Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 22/5: Biện pháp nên làm tránh sương mù não
D.Ngân - 22/05/2022 10:09
 
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19.

Hai ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do Covid-19

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.319 ca nhiễm mới Covid-19 tại 42 tỉnh, thành phố (giảm 138 ca so với ngày trước đó).

Ngoài ra, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, trong 2 ngày liên tiếp, Việt Nam không có F0 tử vong. 

Cụ thể, tính từ 16h ngày 21/5 đến 16h ngày 22/5, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.319 ca nhiễm mới tại 42 tỉnh, thành phố (giảm 138 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Phú Thọ (giảm 38 ca), Hải Phòng (giảm 27 ca), Hà Nội (giảm 23 ca).

Địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 138 ca), Hải Dương (tăng 12 ca), Cao Bằng (tăng 5 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.606 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.708.887 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.209 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.701.130 ca, trong đó có 9.399.229 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.597.831), TP.HCM (609.176), Nghệ An (484.119), Bắc Giang (387.513), Bình Dương (383.761).

Về tình hình điều trị, có thêm 8.945 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.402.046 ca. Ngoài ra, hiện có 211 bệnh nhân đang thở ô-xy. 

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca Covid-19 tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.075 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội có thêm 370 ca Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 20/5 đến 18h ngày 21/5), trên địa bàn thành phố ghi nhận 370 ca Covid-19, trong đó có 128 ca cộng đồng; 242 ca đã cách ly.

Cụ thể, 370 bệnh nhân phân bố tại 130 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày, như: Hà Đông (37), Hoàng Mai (34), Đông Anh (26), Nam Từ Liêm (26), Long Biên (25), Bắc Từ Liêm (24), Cầu Giấy (23).

Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là gần 1,6 triệu ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố còn 83.095 ca đang điều trị (giảm 1.125 ca so với ngày trước đó), trong đó có 94 ca điều trị tại bệnh viện và hơn 83.000 ca theo dõi tại nhà. 

Hôm qua (20/5), thành phố không có ca Covid-19 tử vong. Hiện số ca tử vong tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.336 ca.

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính từ chiều 16/4 đến hết ngày 20/5, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Các việc cần làm tránh sương mù não

Trong thời gian phục hồi sau Covid-19, các F0 có thể gặp một loạt khó khăn liên quan đến khả năng suy nghĩ của mình (được gọi là nhận thức). 

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19.

Tình trạng sương mù não thường trở nên nghiêm trọng hơn do mệt mỏi, nghĩa là người sau mắc Covid-19 càng mệt mỏi thì càng nhận thấy có nhiều khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình.

Để giảm các tác hại của sương mù não, Bộ Y tế đưa ra các khuyến cáo như sau:

Trước tiên, muốn giảm thiểu sự xao nhãng, các bệnh nhân cần cố gắng làm việc trong môi trường yên tĩnh không có sự phân tâm, có thể sử dụng nút bịt tai nếu cần.

Nếu người sau mắc Covid-19 bị phân tâm khi đọc văn bản, hãy đánh dấu các phần của văn bản bằng cách sử dụng giấy hoặc sử dụng ngón tay của bạn làm điểm đánh dấu.

Khi người sau mắc Covid-19 làm một việc mà đòi hỏi kỹ năng tư duy, hãy lập kế hoạch cho việc này vào thời điểm bớt mệt mỏi hơn. Ví dụ, nếu càng về chiều càng cảm thấy mệt mỏi thì hãy làm công việc vào buổi sáng.

Nếu vấn đề trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, hãy làm việc trong thời gian ngắn hơn và nghỉ giải lao.

Hãy đảm bảo đặt ra các mục tiêu thực tế có thể đạt được. Ví dụ, chỉ đọc 5 trang sách mỗi ngày.

Người sau khi mắc Covid-19 hãy cố gắng thiết lập lịch trình làm việc hàng ngày và hàng tuần cho mình. Nó có thể hữu ích nếu bệnh nhân sau mắc Covid-19 lập kế hoạch các hoạt động trước thời hạn.

Khi các F0 sau khi khỏi bệnh đạt được mục tiêu hoặc mục đích, hãy tự thưởng cho mình - hãy thử làm điều gì đó rất đơn giản, chẳng hạn uống một tách trà hoặc cà phê, xem tivi hoặc đi dạo.

Đừng vội vàng hoặc cố gắng tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, vì điều này có thể dẫn đến sai lầm trong xử lý thông tin.

Sử dụng danh sách, ghi chú, nhật ký và lịch có thể giúp hỗ trợ trí nhớ và thói quen của bạn.

Người sau mắc Covid-19 có thể thử những sở thích mới, giải câu đố, trò chơi chữ và số, các bài tập trí nhớ...

Ngoài ra, để cải thiện tình trạng sương mù não cần ngủ đủ giấc và đúng giờ, tập thể dục, thư giãn; suy nghĩ tích cực, chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chất tác động tâm thần như rượu, bia, chất kích thích, ...

Có thể điều phối vắc-xin Moderna cho trẻ em để tiêm cho người lớn

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, tiến độ tiêm chủng cho trẻ em chậm, sẽ có tình trạng mở lọ vắc-xin nhưng không sử dụng hết cho trẻ em hoặc đối tượng người trên 18 tuổi có nhu cầu tiêm chủng vắc-xin Moderna. 

Trường hợp không sử dụng hết lọ vắc-xin Moderna đã mở hoặc chưa sử dụng đến vắc-xin Moderna được phân bổ để tiêm chủng cho trẻ em, có thể điều phối sử dụng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo sử dụng vắc-xin hiệu quả, tránh để hủy bỏ vắc-xin do hết hạn sử dụng hoặc quá thời gian rã đông.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 19/5, Việt Nam đã tiêm được hơn 198 triệu liều vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó số lượng tiêm mũi 3 là hơn 1 triệu liều, mũi bổ sung là hơn 15 triệu liều. 

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là hơn 17 triệu liều. Số lượng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là hơn 3,2 triệu liều, trong đó có hơn 11.000 liều tiêm mũi 2.

Theo dõi sát căn bệnh đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tính đến ngày 21/5, đã có 92 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi nhiễm mới được ghi nhận tại 12 quốc gia trên khắp thế giới.

WHO nhận định việc dịch bệnh bùng phát ở hơn 10 quốc gia không lưu hành là rất bất thường. Hơn 100 trường hợp được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm đã được báo cáo, hầu hết ở châu Âu.

Thông tin hiện có cho thấy rằng, sự lây truyền giữa con người với nhau thường xảy ra khi con người tiếp xúc gần gũi về thể chất với nhau.

Căn bệnh này đã xâm nhập vào dân chúng thông qua con đường tình dục. Các hoạt động sinh hoạt tình dục đã làm tăng khả năng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới.

Đậu mùa khỉ là một căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu ở các vùng tây và trung châu Phi, người dân ở châu lục này thường dễ bị lây bệnh từ các loài động vật hoang dã. 

Căn bệnh này có thể được ngăn chặn tương đối dễ dàng thông qua các biện pháp như tự cách ly và đảm bảo vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa ở người (căn bệnh đã bị xóa sổ trên thế giới vào năm 1980), và dễ dàng bị lầm tưởng là thủy đậu.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, nổi mụt phồng, ớn lạnh và kiệt sức. Triệu chứng phát ban thường sẽ bắt đầu trên mặt trước khi lan sang những bộ phận khác.

Hiện chưa có cách trị căn bệnh đậu mùa khỉ, mặc dù đa số bệnh nhân đều trải qua các triệu chứng nhẹ và thường khỏe lại chỉ sau vài tuần.

Hiện đã có vắc-xin giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc mỗi người biết tự bảo vệ bản thân mình.

Trong những ngày tới, WHO cho biết tổ chức sẽ sớm cung cấp thêm hướng dẫn và khuyến nghị cho các quốc gia về cách giảm thiểu sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.

Hội chứng sương mù não hậu Covid và bí quyết phục hồi sức khoẻ
Buổi tọa đàm trực tuyến: Hội chứng sương mù não hậu Covid & Bí quyết phục hồi sức khoẻ do Tổng Công ty Bảo hiểm VietinBank - VBI và Hệ thống Y...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư