa phương cũng có số ca mắc mới trên 500 người là: Hưng Yên (685), Bến Tre (618), Thanh Hóa (509).

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Khánh Hòa (-233), Bình Định (-101), Trà Vinh (-92).

Ngược lại, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên (+56), Hải Phòng (+50), Phú Thọ (+45).

133 ca mắc biến chủng mới Omicron

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 133 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron tại Hà Nội (12), Quảng Nam (27), TP.HCM (65), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.110.737 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 21.386 ca nhiễm).

Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.104.196, trong đó, 1.794.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (512.422), Bình Dương (292.400), Hà Nội (102.715), Đồng Nai (99.581), Tây Ninh (86.790).

Hơn 2.000 F0 khỏi bệnh

Trong ngày 21/1, Bộ Y tế công bố 2.256 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 1.797.180 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.567 ca, trong đó, 3.082 trường hợp thở ô-xy qua mặt nạ, 739 ca thở ô-xy dòng cao (HFNC), 132 ca thở máy không xâm lấn, 594 ca thở máy xâm lấn và 20 trường hợp can thiệp ECMO.

Trong 24 giờ qua ghi nhận 177 ca tử vong. TP.HCM có 8 trường hợp, trong đó có một ca từ Long An chuyển đến.

Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (33 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (21 ca trong 2 ngày), Sóc Trăng (14 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (13), Đồng Tháp (9), Kiên Giang (8), Cần Thơ (8), Huế (7), An Giang (7), Tiền Giang (7), Hải Phòng (6 ca trong 2 ngày), Bến Tre (4), Hậu Giang (4), Bình Phước (3), Tây Ninh (3), Bình Dương (3), Bạc Liêu (3), Cà Mau (3), Bình Định (2), Lâm Đồng (2), Ninh Bình (2), Bắc Ninh (1), Quảng Ninh (1), Trà Vinh (1), Hải Dương (1), Hà Giang (1), Đà Nẵng (1), Bình Thuận (1).

Trong ngày 20/1, 1.151.381 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số đã được tiêm là 173.708.365 liều, trong đó tiêm một mũi là 78.752.251 liều, tiêm mũi 2 là 73.571.085 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc lại và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 21.385.029 liều.

Bình Định đề nghị chấm dứt cách ly người về quê đón Tết

Những ngày vừa qua, nhiều người dân học tập, làm ăn xa khi về quê ở thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn (Bình Định) bất ngờ với quy định cách ly tại nhà 7 đến 14 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế tỉnh Bình Định đều có văn bản không hạn chế, cách ly người về địa phương này đoàn tụ gia đình.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định địa phương không có chủ trương nào ngăn cản người dân về quê ăn Tết.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mỗi tỉnh, thành quy định một kiểu đối với người dân về quê ăn Tết đã khiến cho việc hồi hương thêm khó khăn.

Còn lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Định khẳng định, địa phương không có quy định cách ly hay hạn chế đi lại đối với người đến, về tỉnh đón Tết.

Tuy nhiên, ngành Y tế sẽ giám sát người về từ vùng dịch theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 128 của chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt dịch Covid-19 và khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.

Hiện, ngành Y tế Bình Định chuẩn bị đầy đủ thuốc men và các thiết bị y tế khác để đảm bảo công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà.

Quảng Ninh: Lập Tổ tư vấn y tế điều trị, chăm sóc F0 qua đường dây nóng

Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập Tổ tư vấn y tế điều trị, chăm sóc F0 qua đường dây nóng.

Tổ tư vấn có 15 bác sĩ thuộc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện số 1 (Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái), Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Phổi Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy.

Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ tiếp nhận các cuộc gọi từ hệ thống đường dây nóng để kịp thời giải đáp về phòng, chống dịch Covid-19 và tư vấn về điều trị, chăm sóc F0.

Các bác sĩ chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn, các quy định, hướng dẫn về điều trị, chăm sóc F0 để tư vấn, hỗ trợ người dân. Thành viên Tổ tư vấn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định hiện hành.

Số ca F0 tử vong giảm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4/2021) với chủng virus Delta và sau này là chủng Omicron, đa nguồn lây, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh.

Trên 70% ca tử vong do Covid-19 là chưa tiêm vắc-xin.

Số ca nhiễm, đặc biệt là cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm.

Số ca nhiễm và tử vong/triệu dân dù tăng nhanh so với năm 2020 nhưng vẫn được kìm giữ ở mức trung bình thấp so với toàn cầu. 

Tỷ lệ tử vong của các nhóm tuổi trên tổng số ca tử vong là: 0-2 tuổi là 0,19%; 3-13 tuổi là 0,06%; 13-17 tuổi là 0,09%; 18-49 là gần 17,9%; 50-64 là khoảng 38,72%; trên 65 tuổi là 43,04%. Tỷ lệ tử vong tại TP.HCM là 4%, An Giang 3%, Tiền Giang 2,7%, Long An 2%, Kiên Giang 1,8%.

Theo thống kê sơ bộ, số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên dưới 200 ca/ngày, chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vắc-xin.

Tại TP.HCM, có 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin. Tương tự tại TP.Hà Nội, trong 9 tháng qua Thành phố có hơn 570 ca tử vong, trong đó 85-87% số tử vong là người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc-xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại, cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn kéo dài; đáng lo ngại là sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nếu biến thể mới này lan tràn sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Vì vậy, thời gian tới vẫn tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong. 

Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.

Gần 50% F0 ở Sơn La đang cách ly, điều trị tại nhà

Luỹ kế từ ngày 5/10/2021 đến nay, toàn tỉnh Sơn La ghi nhận 2.697 trường hợp F0. Trong đó, 1.889 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện; 2 bệnh nhân tử vong (Yên Châu và Mộc Châu, do suy kiệt tuổi già, bệnh lý nền); 806 bệnh nhân đang điều trị.

Do số ca mắc tăng cao nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sơn La đã mở rộng triển khai quản lý, điều trị người mắc Covid-19 theo mô hình trạm y tế lưu động với phương châm "4 tại chỗ"; 

Bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác cho trạm y tế lưu động có thể cung cấp dịch vụ y tế tại chỗ hoặc theo dõi điều trị F0 tại nhà. Hiện toàn tỉnh có 393 bệnh nhân F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.

Theo CDC Sơn La, các F0 thực hiện cách ly y tế tại nhà sẽ áp dụng đúng quy định của Bộ Y tế; được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, chế độ ăn uống, sinh hoạt đồng thời chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất cho người bệnh.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng như chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả, tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chinh trị và nhân dân chung sức, phát huy tính cộng đồng trách nhiệm và giá trị tốt đẹp của văn hóa "làng, xã" trong phòng, chống dịch.

Nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này đó là các nhóm liên gia tự quản. Từng nhóm liên gia tự quản xác định công việc cụ thể của cộng đồng dân cư trong nhóm để đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, bảo vệ sức khỏe cho dân cư trong nhóm. Đồng thời, đảm bảo các hoạt động thường xuyên gắn với phát triển kinh tế, xã hội.

Trong trường hợp xuất hiện ca bệnh trong nhóm dân cư, bình tĩnh triển khai các công việc để khống chế dịch nhanh, gọn, không để lây lan phát tán, kéo dài dịch bệnh trong nhóm dân cư. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tính cộng đồng trách nhiệm của từng hộ dân, từng người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh…

Theo đánh giá cấp độ dịch trong toàn tỉnh, hiện Sơn La có 167 xã, phường, thị trấn ở Cấp độ 1; 28 xã, phường, thị trấn ở Cấp độ 2.

Cấp độ 3 có các xã Mường Bang, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên; xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; phường Quyết Tâm, phường Chiềng Sinh, xã Hua La, thành phố Sơn La.

Cấp độ 4 gồm xã Mường Lang, huyện Phù Yên; xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn và xã Chiềng Ân, huyện Mường La.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư