Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 22/2: Ấn Độ phê duyệt vắc-xin thứ hai cho trẻ em
D.Ngân - 22/02/2022 09:05
 
Tổng cục quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp với vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai cho trẻ em từ 12-18 tuổi.

Số ca nhiễm mới tại nước ta tăng thêm 55.879 ca

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 8 ca nhập cảnh và 55.871 ca trong nước (tăng 9.010 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (tăng 1.383 ca), Bắc Giang (tăng 878 ca), Lào Cai (tăng 875 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Thanh Hóa (giảm 262 ca), Thái Nguyên (giảm 217 ca), Quảng Bình (giảm 211 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 43.605 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 21/2 đến 16h ngày 22/2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới, trong đó, có 8 ca nhập cảnh và 55.871 ca tại 62 tỉnh, thành phố (gồm có 39.728 ca tại cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.890.252 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 29.261 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.882.983 ca, trong đó có 2.302.264 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (522.142), Bình Dương (294.271), Hà Nội (210.681), Đồng Nai (100.574), Tây Ninh (89.228).

Thêm hơn 10.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 10.412 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.305.081 ca. Ngoài ra, có 3.434 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 21/2 đến 17h30 ngày 22/2, nước ta ghi nhận 77 ca tử vong tại: Hà Nội (17), Thanh Hóa (8 ca trong 2 ngày), Nghệ An (6), Bình Định (4), Kiên Giang (4), Phú Yên (4), Đà Nẵng (3), Đắk Lắk (3), Hòa Bình (3), Vĩnh Long (3), Bình Phước (2), Hải Phòng (2), Khánh Hòa (2), Lâm Đồng (2), Nam Định (2), Sóc Trăng (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Ninh Bình (1), Quảng Ngãi (1), Thái Bình (1), thành phố Hồ Chí Minh (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 80 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.682 ca, chiếm tỷ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), số tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số ca Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục tăng cao, lên 6.860 ca trong 24 giờ qua

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 21/2 đến 18h ngày 22/2, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 6.860 ca Covid-19 (tăng 1.382 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.977 ca cộng đồng; 4.883 ca đã cách ly. 

Cụ thể, 6.860 bệnh nhân phân bố tại 517 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (435), Hoàng Mai (423), Nam Từ Liêm (393), Sóc Sơn (377), Bắc Từ Liêm (329).

Như vậy, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 213.855 ca.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.

Thêm lựa chọn tiêm vắc-xin cho trẻ em

Vắc-xin có tên gọi Corbevax, do công ty dược nội địa Biological E nghiên cứu và phát triển. Corbevax loại vắc-xin thứ 2 được chấp thuận sử dụng cho trẻ em tại Ấn Độ, sau Covaxin của hãng dược phẩm Bharat Biotech. 

Tổng cục quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã phê duyệt giấy phép sử dụng khẩn cấp với vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai cho trẻ em từ 12-18 tuổi.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Tổng cục quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng vắc-xin Covaxin đối với trẻ em trên 12 tuổi.

Corbevax là vắc-xin “tiểu đơn vị tái tổ hợp”, được phát triển từ một thành phần của protein đột biến trên bề mặt virus. 

Theo các chuyên gia, vắc-xin này an toàn và có mức độ sinh miễn dịch và kháng thể cao hơn so với một số vắc-xin véc-tơ khác.

Cùng ngày, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) cũng đã nộp đơn lên Tổng cục quản lý dược phẩm Ấn Độ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covovax cho nhóm 12 đến 17 tuổi.

Về vắc-xin Covaxin, theo nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO, Covaxin mang lại lợi ích vượt trội so với nguy cơ rủi ro. Chế phẩm này cũng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của WHO về khả năng ngăn ngừa Covid-19.

Quyết định này sẽ mở đường cho vắc-xin Covaxin được chấp thuận ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp. Ngoài ra, quyết định cũng giúp cho hàng triệu người Ấn Độ đã được tiêm vắc-xin có thể đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn.

Tỷ lệ F0 nặng, tử vong tăng nhẹ

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 20/2, cho thấy Hà Nội có 769 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, Thành phố đang điều trị cho 3.104 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 731 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 9,2% so với trung bình 7 ngày trước).

Trong đó, 643 ca phải thở ô-xy qua mặt nạ, gọng kính, 22 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 33 người thở máy không xâm lấn, 31 ca thở máy xâm lấn, một bệnh nhân được lọc máu và một trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Trên phạm vi cả nước, sau gần 2 tuần, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam tăng trở lại mốc 100 trường hợp.

Dịch tại Thanh Hóa liên tiếp ở mức 4 con số

Chiều 21/2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận thêm 1.276 bệnh nhân Covid-19, trong đó, có 361 người phát hiện ngoài cộng đồng, 497 bệnh nhân ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 418 người đang cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Hai ngày qua, số lượng người mắc Covid-19 ở Thanh Hóa tăng lên bốn con số, bình quân 1.234 ca/ngày. 

Để phòng chống dịch lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, các ngành, địa phương đánh giá, dự báo tình hình dịch sát, đúng để điều hành chống dịch linh hoạt, hiệu quả, nhất là phân loại, công bố cấp độ dịch để có biện pháp phù hợp, xem xét vấn đề điều trị, thuốc điều trị. 

Bệnh viện Covid-19 số 1 đã quá tải, sẵn sàng tái vận hành cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 số 2; tiếp tục vận động người dân chủ động test nhanh kháng nguyên, phải nâng lên một mức trong thực thi các biện pháp phòng, chống dịch.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Y tế phải cập nhật kịp thời, đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương như điều trị F0, công bố cấp độ dịch; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, nhất là tiêm mũi 3 cho người thuộc diện tiêm chủng phòng Covid-19.

Số ca mắc tại Thái Bình đạt đỉnh

Tính từ 14 giờ ngày 20/2 đến 14 giờ ngày 21/2, địa phương phát hiện tổng cộng 1.103 ca F0 mới. Đây là số bệnh nhân được xác định mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay trong một ngày.

Qua theo dõi, đây là ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng nhiều hơn số ca đang áp dụng biện pháp cách ly tại nhà và cơ sở y tế. 

Điều này cho thấy thực tế, nguồn lây đang xuất hiện và lây lan qua nhiều chu kỳ trong cộng đồng. Việc bóc tách F0 là điều bất khả thi và thực sự khó khăn đối với chính quyền địa phương, mà chủ lực là ngành y tế.

Mối lo lớn nhất vẫn là các bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng thông qua tự test nhanh kháng nguyên tại gia đình, nhưng không chủ động và tự giác thông tin cho chính quyền sở tại và y tế cơ sở. 

Nếu tự do đi lại, giao lưu ngoài cộng đồng, thì mức độ lây lan dịch bệnh trong các ngày tới sẽ tiếp diễn với mức độ trầm trọng hơn.

Tỉnh Thái Bình đang chú trọng vào việc tập trung cách ly F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên, Sở Y tế thừa nhận, nhân lực thực hiện chăm sóc, điều trị cho đối tượng này chủ yếu do Trạm Y tế xã, phường đảm trách, gây quá tải cho hệ thống y tế cơ sở. Về lâu dài, có thể dẫn đến nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe F0, tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Liên quan đến những bất cập trong điều trị F0 tại nhà, được biết Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã có công văn mới thay thế một số nội dung trong hướng dẫn ngày 8/2 vừa qua về quản lý, cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Bên cạnh đó, yêu cầu thực hiện chuyển tầng điều trị F0 lên các cơ sở thu dung, điều trị tầng 1 của huyện, thành phố; bệnh viện tầng 2, tầng 3. 

Cụ thể, nhân viên y tế sau khi kiểm tra, đánh giá F0, căn cứ theo các tiêu chí (SpO2, nhịp thở, triệu chứng lâm sàng…) và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để quyết định chuyển F0 lên các tầng điều trị cho phù hợp.

Hà Nội ưu tiên tiêm vắc-xin cho trẻ ở vùng có dịch
Hà Nội sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin trước cho các nhóm đối tượng trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư