Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 22/3: TP.HCM đã không còn xã, phường “vùng cam”
D.Ngân - 22/03/2022 11:47
 
Theo Sở Y tế TP.HCM từ 14/3 đến 20/3, thành phố đã không còn phường/xã ở cấp độ 3, 4 (vùng cam, đỏ).

Ghi nhận 130.731 ca Covid-19 mới tại 62 tỉnh, thành phố

Tính từ 16h ngày 21/3 đến 16h ngày 22/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 130.731 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 83.731 ca trong cộng đồng.

Ngày 22/3/2022, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 35.000 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.331 ca, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 26.400 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 23.687 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-2.793), Hà Nội (-1.902), Bắc Kạn (-1.422). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cao Bằng (+646), Lâm Đồng (+620), Hải Dương (+599).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 153.717 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.338.914 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 84.367 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.331.240 ca, trong đó có 4.465.988 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.204.100), TP Hồ Chí Minh (585.328), Bình Dương (363.521), Nghệ An (356.071), Hải Dương (303.433).

186.137 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 4.468.805 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.225 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.503 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 316 ca; thở máy không xâm lấn là 99 ca; thở máy xâm lấn là 301 ca; ECMO là 6 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 21/3 đến 17 giờ 30 ngày 22/3 ghi nhận 65 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.014 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 37.302.627 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người.

Trong ngày 21/3 có 201.193 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 202.029.331 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.966.534 liều: Mũi 1 là 70.946.442 liều; mũi 2 là 67.892.827 liều; mũi 3 là 1.496.242 liều; mũi bổ sung là 14.660.747 liều; mũi nhắc lại là 29.970.276 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 17.062.797 liều: Mũi 1 là 8.754.946 liều; mũi 2 là 8.307.851 liều.

Hà Nội thêm 16.014 F0 mới

Chiều 22/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 21/3/2022 đến 18 giờ ngày 22/3/2022, Hà Nội ghi nhận 16.014 ca bệnh (6.169 ca cộng đồng; 9.845 ca đã cách ly).

Bệnh nhân phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.436); Sóc Sơn (1.360); Hai Bà Trưng (1.214); Hoài Đức (1.081); Đống Đa (1.063).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.205.274 ca.

Tính đến hết ngày 21/3, Hà Nội có 318.843 ca dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, 284 ca điều trị tại khu cách ly; hơn 3.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện; số còn lại 315.833 người đang điều trị, theo dõi tại nhà.

Ngày 21/3, Hà Nội ghi nhận 5 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay là 1.305 người.

Tính đến hết ngày 19/3, Hà Nội có 82% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi nhắc lại vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng.

TP.HCM không còn xã, phường “vùng cam”

Báo cáo về đánh giá cấp độ dịch ngày 21/3 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy từ 14/3 đến 20/3, TP.HCM không còn phường/xã ở cấp độ 3, 4 (vùng cam, đỏ).

Khách thăm quan tại đường hoa Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch, TP.HCM không ghi nhận địa phương vùng cam. Đánh giá này căn cứ trên số liệu báo cáo của quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Trong 312 xã/phường, có 300 địa phương ở cấp độ 1, tăng 11 phường so với tuần trước. Toàn thành phố chỉ có 12 phường, xã ở cấp độ 2, giảm 9 phường so với tuần trước.

Tính đến 18h ngày 20/3, TP. HCM có 583.746 trường hợp mắc Covid-19. Hiện, thành phố đang điều trị 4.967 bệnh nhân, trong đó có 408 trẻ em dưới 16 tuổi, 87 bệnh nhân nặng đang thở máy, 3 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số trường hợp tử vong tại TP.HCM đến nay là 20.471 trường hợp, chỉ có 2 ca tử vong trong ngày 20/3.

TP. HCM đã tiêm hơn 8,1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1; 7,3 triệu mũi 2; và gần 5 triệu liều vắc-xin mũi 3 cho người dân.

Triển khai chuỗi chương trình khám sức khỏe, tư vấn, hỗ trợ điều trị hậu Covid-19

Hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, phải quay trở lại bệnh viện để điều trị.

Có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi mắc bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Trước tình hình đó, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ triển khai chuỗi chương trình "Chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19" nhằm góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe của người dân.

Chương trình gồm rất nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có tổ chức khám sức khỏe tổng quát, sàng lọc triệu chứng và tư vấn, hỗ trợ điều trị hậu Covid-19 cho 20.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn (từ tháng 4 đến tháng 11-2022) tại 15 tỉnh, thành. Tập trung nhiều hơn vào công tác chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, đặc biệt liên quan tới khối đối tượng nguy cơ cao, có bệnh lý nền.

Hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo với các chuyên đề, đồng thời sẽ sớm ra mắt Sổ tay chăm sóc sức khỏe hậu Covid cũng như tổ chức nhiều chương trình khám bệnh miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong năm 2022.

Sơn La triển khai nhiều giải pháp tiếp nhận bệnh nhân Covid-19

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Sơn La ghi nhận 111.288 ca mắc Covid-19, trong đó có những ngày thêm gần 5.000 F0 dẫn đến quá tải cục bộ tại một số cơ sở y tế.

TP Sơn La là địa phương có số ca mắc cao nhất trong tỉnh với 22.818 bệnh nhân. Tại Thuận Châu, số bệnh nhân Covid-19 trong Khu điều trị cách ly của bệnh viện đa khoa huyện tăng từng ngày.

Trong khoảng hơn 2 tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 đến điều trị tại bệnh viện tăng cao, có thời điểm lên tới hơn 70 bệnh nhân, phần lớn trong số đó có bệnh nền với triệu chứng nặng dẫn đến quá tải cục bộ tại bệnh viện.

Bác sỹ Trần Mạnh Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu cho biết, trước thực trạng quá tải do nhu cầu điều trị của bệnh nhân Covid-19 tăng cao, Bệnh viện đã linh hoạt triển khai các giải pháp cụ thể, huy động thêm 2 khối nhà của Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nhi để làm khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, đồng thời tăng cường nhân lực, vật lực hiện có tại bệnh viện, nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân.

Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, là cơ sở điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 từ trung bình đến nặng, thời điểm dịch bùng phát, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng nhập viện điều trị ngày càng tăng cao, có lúc lên tới gần 100 bệnh nhân, dẫn đến quá tải tại khu cách ly, điều trị Covid-19.

Để khắc phục việc thiếu các trang thiết bị, trước mắt Bệnh viện thực hiện phân loại, tập trung phương tiện cho các nhóm bệnh cần thiết. Khi có bệnh nhân phải sử dụng đến máy thở, máy lọc thận nhân tạo... Bệnh viện sẽ huy động, vận chuyển máy từ khu bệnh viện mới cách khu điều trị F0 này khoảng 15km.

Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế song nhờ sự chủ động, linh hoạt sử dụng các nguồn lực hiện có, tập thể cán bộ, y bác sỹ ở Sơn La đã và đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, với mục tiêu sớm ngăn chặn và kiểm soát thành công dịch trên địa bàn.

Hỗ trợ điều trị hậu Covid-19 cho 20.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn
Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư